Xã hội

Dịch Covid-19 TP.HCM ngày 24/7: Thành phố thêm 5.396 ca bệnh mới trong ngày

24/07/2021, 19:23

Covid-19 ngày 24/7 tại TP.HCM: Trong ngày, thành phố có thêm 5.396 bệnh nhân mới. Người dân TP.HCM sẽ được phát 10-15 thẻ đi chợ.

Tối nay, TP.HCM thêm 3.326 ca mắc

Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 19h ngày 24/7 tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 3.326 trường hợp.

Như vậy, trong ngày 24/7 tại TP. Hồ Chí Minh đã có thêm 5.396 bệnh nhân mới.

img

Tổ kiểm soát đột xuất các trường hợp ra vào thành phố.

Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM đã gửi UBND thành phố công văn đề xuất một số nội dung về việc quản lý người nghi nhiễm và người nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Theo đó, người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 (xét nghiệm nhanh dương tính) cần đưa ngay đến khu cách ly tạm thời của quận, huyện (nếu có) để quản lý, theo dõi sức khỏe, chờ kết quả xét nghiệm khẳng định rRT-PCR.

Các địa phương chưa có khu cách ly tạm thời thì để người nghi nhiễm tại nhà, nhưng phải tách riêng để tránh lây nhiễm, theo dõi sức khỏe, chờ kết quả xét nghiệm khẳng định rRT-PCR.

Với người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã có xét nghiệm khẳng định rRT-PCR, trường hợp không có triệu chứng và có tải lượng virus thấp (CT=30) thì được tiếp tục cách ly tại nhà hoặc được cho về nhà từ khu cách ly tạm thời, theo dõi y tế theo quy định.

Trường hợp F0 có triệu chứng hoặc tải lượng virus CT<30 thì chuyển đến cơ sở điều trị. Bệnh nhân nặng, nguy kịch cần được chuyển viện sớm nhất đến cơ sở điều trị phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Người dân TP.HCM sẽ được phát 10-15 thẻ đi chợ

Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương vừa có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng "thẻ đi chợ".

"Theo đó, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần, theo đó mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày", lãnh đạo Sở Công Thương yêu cầu.

img

Căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần

Theo ông Phương, cách làm này sẽ giúp kiểm soát số lượng phân bổ số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tình trạng tập trung đông người.

Riêng các khu vực phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ, siêu thị do chính quyền địa phương cấp.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở đề nghị địa phương yêu cầu đơn vị quản lý chợ, hộ kinh doanh và người lao động làm việc, bán hàng phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 và các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Kỷ lục số bệnh nhân Covid-19 xuất viện trong một ngày tại TP.HCM

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong ngày 23/7, thành phố có thêm 2.226 bệnh nhân Covid-19 xuất viện. Tổng số ca điều trị khỏi từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay là 10.699.

Bộ Y tế quy định mỗi bệnh nhân xuất viện đều đạt đủ điều kiện là chỉ số nồng độ virus thấp CT=30, test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2. Trước khi rời bệnh viện, họ đều ký bản cam kết đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà.

img

Tin tức Covid-19 TP.HCM mới nhất, thông tin các ca dương tính, khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày 24/7.

Trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nặng, tử vong ngày càng tăng, nguồn nhân lực, cơ sở, vật tư thiết bị chống dịch quá tải..., TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8.

Hiện tại, ngành y tế TP.HCM điều trị cho 37.407 F0, bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm rRT-PCR và test nhanh dương tính. Trong đó, 619 bệnh nhân có diễn biến nặng, đang phải thở máy, 12 F0 được can thiệp ECMO. Tính đến ngày 23/7, 496 bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM tử vong.

36 chuỗi lây nhiễm phát hiện gần đây tại các chợ (chợ Tân Định quận 1, chợ Bình Điền, chợ Phùng Hưng quận 5, chợ Cầu Muối quận 1…); công ty trong khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư… đã được khoanh vùng, giám sát chặt.

Ngoài ra, thành phố phát hiện một chuỗi lây nhiễm mới tại khu vực dân cư ở phường 19, quận Bình Thạnh. Trong số 2.215.550 mẫu xét nghiệm, 255.613 mẫu đang chờ kết quả.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, công tác điều trị tại thành phố có nhiều tiến triển tích cực. Dự kiến, số bệnh nhân Covid-19 được xuất viện trong thời gian tới khoảng 1.000 người/ngày.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tình hình dịch bệnh hiện còn diễn biến rất phức tạp. Riêng trong 15 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, thành phố ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh.

