Thế giới

Dịch Covid-19 có thể “đánh đắm” ngành du lịch tàu biển trị giá 45 tỷ USD

28/02/2020, 05:49

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch bệnh lần này có thể “làm đắm” ngành kinh doanh trị giá hơn 40 tỷ USD.

img
Xe cứu thương chuẩn bị chở hành khách bị nhiễm Covid-19 trên tàu hành trình Diamond Princess rời ga Daikoku Pier ở Yokohama, Nhật Bản

Việc xử lý, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên du thuyền Diamond Princess và nỗi lo bệnh dịch bùng phát trên một con tàu khác là MS Westerdam, khiến các chuyên gia y tế rất lo ngại về hiệu quả cách ly trên các tàu du lịch hạng sang. Khi quy mô dịch bệnh còn chưa biết sẽ lan rộng tới đâu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch bệnh lần này có thể “làm đắm” ngành kinh doanh trị giá hơn 40 tỷ USD.

Tình hình cách ly trên tàu chưa phù hợp

Trước khi dịch bệnh bùng phát, tàu du lịch biển Diamond Princess hứa hẹn với những vị khách rằng, họ không chỉ được trải nghiệm một chuyến hành trình vượt đại dương mà bản thân con tàu đã là điểm thăm quan sang trọng.

Trước khi khởi hành từ Singapore hồi tháng trước, hành khách của Diamond Princess mường tượng tới viễn cảnh sẽ được thưởng thức sashimi, các màn trình diễn đường phố trong nhà hát hiện đại. Thậm chí, còn có nhà tắm kiểu Nhật dành cho khách hạng sang có thể ngâm mình thư giãn cuối ngày. Tuy nhiên, ngay khi đến địa điểm cuối cùng ở Yokohama, Nhật Bản, chiếc du thuyền Diamond Princess chuyển từ một biểu tượng du lịch sang trọng sang tâm dịch virus Covid-19 lớn nhất ở ngoài Vũ Hán, Trung Quốc.

Trong số 2.666 khách và 1.045 thành viên thuỷ thủ đoàn đến từ hơn 50 quốc gia trên tàu, hơn 650 trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận. Số lượng người bị nhiễm bệnh tăng chóng mặt kể từ khi tàu bị cách ly tại Yokohama hôm 5/2 ngay sau thời điểm một hành khách cao tuổi đến từ Hong Kong được phát hiện dương tính với Covid-19.

Đáng ngại hơn, 11 ngày trước khi bị cách ly, con tàu này cho hành khách lên bờ tại Hong Kong. Đây là một phần trong hành trình xuất phát từ Singapore đến Yokohama qua 11 cảng bao gồm TP HCM, Đà Nẵng (Việt Nam), Osaka và Kogoshima (Nhật) và Keelung (Đài Loan).

Nhận định về tình hình, một quan chức y tế Nhật Bản giấu tên cho biết, giới chức sở tại không còn lựa chọn nào ngoài việc phải cách ly toàn bộ phương tiện do thiếu cơ sở vật chất trên bờ. Nhưng Tokyo chưa đưa ra khuyến nghị phù hợp với những người có mặt trên tàu về nguy cơ lây nhiễm virus thông qua các hoạt động và tiếp xúc hàng ngày, dẫn tới chưa thể kiểm soát được mức độ lây lan virus, tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời quan chức này cho biết.

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh càng trở nên phức tạp hơn vì lộ trình của tàu liên quan tới một mạng lưới rất rộng những người thường xuyên di chuyển và tiếp xúc với những người khác như hướng dẫn viên du lịch, tài xế taxi, một số nhóm người khác trong ngành nhà hàng - khách sạn trên khắp các thành phố cảng ở châu Á.

Để kiểm soát dịch bùng phát trên tàu, việc phải theo dõi, quản lý hành khách và những người đi cùng có liên hệ gần gũi là vô cùng quan trọng. Câu hỏi đặt ra là, liệu hành khách trên 2 tàu, đặc biệt là Diamond Princess mang mầm bệnh và lây lan virus ra ngoài trong khi tiếp xúc với các hướng dẫn viên du lịch và tài xế trong quá trình dừng lại ở một số cảng trên khắp châu Á trước thời điểm phát hiện ca nhiễm đầu tiên, nhiều hơn quy mô mà giới chức các quốc gia liên quan nắm được hay không?

Tuần trước, một tài xế taxi tại Naha, Okinawa đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi tiếp xúc với các hành khách trên tàu Diamond Princess khi họ từ tàu vào đất liền thăm thành phố cảng hôm 1/2. Ngoài ra còn có ít nhất 25 công ty hướng dẫn tour lớn cung cấp các gói thăm quan cho tàu này tới Osaka, Yokohama, Toba, Kagoshima và Naha.

Không riêng Diamond Princess, MS Westerdam là một tàu du lịch biển khác cũng đang vướng những nỗi lo tương tự khi mới đây phát hiện một hành khách 83 tuổi đến từ Mỹ dương tính với virus này tại Malaysia. Con tàu này cũng là tài sản của Carnival Corporation.

Nguy cơ “đánh đắm” ngành công nghiệp 45 tỷ USD

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tình hình dịch bệnh và cách xử lý thiếu hiệu quả như trên không chỉ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các công ty khai thác tàu hành trình như Carnival Corporation mà còn có thể làm suy giảm uy tín của ngành du lịch tàu biển về lâu dài.

Công ty này đang sở hữu 2 tàu lớn là Diamond Princess và MS Westerdam. Theo thống kê năm 2018, Carnival Corporation đứng thứ 2 về thị phần trên thị trường du lịch tàu biển, chỉ sau Royal Caribbean với 4 tỉ USD lợi nhuận.

Theo công ty giám sát thị trường Cruise Market Watch, ngành công nghiệp tàu hành trình toàn cầu thị giá hơn 45 tỉ USD trong năm 2018, tăng gần 5% so với năm trước. Trong đó, lượng khách từ châu Á tăng lên gấp 3 chỉ trong 1 thập kỷ qua.

Vì dịch bệnh lần này, theo chuyên gia về du lịch gia đình đến từ Công ty Frommer’s Guides: “Một số tàu vận tải đã phải huỷ các chuyến hành trình có lịch vào tháng 3 và lộ trình đi qua các cảng ở Trung Quốc, một số quốc gia khác ở châu Á”.

Tổng cộng, ít nhất 50 tàu hành trình đã bị huỷ, 7 cảng đóng cửa. Cổ phiếu tại 3 nhà vận hành tàu hành trình lớn là Carnival, Royal Caribbean và Norwegian Cruise Line đã giảm từ 10-16% so với đầu năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.