Xã hội

Địa phương nghèo chi hàng chục tỷ đồng xây cổng chào, khẩu hiệu có nên?

28/09/2020, 15:33

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây cổng chào, khẩu hiệu, tượng đài hàng chục tỷ đồng từ tiền ngân sách là điều không nên.

img
Tỉnh Hòa Bình bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để dựng 11 từ khẩu hiệu tại vị trí đồi Ông Tượng

Thời gian gần đây, nhiều địa phương bỏ ra hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng để xây dựng cổng chào, tượng đài hay câu khẩu hiệu. Gần đây nhất, dư luận xôn xao trước việc tỉnh Hòa Bình bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để dựng 11 từ khẩu hiệu tại vị trí đồi Ông Tượng (thuộc phường Chăm Mát, TP Hòa Bình).

Được biết, ngân sách để làm 11 từ khẩu hiệu này lấy từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế. Trong khi đó, Hòa Bình là một tỉnh nghèo và vẫn còn xin nguồn ngân sách hỗ trợ từ Trung ương.

Về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, gần đây xuất hiện hội chứng các tỉnh, huyện, thậm chí là xã xây cổng chào, khẩu hiệu, tượng đài tiền tỷ, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

“Việc xây dựng cổng chào, khẩu hiệu, tượng đài... để quảng bá cho địa phương thì cũng là điều rất tốt nhưng số tiền đến hàng chục tỷ đồng để làm việc đó thì quả thật không nên, nhất là sử dụng vốn ngân sách”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết, việc quảng bá du lịch, nét đẹp của địa phương không phải duy nhất nằm ở cái cổng chào hay khẩu hiệu, tượng đài.

“Trước khi đi du lịch ở địa phương nào đó du khách thường bỏ thời gian tìm hiểu phong cảnh, công trình kiến trúc mang tính văn hóa, lịch sử, các món ăn đặc trưng... ở địa phương đó. Không ai chọn một địa điểm để du lịch chỉ vì ở đó có một cái cổng chào hoành tráng, được xây dựng tiền tỷ”, ông Tiến nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, tiền ngân sách cần ưu tiên tập trung cho y tế, giáo dục.

“Vẫn còn tình trạng bệnh viện quá tải, học sinh quá đông trên một lớp thì việc xây dựng cổng chào, tượng đài, hay dựng những khẩu hiệu tiền tỷ quả thật là lãng phí. Nhiều tỉnh nghèo, ngân sách địa phương thu không đủ chi vẫn phải nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương nhưng lại bỏ tiền theo kiểu “vung tay quá trán” thì quả thật đây là biểu hiện của sự khoa trương, hình thức", ông Tiến nói và đặt câu hỏi: “Liệu có tình trạng vẽ ra các dự án lớn dùng tiền ngân sách để số tiền chảy vào túi cá nhân, lợi ích nhóm càng cao hay không?"

img
PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng

Cùng quan điểm trên, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, giáo dục, y tế, hỗ trợ người nghèo phải được ưu tiên hơn việc xây dựng cổng chào, khẩu hiệu, tượng đài tiền tỷ.

“Tiền ngân sách cần phải được sử dụng hợp lý để tạo điều kiện cho người dân được nâng cao chất lượng cuộc sống. Những lĩnh vực như giáo dục, y tế, người có hoàn cảnh khó khăn cần phải được ưu tiên, hỗ trợ, sau đó mới tính đến chi tiêu việc khác”, bà An nêu quan điểm.

Theo bà An, việc bỏ số tiền cả chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng để xây dựng cổng chào, khẩu hiệu, tượng đài cần phải được chính quyền địa phương xem xét kỹ lưỡng về kinh phí. Bởi dù rằng kinh phí để xây dựng là do huy động hay tiền xã hội hóa, cũng nên cân nhắc từ yêu cầu thực của địa phương, cụ thể hơn là yêu cầu từ chính người dân.

"Nếu địa phương đang còn nhiều khó khăn về kinh tế, dù với cách giải thích nào đi chăng nữa, việc đầu tư lớn để xây cổng chào, khẩu hiệu, tượng đài vẫn là lãng phí", bà An nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.