Du lịch

Dịch Covid-19 phức tạp, Sóc Trăng không tổ chức lễ hội đua ghe ngo 2021

15/11/2021, 19:00

Tỉnh Sóc Trăng thống nhất chủ trương không tổ chức Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo năm 2021 để phòng dịch COVID-19

Ngày 15/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh thống nhất chủ trương không tổ chức Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo năm 2021.

img

Hình ảnh lễ hội đua ghe ngo khi chưa có dịch bệnh bùng phát

Theo đó, do diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh còn phức tạp, số lượng ca nhiễm ở nhiều địa phương vẫn còn khá cao nên tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất chủ trương không tổ chức Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo năm 2021 như những năm trước.

Thay vào đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ đạo Sở VH-TT&DL; Ban Dân tộc tỉnh; Đài PT-TH tỉnh; các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các chuyên mục, chương trình văn nghệ (ca, múa nhạc, sân khấu Dù Kê, sân khấu Rô Băm, nhạc Ngũ âm…) phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình.

Đồng thời truyền hình trực tiếp phục dựng Lễ cúng Trăng phục vụ đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh nói chung trong dịp Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe Ngo năm 2021.

Ông Trần Cam, người dân tộc Khmer ở xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) cho biết: “Không tổ chức Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe Ngo qui mô lớn thì cũng rất tiếc nhưng do dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên bà con chúng tôi cũng đồng tình với chủ trương của tỉnh.

Những ngày diễn ra Lễ hội Ok Om Bok (từ ngày 13-15/10 âm lịch), chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động tại nhà như cúng Trăng, đút cốm dẹp, thả đèn nước ở con rạch trước nhà… cho vui nhưng vẫn tuân thủ qui định phòng, chống dịch”.

Trong ngày lễ Ok Om Bok của người Khmer Nam Bộ nói chung và tộc người Khmer Sóc Trăng nói riêng, có một hoạt động thu hút lực lượng hùng hậu tham gia cũng như đông đảo du khách đến cổ vũ, đó chính là lễ hội đua ghe ngo.

Ghe ngo không phải là sản phẩm của bất kỳ cá nhân hay tập thể nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa làm, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer tạo ra và tham gia tranh tài.

Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, giữa những phum, sóc với nhau. Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu.

Dịp này hàng năm, hàng ngàn lượt khách kéo về Sóc Trăng, nơi tổ chức chính của lễ hội đua ghe ngo, reo hò cỗ vũ nồng nhiệt cho các đội đua từ nhiều tỉnh thành như: Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Cần Thơ,…cùng về tham dự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.