Thị trường

Dịch bệnh tái phát đe dọa nguồn cung thực phẩm

19/02/2020, 09:43

Sự hạ nhiệt dần của giá thịt lợn lại đang bị đặt vào thử thách trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát.

img
Giá thịt lợn đã giảm về mức 120 - 150 nghìn đồng/kg, lợn hơi giảm xuống dưới 75 nghìn đồng/kg

Giá thịt lợn hạ nhiệt, thịt gà lao dốc

Sau một thời gian dài tăng chóng mặt, giá thịt lợn đã dần hạ nhiệt, tiệm cận về gần mức giá trước thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

Khảo sát của PV Báo Giao thông tại chợ Nghĩa Tân, Hà Nội, giá thịt lợn đã về mức 120 - 150 nghìn đồng/kg tùy loại, giảm trung bình 20 nghìn đồng/kg so với thời điểm Tết. Chị Lan, một tiểu thương chợ này lý giải, giá thịt bán ra giảm là nhờ nguồn cung đã ổn định. Thịt hơi giảm liên tục, từ mốc cao điểm 100 nghìn đồng/kg giờ xuống mức phổ biến 73 - 75 nghìn đồng/kg; thịt móc hàm giảm theo, còn 110 nghìn đồng/kg…

Ông Liêm, chủ lò giết mổ Hồ Văn Liêm (Mê Linh, Hà Nội) nhận định, sức mua giảm mạnh từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Người tiêu dùng đa số chọn đi siêu thị để tiện thể mua sắm nhiều đồ ăn thay vì đi chợ dân sinh. Ngoài ra, giá thịt lợn hạ nhiệt cũng do các “ông lớn” như CP, Dabaco đồng loạt giảm giá lợn hơi về mốc 75 nghìn đồng/kg khiến thị trường cũng phải điều chỉnh giá theo.

Không riêng thịt lợn, giá gà cũng bất ngờ quay đầu lao dốc mạnh trước mối lo dịch chồng dịch. Tại chợ Nghĩa Tân, khu vực bán gà vắng hoe, chỉ khi có khách quen hỏi, người bán mới mang gà từ nơi cất giấu ra thịt. Chị Hoài, một tiểu thương chia sẻ, giá gà ta bán ra phổ biến 80 - 100 nghìn đồng/kg, giảm 20 - 40 nghìn đồng/kg so với trước đây và giảm gần một nửa so với thời điểm Tết.

Chị Hoài cho hay, vì lo sợ dịch bệnh Covid-19, người dân ít đi chợ hơn khiến sức mua giảm mạnh, chợ ế ẩm. Mặt khác, trước thông tin xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại Hà Nội, nhiều người đã quay lưng với thịt gà nên từ mức bán 40 con gà/ngày, giờ chị chỉ bán được 10 con.

Chị Vân, một tiểu thương khác phân tích: Thịt gà trở nên đắt hàng và bán được giá cao kể từ khi thịt lợn tăng giá “chóng mặt” do dịch tả lợn châu Phi. “Tuy nhiên, chỉ một tuần trở lại đây, gà giảm giá liên tục, từ 140 - 150 nghìn đồng/kg chỉ còn 80 - 100 nghìn đồng/kg gà ta. Đây là mức giảm ít thấy từ nhiều năm nay sau thời điểm Tết…”, chị Vân buồn bã.

Tại các chợ như Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Nhổn… giá gà cũng giảm sâu. Cụ thể, gà ta từ mức 140 - 150 nghìn đồng/kg xuống 70 - 100 nghìn đồng/kg; Gà công nghiệp từ mức 70 nghìn đồng/kg xuống 40 - 45 nghìn đồng/kg, riêng giá buôn chỉ còn 15 - 25 nghìn đồng/kg...

Đe dọa nguồn cung

Hải sản, rau quả tăng giá chóng mặt
Trái ngược với thịt gà và thịt lợn, khảo sát của PV tại các chợ của Hà Nội cho thấy, mặt hàng thịt bò tiếp tục tăng giá và đứng ở mức cao: Thịt bò thăn 300 - 350 nghìn đồng/kg, dẻ sườn 280 - 300 nghìn đồng/kg, thịt diềm 280 nghìn đồng/kg… tăng 10% so với dịp Tết. Tương tự, giá hải sản cũng tăng 20 - 30%.
Đặc biệt, giá rau quả tăng chóng mặt, thậm chí còn được ví đắt hơn giá gà trong những ngày gần đây. Các loại rau như xà lách, rau muống, cải bắp, rau ngót, cải cúc đều tăng gấp 3 - 4 lần bình thường.
Tại một số siêu thị, mặt hàng rau củ quả giá bán ổn định hơn, song thường xuyên “cháy hàng”. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, hiện lượng khách mua những mặt hàng thiết yếu như rau, củ quả, mỳ tôm, đồ hộp... tại siêu thị BigC tăng lên khoảng 40 - 50%.


Giá thịt lợn ổn định trở lại, đặc biệt giá gà lao dốc giúp người tiêu dùng bớt đi được chút ít gánh nặng chi tiêu cho bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không khỏi tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung - cầu trong thời gian tới.

Ông Tâm, một hộ chăn nuôi gà ở Quốc Oai, Hà Nội cho biết: Dịch cúm gia cầm xuất hiện trở lại ở một số địa phương, khiến người chăn nuôi phải “bán tống bán tháo” khiến giá gà giảm mạnh. “Nhiều thương lái không thu mua nên phải bán giá thấp mức 50 - 70 nghìn đồng/kg đối với gà ta, 15 - 25 nghìn đồng/kg đối với gà công nghiệp để đẩy nhanh hàng. Diễn biến này lại kéo cả thị trường vào vòng luẩn quẩn: Dịch bệnh bán tháo, giá giảm. Dịch lan rộng, người nuôi thua lỗ, không còn hơi sức tái đàn. Nguồn cung trong dài hạn giảm, giá tăng lại nóng trở lại…”, ông Tâm ngao ngán.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn xác nhận: “Trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện 4 ổ dịch cúm H5N6 tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, với tổng số gia cầm bị tiêu hủy 6.807 con, khiến người tiêu dùng e ngại khi lựa chọn thịt gà. Mặt khác, đẩy nhanh hàng trong nạn dịch là tâm lý chung của người chăn nuôi để tránh thiệt hại càng khiến giá gà giảm mạnh”.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát (từ ngày 10/2 chưa phát sinh thêm ổ dịch khác), thì người dân không cần quá lo sợ bởi dịch cúm đã có vaccine để tiêm phòng và công tác phòng dịch đang được thực hiện tốt. Với thịt lợn, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, người dân cũng đã đầu tư nhanh trở lại, khi chỉ trong tháng 1 đã có tới trên 300 nghìn con lợn được tái đàn.

Tuy nhiên, không riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang phải lo đối phó với dịch bệnh. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến nay, trên cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm (gồm 14 ổ dịch do H5N6 và hai ổ dịch do H5N1) chưa qua 21 ngày tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, bị tiêu hủy là hơn 55.000 con.

Cùng đó, dịch tả lợn châu Phi cũng có nguy cơ tái phát tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại, nếu dịch bệnh không được kiểm soát, nguồn cung thiếu hụt, giá lợn sẽ tăng nhanh trở lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.