Vận tải

Dịch chưa qua, doanh nghiệp vận tải lại lao đao vì... xăng tăng giá

Trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu liên tiếp tăng phi mã khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Sóng trước chưa qua, sóng sau lại tới

Sáng ngày 22/2, PV Báo Giao thông có mặt tại Bến xe Hà Tĩnh (đóng ở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Theo ghi nhận, hàng chục xe khách giường nằm đủ các tuyến đóng cửa nằm im lìm. Phía ngoài khu vực quầy mua vé và nhà chờ cũng vắng bóng hành khách.

img

Cảnh đìu hiu, vắng lặng tại Bến xe Hà Tĩnh (Ảnh Sỹ Hòa)

Ông Bùi Văn Viện - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiếu Viện cho biết: Đơn vị có 10 xe khách giường nằm chạy 2 tuyến Hà Tĩnh - TP.HCM và Hà Nội.

Trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề tới hoạt động kinh doanh, vận tải của doanh nghiệp. Đặc biệt năm 2021, các xe chỉ hoạt động gián đoạn được một thời gian ngắn, còn lại là nằm ở nhà.

Đến cuối năm 2021, cả nước chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới nhưng xe khách chủ yếu hoạt động trở lại từ dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, thời gian nghỉ Tết cũng đã hết, nhu cầu đi lại của người dân giảm dần thì xăng dầu lại liên tục tăng giá.

“Trước đây, mỗi chuyến Hà Tĩnh - TP.HCM, mỗi xe giường nằm tiêu thụ khoảng 15 - 16 triệu đồng tiền dầu. Thế nhưng, hiện nay, cũng tuyến nói trên, mỗi xe giường nằm tiêu thụ khoảng 23 - 24 triệu đồng tiền dầu.

Trong khi đó, giá vé ngày thường là 750.000 đồng, chưa bao ăn. Hiện nay doanh nghiệp chỉ lấy 800.000 đã bao ăn. Với mức giá này, chúng tôi đã phải bù lỗ ít nhất 50.000/ khách”, ông Viện cho biết thêm.

Không riêng gì doanh nghiệp vận tải khách, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, xây dựng và các ngành khác cũng đã và đang lao đao khi xăng dầu liên tiếp tăng giá.

Ông Bùi Phan Lương - Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh, Trưởng Ban Quản lý Bến xe Hà Tĩnh ngậm ngùi: Vào thời điểm trước đây, mỗi ngày có đến hơn 110 xe xuất bến. Thế nhưng hôm nay, tính đến 11h trưa cùng ngày (22/2), chỉ có được 8 xe khách xuất bến. Riêng ngày hôm qua (21/2), cả ngày cũng chỉ 30 xe xuất bến. Doanh nghiệp kinh doanh bến không có xe hoạt động nên cũng rất khó khăn.

Ông Nguyễn Đông Anh - Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Đông Anh (đóng tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) chia sẻ: Hiện công ty có khoảng 25 xe tải và các đầu máy khác, đều đặn đến tháng phải nhập khoảng 25.000m3 dầu để phục vụ cho việc thi công. Nếu theo tính toán, với việc giá xăng, dầu tăng như hiện nay, chúng tôi phải chi thêm mỗi tháng khoảng 50 triệu đồng cho xăng, dầu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Năng, Phó giám đốc Công ty TNHH Định An - đơn vị đang thi công gói thầu XL02 đoạn QL45-Nghi Sơn trên cao tốc Bắc - Nam cho rằng: Trung bình hiện nay theo giá xăng dầu thì vật liệu tăng từ 5-7 nghìn đồng/1 khối/10km di chuyển. Còn chưa kể việc các phương tiện vận chuyển vật tư trên công trường.

Còn theo đại diện Ban điều hành dự án Mai Sơn - QL45: Giá xăng dầu tăng như hiện nay thì chi phí vận chuyển 1 khối vật liệu sẽ tăng lên 300-500 đồng/1km vận chuyển.

img

Nhiều doanh nghiệp thi công cao tốc Bắc - Nam cũng đang gặp khó khăn do xăng dầu tăng cao

Khó điều chỉnh theo xăng

Trước thực tế này, ông Bùi Văn Viện - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiếu Viện cho biết: Giá xăng dầu tăng lên, kéo theo chi phí của doanh nghiệp bỏ ra nhiều hơn nhưng rất khó tăng giá vé. Lý do là bởi, hiện lượng khách đi lại rất ít, nhà xe thì nhiều, các xe cạnh tranh nhau từng tí một. Chưa kể, để tăng giá vé phải xin ý kiến và được sự cho phép của sở ngành…

Ông Viện đề xuất, trước khó khăn chồng chất khó khăn của doanh nghiệp, nhà nước cần có thêm các chính sách miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và có thêm các gói kích cầu để doanh nghiệp tiếp cận.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc quản lý dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn (thuộc Ban QLDA 2) thông tin: Giá xăng, dầu mới tăng mấy ngày nay nên chưa thấy đơn vị nhà thầu nào có đề xuất gì. Việc xăng, dầu tăng thì chắc chắn sẽ kéo theo chi phí vận chuyển vật liệu tăng theo.

Trong hợp đồng của Ban QLDA với các nhà thầu thi công thì đã có công thức tính trượt giá nên nếu xăng, dầu tăng và duy trì lâu thì sau này sẽ có căn cứ để xử lý. Tuy nhiên, công thức tính trượt giá theo các thông số của liên sở Tài chính, Công thương và xây dựng không phù hợp với thị trường nên sẽ khó khăn cho đơn vị nhà thầu.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt: Trước việc xăng dầu tăng, phía doanh nghiệp cũng đã có nhiều chính sách để ứng phó. Trong hoạt động sản xuất, chúng tôi cố gắng để tiết giảm chi phí đến mức tối đa, bố trí nhân lực, máy móc hợp lý để duy trì hoạt động.

Một trong những khó khăn khác, theo đại diện Công ty CP Vilaconic (ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An): Doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa từ Lào về Việt Nam. Thông thường giá cước được các bên xây dựng từ trước, để điều chỉnh lại giá cước vận tải do xăng tăng là rất khó khăn vì đối tác thường không thích điều này.

Cũng theo vị đại diện công ty này: Hiện nay, các loại thuế trong giá xăng dầu chiếm một tỉ lệ rất lớn, điển hình như thuế bảo vệ môi trường. Khi xăng dầu tăng giá phi mã thì quỹ bình ổn giá không tác động tích cực được nhiều.

“Để kìm hãm được giá xăng dầu tăng như thời gian vừa qua, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, đề nghị các bộ ban ngành xem xét tính toán lại các loại thuế được quy định trong giá xăng dầu”, đại diện Công ty CP Vilaconic đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.