Ở nơi “sơn cùng cốc thẳm” vùng giáp biên, thôn Ngàn Chuồng, Bản Chuồng (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) vốn là cái tên “ngàn truồng”, “bản truồng” đọc chệch lâu ngày mà thành.
Bởi trước đây, khi giao thông về bản cách trở, ai muốn ra/vào bản chỉ có cách… cởi quần áo rồi bơi qua sông.
Một góc Ngàn Chuồng
Ký ức một thời cởi áo quần lội suối
Đón PV Báo Giao thông ở đầu QL18C, ông Nguyễn Đăng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lục Hồ chỉ tay vào những dãy núi trùng điệp phía trước mặt giới thiệu: “Ngàn Chuồng, Bản Chuồng vốn hoang vu, hẻo lánh, đi lại cách trở, nên cuộc sống bao đời khốn khó.
Trước đây, để đi ra ngoài thôn hoặc về nhà, bà con ở bản phải cởi hết áo quần quấn lên đầu để bơi, lội qua nhiều con suối lớn. Do đó, bà con gọi là “bản truồng”, “ngàn truồng”, lâu dần, gọi lái đi là Bản Chuồng, Ngàn Chuồng”.
“Nhưng đường sá giờ thuận rồi. Giờ trong bản, chỉ còn trẻ con vẫn hay ở truồng thôi!”, ông Tiến giới thiệu.
Từ lối rẽ QL18C, theo con đường bê tông phẳng phiu chỉ mất chừng 20 phút, PV đã tới thôn Ngàn Chuồng. Trong bản, những căn nhà cấp 4, nhà cao tầng mới xây nằm nương tựa vào nhau.
Trước cửa nhà dựng những chiếc xe máy, trong nhà hầu hết đều có tivi, sóng điện thoại phủ khắp. Xa xa, trên những thửa ruộng bậc thang lúa đã chín trĩu vàng là những chiếc máy gặt, máy tuốt lúa đang chạy hết tốc lực...
Bà Lý Thị Xuân, 62 tuổi, người dân tộc Dao Thanh Y, nhà ở ngay đầu thôn Ngàn Chuồng đang ngồi giữa mấy luống đỗ thoăn thoắt lướt điện thoại xem tin tức. Cách đó không xa là đám trẻ mục đồng, đứa nào đứa nấy đều ở truồng đang nô đùa bên đàn trâu gần những ruộng lúa chín vàng.
Sản xuất nông nghiệp ở Ngàn Chuồng được ứng dụng cơ giới hóa
Thấy PV có vẻ ngạc nhiên, bà Xuân cất điện thoại, tủm tỉm cười rồi thủng thẳng cho biết: “Bọn trẻ mặc như vậy cho nó mát. Hơn nữa, như thế thì cũng giống cha, ông chúng ngày xưa thôi mà. Người dân ở đây thấy vậy là bình thường, không có ngại đâu!”.
Bà Xuân kể, bà sinh ra, lớn lên ở bản Ngàn Mèo, cách đây chừng vài chục con suối. Cũng như bao thiếu nữ người Dao khác, năm 17 tuổi, bà đi lấy chồng theo sự sắp đặt của bố mẹ. Bà được bố mẹ gả cho một thanh niên người Dao sống ở xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu với “giá” tiền đủ mua một con nghé, 2 con lợn và hơn chục con gà sống thiến…
Ngày vu quy, được gặp chồng, cô thôn nữ Lý Thị Xuân hài lòng vì người mình lấy khá điển trai, lại hiền lành. Nhưng nào ngờ, khi bà Xuân sinh được 2 trai, 2 gái thì một vào một ngày dông bão, anh chồng nói gọn lỏn: “Có thằng nhà ở Lục Hồn nó muốn lấy mày về làm vợ! Tao đồng ý và nhận đồ của nó rồi, mai mày về nhà nó nhé!”.
Thế là sáng sớm hôm sau, Lý Thị Xuân gạt nước mắt từ biệt các con thơ dại và người chồng bao năm gắn bó để về nhà chồng mới theo đúng tục “bán vợ” của người Dao ngày ấy.
Ngày về nhà chồng mới, bà Xuân được đón ở ngay bờ con suối đầu tiên trong hành trình vào Bản Chuồng. Hôm ấy, trời mưa to, nước từ thượng nguồn ùng ục đổ về, bà Xuân còn lúng túng chưa biết làm thế nào để sang bên kia thì thấy người chồng… cởi phăng quần áo quấn lên đầu, lao xuống dòng nước rồi giục bà cũng làm như thế.
Dù rất ngượng, nhưng bà Xuân thấy mọi người bình thản làm thế, nên đành làm theo. Cứ vậy, sang bên kia suối thì mặc quần áo vào, đến con suối tiếp theo thì lại… cởi ra, cho đến gần trưa thì về được đến nhà.
“Về đây tôi ở với chồng và đẻ được một trai, một gái. Ngày ấy, con đường vào bản còn là lối mòn. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Vào những ngày mưa lớn, hễ có việc phải ra khỏi bản thì ai cũng phải cởi quần áo ra rồi lội qua các con suối cho khỏi ướt.
