Giao thông

Địa phương mong sớm làm cao tốc Bắc - Nam để “cất cánh”

10/11/2017, 15:07

Chia sẻ với Báo Giao thông, nhiều ĐBQH, lãnh đạo địa phương bày tỏ mong muốn sớm có cao tốc Bắc-Nam...

8

Địa phương mong sớm làm cao tốc Bắc - Nam để “cất cánh” - Đồ họa: Nguyễn Tường

Làm ngay cao tốc để thu hút đầu tư

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương rất quan tâm và mong muốn dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai càng sớm càng tốt. Bởi, tuyến cao tốc này sẽ kết nối các tỉnh khu vực miền Trung và phía Bắc với các tỉnh Đông Nam bộ, tạo động lực để Đồng Nai phát triển kinh tế mạnh mẽ. Mặt khác, đây còn là tuyến cao tốc kết nối CHK quốc tế Long Thành, giảm tải cho tuyến QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai hiện chỉ có hai làn xe.

“Ngoài Dự án cao tốc Bắc - Nam, tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chúng tôi cũng kiến nghị Trung ương sớm đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3, 4 nhằm kết nối CHK quốc tế Long Thành với các tỉnh khu vực miền Trung”, ông Vĩnh nói.

"Nếu so với quy hoạch phát triển mạng lưới GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể phát triển GTVT của nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu so với nhu cầu của các địa phương 63 tỉnh, thành thì dự án chưa thỏa mãn nhu cầu. Một số tỉnh như Điện Biên hay Sóc Trăng - địa phương mà tôi làm đại biểu Quốc hội hiện chưa có mét cao tốc nào đi qua, cơ sở hạ tầng giao thông còn rất yếu kém, rất cần bổ sung để có thể thu hút đầu tư, thu hút du lịch. Việc ưu tiên chọn đoạn tuyến để làm hiện nay ở nước ta cũng giống cảnh nhà thì nghèo mà con lại đông, nên phải chọn anh nào khỏe, ưu tiên hỗ trợ một đứa để nó vượt lên, rồi sau này còn có lực giúp những đứa khác."

Ông Nguyễn Đức Kiên
Phó chủ nhiệm
Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định, khi cao tốc Bắc - Nam hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng cho toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Long An. “Hạ tầng giao thông được cải thiện sẽ tạo động lực to lớn để các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, ông Cảnh chia sẻ.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cũng cho rằng, cao tốc Bắc - Nam cần được đầu tư xây dựng sớm để tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt từ Bắc chí Nam để thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước và giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến QL1 hiện sắp mãn tải.

Theo đề xuất của Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020, khu vực miền Trung sẽ được tập trung xây dựng một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam như: Ninh Bình - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vinh Hảo,… Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, đường cao tốc Bắc - Nam rất cần thiết phải đầu tư xây dựng sớm để hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, đảm bảo kết nối các khu kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu trong khu vực, các nước trong khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển KT-XH và giảm tải cho tuyến QL1.

“Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đây là dự án rất cấp bách và cần thiết phải làm ngay”, ông Thắng nói và cho biết thêm, khi cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh hoàn thành, cùng với QL1, đường Hồ Chí Minh, QL8, QL12 tuyến đường sắt Viêng Chăn - Tân Ấp - Mụ Giạ - Vũng Áng (đang lập dự án đầu tư) và hệ thống cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương sẽ tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối liên vùng và kết nối Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết, theo thống kê, trước đây, TNGT trên tuyến QL1 chiếm tới 70% các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau khi QL1 được mở rộng, số vụ TNGT trên tuyến đường này đã có lúc giảm xuống còn 50%. “Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lưu lượng phương tiện trên tuyến tăng nhanh, số vụ TNGT trên tuyến QL1 đang có chiều hướng tăng trở lại. Việc sớm mở một tuyến đường cao tốc Bắc - Nam để hạn chế việc đi qua các vùng dân cư, vùng trọng điểm là rất cần thiết, đồng thời giảm tải áp lực lên QL1”, ông Đức nói.

Càng chậm, chi phí đầu tư càng cao

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) chia sẻ, phát triển KT-XH của Bình Thuận đang gặp nhiều điểm nghẽn, trong đó lớn nhất là giao thông đối ngoại. Từ TP.HCM vào Phan Thiết trước đây mất khoảng 5 tiếng, sau khi đoạn cao tốc Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác đã giảm xuống còn 3,5-4 tiếng. Theo ông Cảnh, để tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, việc đầu tư đoạn cao tốc từ Dầu Giây đi Nha Trang, trong đó có đoạn Dầu Giây - Phan Thiết cũng như xuyên suốt cả tỉnh Bình Thuận là nhu cầu rất cấp thiết.

“Bình Thuận hiện không chỉ phát triển công nghiệp, năng lượng là mũi nhọn chủ đạo mà còn hướng đến phát triển du lịch. Nếu làm cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi dự kiến khoảng thời gian đi lại rút ngắn chỉ còn 2 tiếng cho đoạn đường dài 200km. Khi ấy, chắc chắn Bình Thuận sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển mạnh mẽ du lịch, chủ trương xây dựng Bình Thuận là trung tâm phát triển du lịch thể thao biển của quốc gia”, ông Cảnh nói.

Cũng theo ông Cảnh, cùng với việc xây dựng sân bay Phan Thiết dự kiến khởi công năm 2019, tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn sẽ tạo động lực để Bình Thuận cất cánh trong tương lai. Bà con cử tri của Bình Thuận và cán bộ các cấp, ngành của tỉnh rất mong chờ con đường cao tốc này.

Ông Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cũng nói: “Giờ mới bàn chuyện làm cao tốc Bắc - Nam, theo tôi là đã chậm. Mà càng chậm, chi phí đầu tư càng lớn do tiền GPMB liên tục tăng qua mỗi năm. Muốn gì thì muốn, vẫn phải làm cao tốc, làm sớm ngày nào tốt ngày đó, bởi đây chính là động lực để phát triển kinh tế”.

Ông Phương đánh giá, Tờ trình về Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Chính phủ chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từng hạng mục đều hết sức thuyết phục. Phương thức huy động vốn như đề xuất của Chính phủ rất phù hợp, giảm áp lực đầu tư của Nhà nước, đồng thời vẫn chia sẻ rủi ro trong quá trình khai thác với nhà đầu tư. Dự án sau khi hoàn thành sẽ có thể áp dụng được thu phí kín, chống được lãng phí, gian lận.

“Nếu có thể làm được cao tốc dọc suốt theo chiều dài đất nước thì quá tốt. Tất nhiên, làm được cả thì hay hơn, nhưng trong điều kiện hiện nay, chọn từng đoạn cấp thiết ưu tiên đầu tư trước đề xuất của Chính phủ là phù hợp”, ông Phương nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.