Giao thông

Địa phương gây khó, luồng cạn nằm chờ dự án

21/12/2014, 07:08

Nhiều dự án nạo vét luồng chạy tàu đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét, không sử dụng vốn ngân sách đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Sông Hồng đoạn phía Bắc cầu Long Biên - nơi hầu như năm nào cũng xảy ra ùn tắc tàu thuyền do luồng không đủ độ sâu
Sông Hồng đoạn phía Bắc cầu Long Biên - nơi hầu như năm nào cũng xảy ra ùn tắc tàu thuyền do luồng không đủ độ sâu

Tàu đợi luồng thông, luồng chờ dự án 

Từ khoảng tháng 10/2014 đến nay, hệ thống sông miền Bắc vào mùa nước cạn, trên sông Hồng, sông Lô qua địa phận Hà Nội, Phú Thọ xuất hiện những đoạn luồng chạy tàu bị cạn nghiêm trọng, nước không đủ sâu khiến tàu thuyền phải nằm đợi con nước vài ngày, thậm chí còn bị mắc cạn. 

Theo Công ty CP Quản lý đường sông số 6 và Đoạn Quản lý Đường thủy nội địa số 1, trên sông Hồng đang có nhiều đoạn luồng cạn nghiêm trọng, điển hình như các đoạn phía Bắc cầu Long Biên qua xã Trung Châu (huyện Đan Phượng), Cổ Đô (huyện Ba Vì), ngã ba sông Hồng - sông Đà. Còn trên sông Lô, hai đoạn luồng chạy tàu tại Km11 qua TP Việt Trì, Km45 - Km46 qua huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cũng đang khan cạn, các tàu thuyền phải hạn chế đi lại theo điều tiết của đơn vị đảm bảo giao thông. Theo quy luật nhiều năm trước, tình trạng khan cạn có thể nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn vào mùa tháng 2 năm sau.   

Thực tế từ năm 2011-2013, doanh nghiệp đã đăng ký gần 40 dự án xã hội hóa nạo vét luồng, nhưng chưa đến 10 dự án được triển khai. Trong khi đó, Cục Đường thủy nội địa VN dự tính, năm 2015 -2020 có khả năng huy động 1.470 tỷ đồng từ vốn xã hội hóa để quản lý, bảo trì hạ tầng đường thủy, trong đó từ nguồn nạo vét tận thu là 147 tỷ đồng (10%).

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước dành cho nạo vét luồng đường thủy hàng năm không đáp ứng được yêu cầu, giải pháp xã hội hóa đầu tư đã được đặt ra từ vài năm trước. Trên sông Hồng, sông Lô cũng đã có hàng chục đoạn luồng thuộc danh mục nạo vét xã hội hóa đã được nhà đầu tư đăng ký, được Bộ GTVT chấp thuận. 

Thế nhưng, thực tế là mặc cho luồng không đủ sâu, thoáng, hầu hết các dự án vẫn nằm chưa hoàn tất khâu thủ tục liên quan đến địa phương. Một số rất ít (khoảng 1-2 dự án) đã xong thủ tục lại chưa thể triển khai trên thực địa. 

Ông Đinh Công Hòa, Phó Giám đốc Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 1 cho biết, trên sông Lô mới có một dự án làm thủ tục hồ sơ để nạo vét từ Km6 - Km10, nhà đầu tư khác làm tại Km 25 - Km36 sông Hồng, nhưng vì chưa xác định rõ mốc thực địa nên thực tế chưa triển khai. Ông Hòa và ông Cao Văn Định, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cũng cho biết, hai đơn vị cũng đã đề xuất Cục Đường thủy nội địa VN cho nạo vét các bãi cạn trọng điểm nói trên để giải quyết ùn tắc phương tiện, nhưng chưa được chấp thuận.

Lại chuyện thủ tục “hành là chính”

Nhằm tạo sự minh bạch, thông thoáng thủ tục cho các nhà đầu tư, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 37 (có hiệu lực từ 1/1/2014) với những hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng, một số chủ đầu tư cho biết, quá trình làm thủ tục ở địa phương vẫn rất khó khăn, phức tạp. 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, giám đốc một công ty đầu tư và xây dựng đường thủy đề nghị giấu tên cho biết, sau nhiều lần “đấu tranh” với các địa phương, đến nay mới xong thủ tục của hai dự án tại luồng đường thủy ở phía Bắc. “Doanh nghiệp đều làm đầy đủ các thủ tục theo quy định chung. Thế nhưng, khi đến làm thủ tục với một số địa phương thấy cực kỳ khó khăn, bởi những sự đòi hỏi không đúng luật, thậm chí vô lý”, vị này nói.

Đáng nói hơn, theo giám đốc trên, có địa phương còn yêu cầu phải nộp tiền “cấp quyền” thực hiện cho dự án dù đây chỉ là dự án nạo vét luồng, đảm bảo ATGT. Có tỉnh yêu cầu tính thuế theo cách đăng ký khối lượng nạo vét bao nhiêu thì tính thuế bấy nhiêu. “Nếu như đăng ký khối lượng nạo vét là 450  nghìn m3 thì cứ 200 nghìn đồng/m3 mà nhân lên, trong khi thực tế sản phẩm nạo vét tận thu còn có cả bùn đất không sử dụng được”, vị này bức xúc.

Đó là chưa nói đến hàng loạt lý do khác như chưa chấp thuận dự án vì... đang chờ sửa văn bản. Nếu thiếu quyết tâm “theo đuổi” đến cùng và “đấu tranh” bằng những viện dẫn pháp lý sẽ dễ bỏ cuộc trước những thủ tục, yêu cầu hoặc lý do mà các địa phương đưa ra.

Khá bức xúc vì những quy định “hành dân”, ông S., giám đốc một doanh nghiệp khác kể, có tỉnh chỉ mời lên họp vài lần rồi đưa ra văn bản trả lời nhà đầu tư rằng “đoạn sông đó đã cấp hết phép khai thác” rồi… thôi. 

Về vấn đề này, ông Ngô Anh Tuân, Trưởng phòng Hạ tầng, Cục Đường thủy nội địa VN cho rằng, mấu chốt của sự “nhùng nhằng” tại các dự án xã hội hóa nạo vét đường thủy chậm triển khai chủ yếu do thiếu hướng dẫn thủ tục tận thu sản phẩm nạo vét của ngành Tài nguyên - Môi trường. 

“Do thiếu hướng dẫn nên mỗi địa phương yêu cầu một kiểu, mà hầu hết coi nạo vét luồng cũng như khai thác khoáng sản, nên thời gian để địa phương xem xét, đồng ý cho triển khai dự án kéo dài. Bộ GTVT cũng đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề nghị các bộ, ngành liên quan cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Tuân nói. 

Hồng Xiêm  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.