Người lớn cởi, trẻ em cởi, nam cởi, nữ cũng cởi quần áo; người ngoài vào bản cũng phải cởi tuốt... Vì thế, cả bản Ngàn Chuồng, Bản Chuồng đều thành “bản truồng” hết”, bà Xuân cười kể.
Bản Chuồng đã đổi đời
Bà Lý Thị Xuân lướt điện thoại xem nghe tin tức và kể cho PV nghe về hành trình “đổi đời” của Ngàn Chuồng hôm nay
Xác nhận với PV về câu chuyện của bà Lý Thị Xuân, anh Đặng Phúc Khoa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Chuồng lý giải thêm, ngày ấy, tập tục còn lạc hậu, nên chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” là chuyện thường. Còn chuyện “bán vợ” là do quan điểm của đồng bào lúc bấy giờ.
“Nhưng chuyện đó qua lâu rồi, giờ ở Bản Chuồng, Ngàn Chuồng, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, nam thanh, nữ tú trong làng tự do tìm hiểu yêu đương và lấy nhau, không còn có cảnh bị ép buộc, chuyện bán vợ càng không”, Trưởng bản Ngàn Chuồng phấn khởi khoe.
Anh Khoa cho biết, bản Ngàn Chuồng, Bản Chuồng liền kề nhau. Trước kia, đây là 2 điểm dân cư xa xôi, hẻo lánh và nghèo khó nhất của xã Lục Hồn, còn xã Lục Hồn lại là xã khó khăn nhất của huyện vùng núi Bình Liêu.
Ở thôn bây giờ có 4 ô tô tải, 8 máy tuốt lúa. Nhà nào cũng có xe máy, ti vi, có wifi bắt sóng điện thoại. Có người còn mua được nhà ở ngoài trung tâm xã nữa. Đời sống an yên, đủ đầy, Ngàn Chuồng đã và đang trở thành bức tường thành vững chắc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Trưởng thôn Ngàn Chuồng Đặng Phúc Khoa
Do tập tục canh tác, sinh sống lạc hậu, lại cách trở với bên ngoài nên bà con nơi đây chủ yếu sống tự cung, tự cấp. Trẻ em chỉ đi học biết mặt chữ rồi ở nhà chăn trâu, đi nương, làm rừng kiếm sống. Nhà dân thì chủ yếu làm bằng tre nứa, nhà nào có điều kiện thì làm bằng gạch non nhào nặn rồi quây lại, không có xi măng trát như bây giờ.
Cuộc sống nghèo khó cứ thế bám riết lấy các hộ người dân tộc Dao Thanh Y đến khi chương trình xây dựng nông thôn mới về với xã, nhất là từ khi hoàn thành tuyến đường bê tông rộng hơn 3m từ ngầm tràn Bản Chuồng vào xã.
Tin tưởng vào tương lai tươi mới khi có tuyến đường, người dân Ngàn Chuồng, Bản Chuồng đã hiến hàng ngàn m2 đất canh tác để mở đường.
Người góp công, người góp tiền mở đường xuyên qua khu dân cư, băng qua cánh đồng. Nhờ vậy, đến nay, các tuyến đường bê tông trong khu dân cư ở Ngàn Chuồng, Bản Chuồng đã hoàn thành, đảm bảo cho xe tải hạng nhỏ lưu thông thuận lợi.
Đường đã thuận tiện, bà con dần phải chuyển từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, buôn bán với bên ngoài.
Giờ đây, mô hình nhận khoán chăm sóc, khai thác cây thông lấy nhựa phát triển ở hai bản. Mỗi hộ nhận khoán 1.000 cây thông, mỗi cây thông khai thác nhựa chỉ phải nộp 12.000 đồng/cây/năm.
Nhờ đó, bình quân các hộ thu nhập được từ 60-70 triệu đồng/năm. Thậm chí, có gia đình còn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Ngồi trong căn nhà 2 tầng mới xây, chị Chíu Tài Múi ở giữa thôn Bản Chuồng khoe: “Hồi đầu “liều” nhận 1.000 cây thông, vợ chồng tôi chỉ nghĩ “không làm được thì trả chứ có sao đâu?”.
Vậy rồi, năm đầu tiên nhận khoán, đã thu được 30 triệu đồng. Đến năm thứ 2 có kinh nghiệm hơn thì thu nhập lên tới 70 triệu đồng. Tiền làm rừng tiết kiệm bỏ ra được, sinh hoạt hàng ngày thì từ chăn nuôi, cấy lúa. 2 năm trước, vợ chồng em xây được căn nhà này”.
Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Chuồng Đặng Phúc Khoa thì hiện thôn có 60 hộ chỉ còn có 4 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Số hộ khá, giàu chiếm tới 80%... Kinh tế phát triển, nhà văn hóa, trường học, công trình phúc lợi, khu vui chơi đều được xây dựng khang trang, sạch, đẹp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận