Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 2/10: Chốt 4 nhóm được di chuyển giữa TP với các tỉnh

02/10/2021, 16:00

Dịch Covid-19 ngày 2/10 tại TP.HCM: Thành phố vừa gửi văn bản khẩn tới UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông...

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 2/10 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

HCDC công bố có đủ dữ liệu cho thấy vaccine phòng COVID-19 là an toàn cho phụ nữ có thai.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông trong trường hợp cấp thiết.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân lưu thông trong các trường hợp cấp thiết, UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu cấp thiết được di chuyển từ TP.HCM đến các địa phương và ngược lại.

4 nhóm cấp thiết được di chuyển từ TP.HCM đến các địa phương và ngược lại gồm:

1. Người đi khám chữa bệnh:

Người từ các địa phương đến TP.HCM để khám chữa bệnh (trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành phố đến bệnh viện tại TP HCM, giấy hẹn tái khám hoặc thông tin xác nhận đăng ký của các bệnh viện tại TP HCM.

Phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); ôtô cá nhân (tài xế và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện y tế nêu trên). Trong suốt quá trình di chuyến, tất cả phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.

2. Người dân TP.HCM từ địa phương trở về TP phải đảm bảo các điều kiện sau:

Có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP.HCM, như: hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, giấy khai sinh (đối với trẻ em).

Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu).

img

Hàng trăm người dân từ TP.HCM về quê bằng xe gắn máy và dừng tại chốt kiểm tra ở Bình Chánh

Phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); ôtô cá nhân (tài xế và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên). Trong suốt quá trình di chuyển, tất cả phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.

Những trường hợp này phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền: văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi; hoặc văn bản của Sở Giao thông vận tải TP HCM.

3. Người dân từ TP.HCM đến các địa phương trong một số trường hợp cấp thiết:

Những người đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai; thực hiện cuộc hẹn phỏng vấn trước khi đi nước ngoài và một số trường hợp cấp thiết khác, phải đảm bảo các điều kiện:

Đã tiêm ngừa Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc-xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng

Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.

Có giấy tờ liên quan (thư mời, giấy hẹn của cơ quan, đơn vị...).

Phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); ôtô cá nhân (tài xế và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên). Trong suốt quá trình di chuyển, tất cả phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.

Những trường hợp này cần được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền: văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đến; hoặc văn bản của Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

4. Người từ địa phương khác đến TP.HCM trong một số trường hợp cấp thiết:

Những người đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, thực hiện cuộc hẹn phỏng vấn tại TP HCM trước khi đi nước ngoài và một số trường hợp cấp thiết khác, cần phải đảm bảo các điều kiện sau:

Được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép, xác nhận.

Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.

Phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); ôtô cá nhân (tài xế và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên). Trong suốt quá trình di chuyển, tất cả phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.

UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 thuộc phạm vi quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp cấp thiết đủ điều kiện được lưu thông; chỉ đạo các đơn vị tham gia hoạt động vận chuyển chấp hành nghiêm phương án phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và UBDN các tỉnh, thành phố liên quan.

Về phía TP HCM, UBND TP phân công Sở Giao thông Vận tải là cơ quan đầu mối, chủ trì hướng dẫn và xem xét, giải quyết các trường hợp cấp thiết cần được lưu thông giữa TP.HCM và các địa phương.

96% người dân thành phố hoàn thành tiêm mũi 1

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, ngày 1/10 trên địa bàn đã tiêm thêm 264.237 mũi vaccine ngừa COVID-19. Từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết 1/10 đã tiêm được 10.791.649 mũi tiêm, trong đó 3.895.480 người tiêm mũi 2.

Tỉ lệ người dân trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi đạt 95,8%; người tiêm đủ 2 mũi đạt 54 %. Trong đó, nhóm nguy cơ cao là những người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 62,7%. Đến nay, vaccine Vero Cell đã tiêm cho 2.346.281 người.

Tiêm vaccine được xem là chìa khóa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chiến thắng dịch COVID-19. Những người đã tiêm vắc xin có thể giảm nguy cơ lây nhiễm, ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng, hạn chế tối đa tử vong. Tuy nhiên, trên thực tế, không loại vaccine nào có thể bảo vệ tuyệt đối cho con người tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh, một tỉ lệ nhất định những người đã chích đủ cả 2 mũi vẫn có thể nhiễm bệnh và có nguy cơ lây cho người khác.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM khuyến cáo người dân cần tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng chống dịch của Thành phố, Bộ Y tế.

Thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K + vaccine, luôn giữ khoảng cách đảm bảo an toàn khi tiếp xúc, thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm khi tham gia các hoạt động mở cửa trở lại phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ bản thân, gia đình góp phần đưa Thành phố bước vào giai đoạn bình thường mới.

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM trong ngày 2/10.

Người dân chỉ cần kết quả xét nghiệm âm tính là có thể về TP.HCM

Người dân TP.HCM mắc kẹt tại các tỉnh chỉ cần xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ là có thể về thành phố.

Tối 1/10, Sở GTVT TP.HCM ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn TP và một số trường hợp cần thiết giữa TP với các tỉnh, thành phố, kể từ ngày 1/10 cho đến khi có hướng dẫn mới.

Về phương tiện cá nhân, vẫn chỉ được lưu thông trong phạm vi nội đô thành phố. Tuy nhiên quy định cũng mở hơn với những trường hợp người dân thành phố đang mắc kẹt tại các tỉnh muốn trở về nhà. Đặc biệt là trường hợp những trẻ em đang mắc kẹt tại quê nhiều tháng qua muốn trở về thành phố để học tập.

