Quản lý

Địa phương “lật kèo”, nhà đầu tư BOT lo vỡ nợ

15/12/2016, 07:25
image

Gần đây, không ít địa phương “lật kèo”, đòi dời trạm, giảm phí đối với các dự án BOT đang hoạt động.

5

Vị trí đặt hai trạm thu phí Bến Thủy 1 và 2 hiện nay là phương án tối ưu đã được các bộ ngành, chính quyền địa phương hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thống nhất - Ảnh: Tạ Tôn

Hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư chỉ được ký kết khi chính quyền địa phương liên quan đến dự án chấp thuận vị trí đặt trạm và mức thu phí. Tuy nhiên, gần đây, không ít địa phương “lật kèo”, đòi dời trạm, giảm phí đối với các dự án BOT đang hoạt động khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông hoang mang, lo vỡ phương án tài chính. 

Địa phương đồng thuận vị trí đặt trạm, mức phí BOT

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, vị trí đặt các trạm thu phí BOT giao thông được quy định cụ thể trong các hợp đồng giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư. Trước khi ký kết hợp đồng, Bộ GTVT đều phải xin ý kiến của UBND các tỉnh, thành liên quan đến dự án, thậm chí có nhiều dự án như: Tuyến tránh Cai Lậy, tuyến tránh TP Phủ Lý,… còn phải xin thêm cả ý kiến của HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố về vị trí đặt trạm thu phí. “Chỉ khi có ý kiến thống nhất của chính quyền địa phương, lúc đó vị trí đặt trạm thu phí BOT mới được xác định trong hợp đồng BOT”, ông Huy nói.

Liên quan đến mức phí, trao đổi với Báo Giao thông chiều 14/12, một Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thông tư thu phí của mỗi dự án BOT do Bộ Tài chính ban hành được thực hiện rất chặt chẽ, tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật. “Thông tư quy định về mức phí của mỗi dự án dựa trên cơ sở hợp đồng BOT được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư. Nhưng ngay ở khâu này, Bộ GTVT đã phải thống nhất với chính quyền địa phương về mức phí của dự án”, vị Thứ trưởng này nói và cho biết thêm, sau khi Bộ GTVT có tờ trình và đề nghị ban hành thông tư thu phí, Bộ Tài chính sẽ dự thảo thông tư thu phí cho dự án. Tiếp đó, Bộ Tài chính sẽ gửi lại xin ý kiến Bộ GTVT và các địa phương có liên quan đến dự án BOT. Trên cơ sở ý kiến của Bộ GTVT, chính quyền địa phương, lúc đó, Bộ Tài chính mới ban hành thông tư thu phí chính thức cho dự án. Quy trình như vậy là rất chặt chẽ và có đầy đủ ý kiến của Bộ GTVT và chính quyền địa phương liên quan.

Nhà đầu tư lo vỡ nợ

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/10/2015, trạm thu phí Km42+730, QL6 tiến hành thu phí theo quy định tại Thông tư 122 do Bộ Tài chính ban hành ngày 18/8/2015 để hoàn vốn cho dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (TMĐT: 2.942 tỷ đồng). Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước khi ban hành Thông tư thu phí chính thức, ngày 17/6/2015, Bộ Tài chính có Công văn 8047 gửi UBND tỉnh Hòa Bình về dự thảo thông tư thu phí của trạm thu phí Km42+730. Ngày 14/7/2015, trong văn bản trả lời, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - Bùi Văn Khánh nêu rõ: “UBND tỉnh Hòa Bình cơ bản thống nhất với dự thảo thông tư thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km42+730, QL6”.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy hai tháng kể từ khi dự án chính thức thu phí, ngày 7/12/2015, UBND tỉnh Hòa Bình lại phát đi Văn bản 1559 đề nghị Bộ Tài chính và Bộ GTVT giảm phí cho các hộ dân sinh sống xung quanh trạm thu phí BOT, dù trước đó, tỉnh này đã có văn bản chấp thuận cho phép nhà đầu tư dự án xây dựng trạm thu phí tại Km42+730, QL6.

Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, vị trí đặt hai trạm thu phí Bến Thủy 1 và 2 hiện nay là phương án tối ưu đã được các bộ ngành, chính quyền địa phương hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thống nhất trong quá trình xây dựng dự án. “Việc đề xuất di dời trạm thu phí sẽ phá vỡ quy định về khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sẽ phát sinh kinh phí, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp ở khu vực khác và phá vỡ phương án tài chính của dự án, nhà đầu tư sẽ vỡ nợ”, ông Huỳnh nói và cho biết thêm, người dân huyện Nghi Xuân khi đi qua cầu Bến Thủy 1 sang TP Vinh sẽ phải chịu phí nhưng nếu đi về TP Hà Tĩnh thì hoàn toàn không mất tiền.

Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, thời gian qua, tình hình an ninh trật tự tại trạm thu phí rất phức tạp khi nhiều tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng miễn giảm giá vé vẫn cố tình chống đối, không mua vé qua trạm. “Theo phương án tài chính, trong năm đầu thu phí, bình quân mỗi tháng phải thu được ít nhất 10 tỷ đồng, nhưng thực tế hiện nay chỉ thu được khoảng 6 tỷ đồng/tháng. Dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, nếu chính quyền địa phương không vào cuộc hỗ trợ chúng tôi trong việc kiểm soát, xác định rõ các đối tượng thuộc diện miễn giảm phí và xử lý các đối tượng cố tình chống đối, hiện tượng thất thu phí vẫn tiếp tục diễn ra, phương án tài chính sẽ bị phá vỡ và nhà đầu tư đứng trước nguy cơ vỡ nợ”, ông Bát nói.

Gần nhất, ngày 2/8/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh phát đi Văn bản 3621 đề nghị Bộ Tài chính di dời trạm thu phí Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 về vị trí phù hợp và giảm mức phí từ 20-60% cho người dân địa phương. Cũng với lý do này, hơn chục ngày qua, người dân khu vực các trạm thu phí này mang hàng chục ô tô giăng băng rôn, biểu ngữ đề nghị di dời trạm về vị trí khác khiến QL1 nhiều thời điểm ùn tắc nghiêm trọng.

Trả lời Báo Giao thông về vị trí đặt trạm của hai dự án này, ông Nguyễn Viết Huy khẳng định: “Để đảm bảo phương án tài chính của dự án BOT tuyến tránh TP Vinh và Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh, vị trí đặt hai trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 đã được Bộ GTVT và chính quyền địa phương hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thống nhất. Nếu chỉ thu phí ở một cầu sẽ không thể hoàn vốn và sẽ dẫn tới tình trạng chủ phương tiện trốn phí”.

Về mức phí của dự án, ngày 7/3/2014, Bộ Tài chính ban hành Văn bản 2895 xin ý kiến Bộ GTVT, UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, QL1 để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh TP Vinh và dự án nâng cấp QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh.Trả lời Bộ Tài chính tại Văn bản 970 ngày 14/3/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: “Tỉnh Hà Tĩnh cơ bản nhất trí với bố cục và các nội dung trong dự thảo của Bộ Tài chính”; Văn bản 1266 ngày 11/3/2014 của UBND Nghệ An cũng khẳng định: “Mức thu và lộ trình áp dụng cho các năm 2014 - 2015 và từ năm 2016 như trong dự thảo là phù hợp với quy định tại biểu khung mức thu phí ban hành kèm theo thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.