Xã hội

Dịch bệnh Covid-19, người Việt giảm chi đồ dùng nhưng tăng uống rượu bia

06/07/2021, 11:16

Trong khi tỷ lệ mua sắm đồ dùng thấp nhất trong khoảng 12 năm gần đây thì lượng tiêu thụ rượu bia lại có xu hướng tăng lên.

img

30 thanh niên tổ chức ăn nhậu trong một phòng của một khu cách ly phòng dịch Covid-19 tại huyện Minh Hóa, Quảng Bình

Chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu - nghèo giảm

Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 (KSMS 2020) được thực hiện tại 63 tỉnh thành phố bao gồm khoảng 47 nghìn hộ đại diện cho toàn quốc, vừa được Tổng cục Thống kê công sáng nay 6/7.

Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của cả nước đạt 4,2 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 1% so với 2019. Trong đó, khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng/người/tháng cao gấp 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng/người).

Nhóm hộ giàu nhất có thu nhập bình quân đạt 9,1 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (1,1 triệu đồng/người/tháng). Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Đông Nam Bộ (6 triệu đồng/người/tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (2,7 triệu đồng/người/tháng).

Theo ông Nguyễn Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường, trong mùa dịch Covid-19, xu hướng hệ số bất bình đẳng giữa nhóm giàu - nghèo đã giảm hơn so với những năm trước. “Bất bình đẳng về thu nhập (hệ số GINI) của Việt Nam năm 2020 là 0,375, vẫn ở mức bất bình đằng trung bình. Đáng chú ý, trong năm 2020, do được hưởng các chính sách an sinh xã hội nên nhóm người nghèo có tốc độ thu nhập tăng nhanh hơn so với nhóm giàu”, ông Quân phân tích.

Lượng tiêu thụ thực rượu bia trong dân lớn hơn nhiều so với thống kê

Năm 2020, chi tiêu bình quân mỗi hộ gia đình là 2,89 triệu đồng/người/tháng. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mức tăng này chậm hơn so với các thời kỳ trước. Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ đạt 2,4 triệu đồng, chênh lệch 1,6 lần”, ông Quân phân tích.

Thống kê cũng cho thấy chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình trong năm 2020. Cụ thể mức chi này khoảng 2,7 triệu đồng/người/tháng chiếm 93% tổng chi tiêu hộ gia đình. Trong đó chi cho ăn uống xấp xỉ 1,35 triệu đồng/người/tháng và chi phí khác khoảng 1,37 triệu đồng/người/tháng.

"Năm 2020, tỷ trọng chi cho ăn uống tăng lên so với các khoản chi khác như may mặc, đi lại, đồ dùng thiết bị gia đình, văn hoá giải trí... Cụ thể, tỷ lệ hộ mua sắm đồ dùng lâu bền trong 2020 chỉ 34,4% thấp nhất từ 2008 tới nay, mặc dù ra sức khuyến mãi. Đây là bất thường trong cơ cấu chi tiêu trong năm 2020 do tác động của dịch Covid-19", ông Quân thông tin.

Đáng chú ý, KSMS 2020 cho thấy, lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2010 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm nghèo nhất (2,2 lít so với 1 lít/người/tháng).

"Đây chỉ là mức tính tiêu thụ rượu bia tại nhà, chưa tính phạm vi tiêu thụ ngoài gia đình. Do đó thực tế mức tiêu thụ rượu bia có thể còn cao hơn rất nhiều", ông Quân nói và cho biết: Chưa có minh chứng do ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng đưa ra con số thống kê để cho thấy xu hướng này đang diễn ra.

Trong bố cảnh dịch bệnh, chi tiêu cho giáo dục đào tạo bình quân 1 người/năm học cũng cao hơn ở mức hơn 7 triệu đồng trong khi 2018 con số này ở mức 6,6 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.