Người dân TP.HCM tại các tỉnh trở về thành phố phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP.HCM như: hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy khai sinh (đối với trẻ em).

- Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu).

- Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).

- Được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền (người dân sẽ làm đơn đề nghị) như: Văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi hoặc văn bản của Sở GTVT TP.HCM.

Đối với người dân từ TP.HCM đi các tỉnh, thành khác trong một số trường hợp cấp bách như: đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, thực hiện cuộc hẹn phỏng vấn tại trước khi đi nước ngoài, một số trường hợp cấp bách khác vẫn được cho phép lưu thông nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép, xác nhận.

- Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.

- Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).

Người từ các tỉnh vào TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) cũng phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ.

Đồng thời phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành đến bệnh viện tại TP.HCM, giấy hẹn tái khám hoặc thông tin xác nhận đăng ký của các bệnh viện tại TP.HCM.

img

Đề xuất người lao động được đi xe máy di chuyển giữa TP.HCM và 4 tỉnh lân cận

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân từ TP.HCM đi - về 4 tỉnh lân cận, Sở Giao thông Vận tải TP vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM đề xuất nhiều phương án và yêu cầu đi kèm.

Các phương án nhằm hỗ trợ người lao động đi lại dễ dàng hơn trong phạm vi giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.

Với phương án vận chuyển người lao động bằng ôtô giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại.

Công nhân, chuyên gia khi di chuyển phải đáp ứng điều kiện là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày; có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, định kỳ 7 ngày/lần.

Các đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn TP.HCM phải xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối (Ban Quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức và các quận, huyện) đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP để cấp giấy tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh.

Các đơn vị (có trụ sở đóng trên địa bàn các tỉnh) cần xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia và đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở Giao thông vận tải các tỉnh để cấp giấy.

Sở GTVT TP HCM đề xuất cho người dân sử dụng xe cá nhân (ôtô, môtô, xe máy) đi lại trong phạm vi giữa TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh nhưng phải bảo đảm các yêu cầu: người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày; có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính định kỳ 7 ngày/lần.

Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ Sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ: người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng, đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

img

50% công chức đi làm trong ngày đầu cơ quan nhà nước tại TP.HCM mở cửa tiếp dân

Các trường hợp cán bộ còn lại tiếp tục làm việc tại nhà, làm việc online để đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc của người dân.

Ngày 1/10 là ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện nới lỏng giãn cách theo phương châm "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn"; nhiều lĩnh vực ngành nghề đã được phép hoạt động trở lại và cũng là ngày đầu tiên cán bộ công chức tại TP.HCM đến trụ sở làm việc và trực tiếp giải quyết công việc cho người dân.

Theo nội dung được ban hành kèm công văn số 3086/UBND-VX ngày 16/9 của UBND TP.HCM trong giai đoạn 1 (từ 1/10 – 31/10) chỉ có 50% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc cơ quan, đơn vị đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 (hoặc được cấp thẻ xanh COVID) làm việc trực tiếp tại trụ sở, số còn lại vẫn tiếp tục làm việc tại nhà, làm việc online.

Ghi nhận tại một số phường trên địa bàn TP Thủ Đức, trong sáng ngày đầu tiên đã có nhiều trường hợp người dân đến các trụ sở cơ quan nhà nước, UBND phường để thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính như khai sinh, khai tử, trợ cấp…

Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cho biết, trong sáng ngày 1/10 phường Hiệp Bình Chánh đã bố trí 50% cán bộ cơ quan trực tiếp làm việc tại trụ sở để tiếp người dân; Cán bộ viên chức phải được tiêm 2 mũi vaccine, đối với người dân cũng phải đã được tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc là có kết quả xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện thì được tiếp tục vào trụ sở liên hệ công việc.

Được biết, trong giai đoạn 2 từ 01/11 – 15/01/2022, TP.HCM dự kiến sẽ bố trí tối đa 2/3 tổng số cán bộ công chức, viên chức, người lao động trực thuộc cơ quan, đơn vị đã được cấp thẻ xanh COVID làm việc tại trụ sở.

Và toàn bộ cán bộ công chức, viên chức, người lao động sẽ làm việc trực tiếp tại trụ sở theo quy định bình thường mới sau ngày 15/01/2022.

img

Hệ thống camera quét mã QR hỗ trợ khai báo di chuyển nội địa được triển khai rộng tại nhiều chốt kiểm soát trên địa bàn TP.HCM Ảnh: Bích Ngân.

Ban hành Chỉ thị 18, yêu cầu người dân TP.HCM ra đường phải có mã QR

Chiều 1/10, UBND TP. Hồ Chí Minh chính thức ban hành chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Trong đó, TP yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

Đến ngày 8/10, các cơ sở này quét mã QR của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch và sử dụng ứng dụng của TP (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Đồng thời, TP triển khai gói hỗ trợ đợt 3 cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn hiện đang có mặt tại TP, đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp. Ban hành chính sách và kêu gọi nguồn lực xã hội hỗ trợ cho người già neo đơn và các trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

TP yêu cầu người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác. Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử có thể hiện lịch sử tiêm vaccine.

Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ chứng minh là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu...

TP yêu cầu các đơn vị đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương được thuận lợi. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.