Điện ảnh

Đi tìm Phong, hành trình ra rạp nhọc nhằn

18/10/2018, 08:10

Trước khi chính thức ra mắt khán giả Việt, phim tài liệu Đi tìm Phong đã chu du khắp 50 liên hoan phim...

18

Một cảnh trong phim “Đi tìm Phong” 

Đấu tranh nội tâm và nỗi buồn của cha mẹ

Sau Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (năm 2014) của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, Đi tìm Phong là bộ phim tài liệu thứ hai kể về người chuyển giới được phát hành ra rạp. Đi tìm Phong là phim tài liệu về hành trình chuyển giới của Lê Quốc Phong - một hoạ sĩ thiết kế, làm việc ở Nhà hát Múa rối Thăng Long. Từ nhỏ, Phong đã luôn nghĩ mình là đứa con gái bị nhốt trong thân thể của một người con trai. Với tính cách yểu điệu nữ tính, Phong sống trong những ánh nhìn dè bỉu, mỉa mai của nhiều người trong xã hội. Bị tổn thương và không cam chịu với số phận, Phong quyết định sang Thái Lan thực hiện ca phẫu thuật chuyển giới và đổi tên thành Lê Ánh Phong.

Đi tìm Phong được thực hiện giống như một cuốn băng nhật ký. Phim mở đầu là những hình ảnh do chính Phong tự quay, với góc máy vụng về nhưng mang tính chân thực. Xuyên suốt 90 phút, phim mang tới nhiều cảm xúc, từ xúc động tới hài hước, lắng đọng và ngập tràn hy vọng. Giọt nước mắt của Phong khi gửi gắm những lời từ đáy lòng tới người mẹ yêu thương - người không đồng ý cho Phong chuyển giới: “Con đau một lần, rồi con sẽ hạnh phúc mãi mãi” gây xúc động và để lại nhiều suy ngẫm.

Dẫu vậy, Đi tìm Phong không bi lụy mà mang tới một tinh thần lạc quan. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhìn nhận, cách làm phim gần gũi với nhân vật chính (để nhân vật tự cầm máy quay) đem đến cho người xem một cái nhìn riêng tư, thẳng thắn, bộc trực và thú vị: “Phong có nỗi cô đơn và nhiều đau đớn về cả tinh thần lẫn thể chất. Nhưng đồng thời, Phong cũng đầy khát khao yêu thương với một tinh thần lạc quan, tươi sáng và mạnh mẽ”. 

Là người thực hiện bộ phim, đạo diễn Trần Phương Thảo thừa nhận, điều khó nhất khi vợ chồng chị thực hiện bộ phim này chính là phân biệt được ranh giới của sự riêng tư. Đi tìm Phong là câu chuyện cá nhân nhưng hàm ý rộng tới cộng đồng. Bởi thế, chị luôn phải cân nhắc kỹ đâu là đời sống mình có quyền chia sẻ, đâu là sự riêng tư của gia đình nhân vật. Nữ đạo diễn tiết lộ, mất một thời gian trò chuyện với gia đình, vì nhận thấy sự chín chắn và hiểu biết của chị về giới LGBT, gia đình Phong mới đồng ý xuất hiện trong bộ phim.

Đi đường vòng để ra rạp trong nước

Bộ phim được thực hiện trong suốt 3 năm và cho khán giả thấy rõ sự thay đổi của Phong, từ một chàng trai mang nặng tâm tư tủi hổ ban đầu tới một cô gái lạc quan, yêu đời sau khi chuyển giới thành công. Là con trai út trong một gia đình ở Quảng Ngãi có 7 người con nên Phong nhận được sự yêu thương, bao bọc của người thân. Dù đau lòng nhưng bố mẹ của Phong chấp nhận cho con chuyển giới vì thương con.

Ánh Phong bộc bạch, chị đã phải đấu tranh nội tâm rất nhiều để hoàn thành ước nguyện của mình: “Tôi nghĩ rất nhiều. Đi hay dừng lại, vì không cẩn thận sẽ không quay đầu được nữa. Lỡ phẫu thuật có biến chứng hoặc xảy ra tai nạn, có thể chết trên bàn phẫu thuật. Với tôi, việc chết đi để tìm lại bản thân thì tôi toại nguyện. Nhưng tôi đi rồi, ba mẹ, anh chị sẽ ra sao. Cuối cùng, tôi vẫn quyết tâm để một lần được sống với chính con người của mình”. Phong cũng tiết lộ, chị đã phải làm “công tác tư tưởng” cho bố mẹ trước khi thổ lộ về ý định chuyển giới của mình.

Tuy không tiết lộ kinh phí cụ thể nhưng đạo diễn Trần Phương Thảo thừa nhận, bộ phim khá tốn kém về tài chính và thời gian. Sau khi hoàn thành năm 2015, phải đến năm 2018, phim mới chính thức được ra mắt giả Việt. Sở dĩ vậy, bởi hành trình Đi tìm Phong đến được với khán giả không mấy dễ dàng. Thời điểm bộ phim làm xong là lúc phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng vừa được ra mắt. Bộ phim này đã phải đi đường vòng khi nghệ sĩ Hồng Ánh - “bà đỡ” của phim phải thuê rạp để phát hành độc lập. Sau khi có các suất chiếu đầy khán giả, nhà phát hành BHD đã đồng ý nhận lại bộ phim nhưng sau đó, “chị Phụng” nhanh chóng bị bỏ rơi khi một bộ phim khác được ra mắt. Thấy tình hình ấy, vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo - Swann Dubus đã quyết định đưa Đi tìm Phong tham gia các LHP Quốc tế với suy nghĩ “phim nhận được các giải thưởng quốc tế thì các nhà phát hành Việt Nam sẽ bớt e ngại hơn”.

Phim đã tranh giải ở khoảng 50 LHP quốc tế và giành được những thành tích nhất định. Trong đó, phim đoạt giải Grand Prix tại LHP quốc tế Jean Rouch 2015 (Paris, Pháp), giải Khán giả bình chọn ở Viet Film Fest 2016 (Los Angeles, Mỹ), giải Phim xuất sắc ở LHP LGBT quốc tế 2016 (Hy Lạp). Trên trang dữ liệu trực tuyến về điện ảnh thế giới IMDb của Mỹ, phim nhận được số điểm khả quan 8/10 tới từ các nhà phê bình trên thế giới.

Từng được đạo diễn Phương Thảo đề nghị là “bà đỡ” của phim từ 4 năm trước, đạo diễn Hồng Ánh cũng phải ngậm ngùi: “Tôi cảm thấy mình vẫn còn đơn độc trên con đường đồng hành các bộ phim tài liệu Việt”. Dù vậy, chị không trách các nhà phát hành bởi hiểu được những khó khăn của họ khi phát hành một bộ phim tài liệu trong thời buổi khán giả chưa có thói quen ra rạp xem phim tài liệu như hiện nay.

Sau khi ra mắt ở một số rạp nhỏ, bộ phim đã nhận những phản hồi tích cực từ khán giả. Hai suất chiếu đặc biệt tại sân khấu Idecaf (TP HCM) đều chật kín khán giả. Bộ phim được các đơn vị như: Galaxy Cinema, CGV, Lotte Cinema, BHD Star & Cinestar để ý. Dẫu vậy, khung giờ chiếu lại khá “khó nhằn” như 9h45, 16h30, 23h55… Nhờ sự ủng hộ của khán giả, bộ phim đã được rạp CGV đã tăng thêm suất chiếu. Đây là tín hiệu tích cực cho một bộ phim tài liệu. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.