Bóng đá

Đi tìm màu cờ sắc áo ở V-League

17/06/2020, 05:35

Những nhà làm bóng đá nên chăng có sự thay đổi về chiến lược nhằm giúp CLB trở nên có sức hút hơn với chính người hâm mộ địa phương...

img
Cuộc đọ sức giữa Hà Nội FC và SLNA hứa hẹn nhiều kịch tính

Chiều nay, vòng 5 V-League 2020 sẽ trở lại với tâm điểm là cuộc đọ sức giữa Hà Nội FC và SLNA. Đây không đơn thuần là màn song đấu giữa hai cái tên đang ở top đầu mà còn là trận đấu của hai đội bóng giàu bản sắc bậc nhất V-League. SLNA luôn tập hợp các cầu thủ bản địa, trưởng thành từ các tuyến trẻ. Ở xứ Nghệ, bóng đá dù có thăng trầm nhưng các tài năng thì thời nào cũng có. Văn Đức, Tuấn Tài, Xuân Mạnh… hiện đang là niềm hi vọng của bóng đá Nghệ An.

Bên kia chiến tuyến, Hà Nội FC cũng gây dựng cơ đồ bằng dàn cầu thủ cây nhà lá vườn. Tuy lực lượng có chút pha trộn nhưng những ngôi sao sáng giá nhất đều là người Hà Nội. Có thể kể ra đây như: Hùng Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng… Đức Huy, Thành Chung, Văn Hậu tuy không phải người Hà Nội nhưng cũng trưởng thành từ lò đào tạo trẻ đội bóng Thủ đô.

Nhìn quanh V-League, chúng ta còn thấy DNH Nam Định, Thanh Hóa dựa chủ yếu vào nội lực, những người con quê hương để gây dựng đội bóng. HAGL, Viettel là hai ví dụ đặc biệt khi dàn cầu thủ tuy gốc gác khắp nơi nhưng đều xuất thân từ lò đào tạo trẻ của họ. Hải Phòng, Quảng Nam, Than Quảng Ninh, B.Bình Dương, SHB Đà Nẵng… tính bản địa thấp hơn nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại.

Riêng CLB TP HCM, Sài Gòn FC và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là những cái tên có tính địa phương thấp nhất. TP HCM có Chủ tịch (Nguyễn Hữu Thắng), đội trưởng (Trần Phi Sơn) đều xuất thân Nghệ An. Ngôi sao đáng chú ý nhất (Công Phượng) cũng tới từ xứ Nghệ, còn chân sút hàng đầu quê tận Hải Dương (Nguyễn Xuân Nam). Sài Gòn FC và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tuy một ở miền Nam, một ở miền Trung nhưng đại đa số trụ cột là người Hà Nội, từng trui rèn ở các tuyến trẻ Hà Nội.

Phần lớn các CLB có tính địa phương thấp, lượng khán giả sẽ không đông. Nói cách khác, sự ủng hộ của CĐV tỉ lệ thuận với tính bản địa trong mỗi đội bóng. Sài Gòn FC là một ví dụ điển hình khi sân Thống Nhất mỗi lần đội bóng áo hồng thi đấu đều vắng tanh vắng ngắt. Người dân TP HCM cũng không dành nhiều tình cảm cho đội bóng của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng.

Ngược lại, DNH Nam Định tuy chỉ là một đội bóng yếu nhưng luôn nhận sự ủng hộ tối đa từ CĐV thành Nam. SLNA những năm gần đây dù thành tích không cao nhưng vẫn sở hữu lượng CĐV hùng hậu bậc nhất Việt Nam, trải khắp ba miền. Cạnh đó, Sân Thiên Trường hiếm khi còn chỗ trống khi thày trò HLV Nguyễn Văn Sỹ tiếp đón các đối thủ. Hà Nội FC cũng đang dần tạo dựng được vị trí trong lòng người hâm mộ Thủ đô.

Từ thực tế trên, những nhà làm bóng đá nên chăng có sự thay đổi về chiến lược nhằm giúp CLB trở nên có sức hút hơn với chính người hâm mộ địa phương trước khi nghĩ tới tạo ra thương hiệu phủ sóng trên toàn quốc. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng chẳng dễ dàng nhưng khó vẫn phải làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.