Hạ tầng

Địa phương “đánh đố” doanh nghiệp làm cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

05/10/2021, 17:44

Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn tách riêng phần vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư thành các dự án thành phần độc lập với nhau.

Bất nhất trong phương án lựa chọn đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả - doanh nghiệp sở hữu gần 66% vốn điều lệ tại Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn vừa có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét giải quyết các tồn tại, vướng mắc tại dự án thành phần 2 của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng.

img

Dù được thông xe từ cuối năm 2019 nhưng đến nay cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn là tuyến đường "cụt" cách TP.Lạng Sơn 30km do đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng chưa thể triển khai đầu tư xây dựng

Cụ thể, DN này đề nghị Lạng Sơn xem xét trách nhiệm của Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) khi đưa ra phương án đầu tư không khả thi và không phù hợp với quy định của Luật PPP đối với đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

“Nếu để Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn tiếp tục làm đầu mối giải quyết các tồn tại của dự án sẽ thiếu khách quan và không minh bạch, chúng tôi sẽ dừng việc tham gia đầu tư dự án và báo cáo kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết”, Văn bản do ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả nêu rõ.

Theo thông tin của Báo Giao thông, nguyên nhân dẫn tới phản ánh trên của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả xuất phát từ sự bất nhất trong phương án lựa chọn đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng giữa doanh nghiệp và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cụ thể, tại Văn bản 251 ngày 10/3/2021, Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, tổng mức đầu tư khoảng 7.609 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 4.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ nhà nước và 3.609 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư.

Về phương án đầu tư, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị đề xuất thực hiện dự án theo phương thức kết hợp nguồn vốn của nhà nước và nhà đầu tư. Theo đó, dự án sẽ tách riêng hạng mục giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án riêng (TMĐT: 781 tỷ đồng) thực hiện bằng vốn ngân sách. Còn lại, cấu phần xây dựng sẽ kết hợp nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn của nhà đầu tư khoảng 6.828 tỷ đồng.

Phần vốn nhà nước tham gia vào dự án khoảng 3.019 tỷ đồng, còn lại vốn nhà đầu tư khoảng 3.809 tỷ đồng, đảm bảo tỷ lệ phần góp vốn của nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP. Dự án dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT và nhà đầu tư được thu phí trên toàn bộ chiều dài tuyến 43km. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 27 năm 1 tháng.

Tuy nhiên, Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn lựa chọn phương án đầu tư theo hướng tách riêng phần vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư thành các dự án thành phần độc lập với nhau. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước được quản lý và sử dụng theo quy định của Luật Đầu tư công, còn nguồn vốn của nhà đầu tư được quản lý theo Luật PPP và nhà đầu tư chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư.

Theo phương án kiến nghị của Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được chia làm 3 dự án thành phần, gồm: Tiểu dự án giải phóng mặt bằng 871 tỷ đồng thực hiện bằng vốn ngân sách; Dự án xây dựng độc lập một đoạn tuyến dài 18,25km và một số hạng mục phụ trợ khoảng 3.214 tỷ đồng do UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì thực hiện bằng vốn đầu tư công.

Còn lại 24,7km sẽ thực hiện đầu tư xây dựng bằng vốn nhà đầu tư theo hình thức BOT và nhà đầu tư chỉ được thu phí trên chiều dài tuyến 24,7km, không thu phí trên đoạn tuyến do nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách, thời gian thu phí khoảng 39 năm 10 tháng.

“Đề xuất của Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đưa ra không phù hợp với với các quy định của Luật PPP và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP, đi ngược với chủ trương khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư của Đảng và Nhà nước”, ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả thông tin và cho biết, đề xuất này chẳng khác nào thách đố nhà đầu tư, không thể thực hiện khi thời gian hoàn vốn dự án lên tới gần 40 năm.

Không cho nhà đầu tư thu phí toàn tuyến là sai quy định

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) khẳng định: “Phương án đề xuất đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng của Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đưa ra không đúng quy định”.

Cũng theo vị này, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án và phần vốn này có thể được bố trí để đầu tư các hạng mục công trình hoặc tách thành tiểu dự án độc lập và nhà đầu tư được quyền thu phí trên toàn tuyến của dự án để đảm bảo phương án tài chính khả thi.

“Trong Luật PPP không có điều khoản nào quy định nhà đầu tư không được thu phí trên đoạn tuyến thực hiện bằng vốn ngân sách. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án PPP bắt buộc phải thu phí nên đề xuất tách dự án của Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn khi không cho nhà đầu tư thu phí trên toàn tuyến là không đúng, trừ khi dự án Hữu Nghị - Chi Lăng làm hoàn toàn bằng vốn ngân sách”, đại diện Vụ PPP cho hay.

Đánh giá về phương án đề xuất đầu tư dự án của Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị, đại diện này cho rằng đây là đề xuất khả thi và hoàn toàn đúng luật. Bởi, trong Luật PPP chỉ quy định khống chế phần vốn ngân sách nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư. Còn phần vốn hỗ trợ của nhà nước bố trí vào các hạng mục công trình hay tách thành tiểu dự án độc lập đều đúng luật và nhà đầu tư được thu phí trên toàn tuyến

Phương án đề xuất đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng của Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cũng giống như mô hình các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ GTVT triển khai.

Để tháo gỡ vướng mắc, đại diện Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn sớm tổ chức cùng nhà đầu tư làm việc với Ngân hàng Vietinbank nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Đồng thời, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định năng lực của liên danh nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác theo Luật PPP trước khi phê duyệt dự án; Thời gian thực hiện trong tháng 10/2021.

“Chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn công bố lý do đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng bị chậm trễ, thời gian và các biện pháp triển khai hoàn thành dự án cho nhân dân được biết để theo dõi giám sát công khai và tổ chức đấu thầu công khai minh bạch sau khi dự án được phê duyệt”, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.