Xã hội

Dịch Covid-19 “cú sốc” hay là “vắc xin xã hội”?

04/09/2020, 06:28

Đà Nẵng sau “cú sốc” Covid-19 phải cách ly với cả nước sẽ phục hồi như thế nào?

img
Người dân Đà Nẵng thực hiện cách ly trong những ngày dịch bệnh hoành hành (Ảnh minh họa)

Ngày 3/12/2013 tại New York, quỹ Rockerfeller đã công bố Đà Nẵng là 1 trong 33 thành phố đầu tiên trên thế giới được chọn tham gia chương trình “100 thành phố có khả năng chống chịu”. Một sáng kiến rất ý nghĩa của Quỹ đối với nhân loại ở thế kỉ XXI.

Vinh dự, tự hào với những nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền và người dân chung tay xây dựng Đà Nẵng nhưng cũng còn nhiều điều chưa được, cần phải chiêm nghiệm và tiếp tục vượt qua đúng với nguyên lí của “thành phố có khả năng chống chịu” mới vững bền với thời gian.

Việc đánh giá thành phố “có khả năng chống chịu” hay “có khả năng phục hồi nhanh” có đề cập đến khái niệm “cú sốc”. Cú sốc thường được xem là một hiện tượng thiên tai, như hỏa hoạn, động đất hay lũ lụt.

Năng lực của các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và các hệ thống trong thành phố trong việc tồn tại, thích nghi và tiếp tục phát triển dù cho phải đối mặt với các áp lực cố hữu và cú sốc cấp tính sẽ cho thấy khả năng chống chịu của thành phố.

Đối với một đô thị, một quốc gia hoặc một dân tộc, trong lịch sử phát triển cũng trải qua các “cú sốc” xã hội như chiến tranh, xung đột hay “cú sốc” từ thiên nhiên như các thiên tai, dịch bệnh… Qua nhưng “cú sốc” như vậy có xã hội phục hồi, vươn lên mạnh mẽ nhưng cũng có những xã hội lụi tàn.

Khả năng “chống chịu” của cá nhân phụ thuộc vào triết lí sống và sức đề kháng của cơ thể còn năng lực “chống chịu” của xã hội phụ thuộc vào văn hoá và mô hình phát triển mà xã hội đó thiết lập.

Ngày 26/7/2020, Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới sau 99 ngày cả nước không có ca nhiễm trong cộng đồng. Sau gần hơn 1 tháng “cách li”, đến nay diễn biến dịch đã có chiều hướng kiểm soát tích cực.

Một tháng với tất cả những cung bậc cảm xúc. Những y bác sĩ đã gồng mình, căng thẳng với bệnh và dịch. Cả chính quyền vào cuộc. Sự chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt của nhân dân. Sự chia sẻ, động viên của cộng đồng trong và ngoài Đà Nẵng… Mọi thứ đã làm giảm nhẹ căng thẳng.

Theo quy luật của tự nhiên, hệ sinh thái càng đa dạng thì càng bền vững, vì dễ thiết lập cân bằng qua các “cú sốc”. Điều đó cũng đúng cho xã hội. Thiết kế một xã hội, một nền kinh tế cũng cần tiếp cận các nguyên lí căn bản của tự nhiên, mới đảm bảo cho xã hội “chống chịu” và “phục hồi” nếu không may gặp phải các “cú sốc” tương tự như dịch Covid-19.

Hãy xem Covid-19 là “vắc xin xã hội”. Cơ hội sẽ nhiều hơn cho một thành phố bền vững, nếu thực sự thay đổi cách nhìn. Và chúng ta hy vọng Đà Nẵng sẽ vượt qua thử thách này nhanh hơn mong đợi. Nhìn lại công tác phòng chống dịch và những mô hình phát triển đã và đang triển khai, Đà Nẵng sẽ có cơ hội thể hiện bản lĩnh của một thành phố có khả năng chống chịu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.