Đường sắt

Địa phương cần chủ động kinh phí xóa lối đi tự mở, quản đất đường sắt

22/09/2022, 06:00

Địa phương cần chủ động kinh phí xóa lối đi tự mở, quản lý đất đường sắt trên địa bàn, đảm bảo ATGT.

Chủ động quản lý đất đường sắt

Cục Đường sắt VN cho biết, trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện nay, tình hình vi phạm đất dành cho đường sắt còn tồn tại phức tạp, chủ yếu do lịch sử để lại. Theo đó, vẫn còn tới 11.518 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được giải tỏa; Hơn 5.800 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.

Nguyên nhân do chính quyền địa phương (cấp xã) chưa thực sự chủ động, quan tâm thực hiện trách nhiệm bảo vệ đất dành cho đường sắt.

Thực tế, từ cuối năm 2021 đến nay các vụ việc vi phạm đất dành cho đường sắt đang có nguy cơ lan rộng tại một số địa phương nơi có đường sắt đi qua như: UBND phường Dĩ An (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), UBND các xã Suối Cao, Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)... Các vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

img

Vi phạm hành lang đường sắt ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai

Tuy nhiên, cũng có nhiều “điểm sáng” trong công tác quản lý đất đường sắt, hành lang đường sắt. Đây là các địa phương không chỉ thực hiện quyết liệt các giải pháp mà còn chủ động trong kinh phí để xóa lối đi tự mở, quản đất đường sắt, bằng nhiều nguồn lực khác nhau.

Điển hình như Nam Định, các sở, ngành của tỉnh theo vai trò chức năng của mình ngay từ khi lập tổng mặt bằng quy hoạch đã thể hiện rõ ranh giới quy hoạch hành lang ATGT đường sắt và không được mở lối đi qua đường sắt khi không được phép; Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng đã được yêu cầu phải đảm bảo hành lang an toàn đường sắt.

Cùng đó lực lượng Thanh tra Sở GTVT Nam Định phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt và các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật về trật tự hành lang an toàn đường sắt. Vì vậy, từ tháng 1/2022 đến nay trên địa bàn tỉnh Nam Định không phát sinh trường hợp mới về vi phạm hành lang ATGT đường sắt.

Còn tại Hải Dương, đại diện Sở GTVT cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có đường sắt đi qua thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt và bảo đảm TTATGT đường sắt; Chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Từ đầu năm 2022 đến nay không có trường hợp vi phạm về lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt.

Tỉnh cũng đã triển khai đã xây dựng xong 3,65km đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (đoạn từ Km64+100 - Km67+756, địa phận TP Hải Dương). Trên địa bàn huyện Kim Thành đã đầu tư xây dựng được khoảng 1,3km đường gom đường sắt đoạn từ Km 67+900 - Km69+185.

“Thời gian tới, tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng khoảng 4km đường gom trên địa bàn huyện Kim Thành. Dự kiến khi các tuyến đường gom này hoàn thành sẽ xóa bỏ được khoảng 100 lối đi tự mở trên địa bàn, giúp người dân đi lại thuận tiện và an toàn hơn.”, đại diện Sở GTVT tỉnh Hải Dương cho hay.

Địa phương cần ưu tiên kinh phí xóa lối đi tự mở

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, cùng với các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt nói chung, việc triển khai thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo TTATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (Đề án 358) là giải pháp căn cơ, mang lại kết quả bền vững trong đảm bảo an toàn tuyến đường sắt hiện hữu.

img

Địa phương cần ưu tiên kinh phí xóa lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn. Ảnh: minh họa

Mục tiêu chính của Đề án 358 là xác định rõ phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định của pháp luật, thống nhất với hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của địa phương nơi có đường sắt đi qua để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ ranh giới đất dành cho đường sắt theo quy định của pháp luật về đường sắt.

Đồng thời xác định giải pháp tổng thể, định hướng để xử lý hành lang ATGT đường sắt, xử lý dứt điểm các lối đi tự mở qua đường sắt theo lộ trình quy định; Giảm TNGT đường sắt từ 5%-10% hàng năm, hạn chế thấp nhất TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.

Để thực hiện thành công các mục tiêu này, vai trò, trách nhiệm của các địa phương rất lớn. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ đất dành cho đường sắt, giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt để đảm bảo trật tự hành lang an toàn đường sắt; Tổ chức, quản lý chặt chẽ, kiềm chế không phát sinh lối đi tự mở; Tổ chức thực hiện giảm, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở...

Vì vậy, theo Cục Đường sắt VN, UBND các tỉnh/thành phố có đường sắt đi qua cần chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chủ trì là đầu mối theo phân cấp của UBND tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình tổng thể theo Đề án 358; Khẩn trương lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt, bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình của Đề án 358 đã được Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, cần ưu tiên kinh phí đầu tư để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương như xây dựng đường gom, công trình phụ trợ khác để xóa bỏ lối đi tự mở nguy hiểm hiện có trên địa bàn; Đồng thời giải tỏa các công trình vi phạm, vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn.

Đến nay, trên các tuyến đường sắt quốc gia còn 3.623 lối đi tự mở, giảm, xóa bỏ 209 vị trí nguy hiểm so với thời điểm 30/12/2021.

Tại các địa phương đã xây dựng 7.627m đường gom (địa bàn Hà Nội 990m, Nam Định 600m, Bình Định 580m, Bình Thuận 4.517m, Thanh Hóa 940m), 4.750m hàng rào ngăn cách đường bộ, đường sắt (địa bàn Hà Nội 990m, Nam Định 600m, Bình Định 580m, Bình Thuận 2.580 m).

Các địa phương và đường sắt tổ chức cảnh giới ATGT tại 376/601 vị trí cần cảnh giới (79%).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.