Do đó, TP.HCM sẽ cùng các tỉnh, thành phía nam tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 9 ngày nữa, đến hết 1/8.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh hai nhiệm vụ chính hiện nay là giảm số ca F0 và nâng cao năng lực điều trị, giảm thiểu tử vong.

img

TP.HCM vừa trải qua 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với số ca mắc vượt 50.000 trường hợp.

Sáng nay, thêm 2.070 ca mắc mới

Bản tin dịch COVID-19 sáng 24/7 của Bộ Y tế cho biết TP.HCM tiếp tục là điểm nóng khi ghi nhận thêm 2.070 ca mắc mới. Đến nay, cả nước đã có gần 4,48 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm chủng.

Tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ, khu vực Nam Trung bộ đang có nhiều diễn biến phức tạp. Số ca mắc tại các địa phương trong những ngày gần đây tăng cao.

Tuy nhiên, điểm sáng là hầu hết được phát hiện trong khu cách ly và vùng phong tỏa. Song song công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương vẫn triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho người thuộc nhóm ưu tiên.

Tại TP.HCM, dù đã áp dụng nhiều biện pháp, thực tế tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các ca bệnh vẫn tăng. Ngày 23/7, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8, với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến ngày 1/8. Sau 14 ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Từ 9/7 đến 6h ngày 23/7, TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca.

Thành phố đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới, gồm 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân được can thiệp ECMO. Ngoài ra, ngành y tế TP cũng ghi nhận 441 trường hợp tử vong và 2.046 bệnh nhân xuất viện trong ngày 22/7.

Trong đợt bùng phát thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), TP.HCM có hơn 50.000 ca mắc Covid-19.

img

TP.HCM tổ chức phun khử khuẩn diện rộng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

TP.HCM vượt 50.000 ca mắc

Ngày 23/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 4.913 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 50.474 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Với phương châm “Hãy cùng hành động vì sức khỏe của người dân Thành phố”, “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống bệnh COVID-19” đã được triển khai. Người dân chỉ cần gọi đến Cổng thông tin 1022 - nhấn phím 3 để được tư vấn, giải đáp các thắc mắc về Hướng dẫn cách xử trí khi người dân hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc bệnh COVID-19;

Hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe khi người dân hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh COVID-19 (F0) hoặc tiếp xúc gần với các ca bệnh COVID-19 (F1). Khung thời gian tư vấn giai đoạn hiện nay là tất cả các ngày trong tuần, sáng từ 8-10h, chiều từ 14-16h, tối từ 19-21h).

Để đảm bảo an toàn khi di chuyển về nhà cho người dân sau khi kết thúc cách ly hoặc xuất viện sau khi điều trị, TP.HCM đề xuất 2 phương án vận chuyển do người dân tự chi trả phí, một là vận chuyển bằng taxi, hai là xe hợp đồng do Bộ tư lệnh thành phố và các địa phương làm đầu mối ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển. Sở GTVT sẽ cấp phép hoạt động cho phương tiện (mã nhận diện) theo đề nghị của các đơn vị vận tải có xác nhận của đầu mối ký hợp đồng.

Trên cơ sở kết quả đạt được cũng như hạn chế, vướng mắc phát sinh trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, thành phố xác định sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 01/8/2021 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

img

Xét nghiệm, truy vết Covid-19 tại TP.HCM với phương châm "đến từng nhà, rà từng ngõ".

Thêm 2.046 bệnh nhân COVID-19 xuất viện

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trong ngày 22/7 thành phố có 2.046 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện.

Ngày 23/7, HCDC cho biết, trong ngày 22/7, hơn 90% các trường hợp mới phát hiện trong ngày là ở các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa. Cũng trong ngày 22/7, thành phố có thêm 2.046 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 8.468.

Hiện thành phố đang điều trị 35.228 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính) ; trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 434 bệnh nhân tử vong.

Thành phố có 36 chuỗi lây nhiễm phát hiện gần đây tại các chợ (chợ Tân Định, Q.1; chợ Bình Điền; chợ Phùng Hưng, Q.5; chợ Cầu Muối, Q.1…), tại các công ty trong khu chế xuất, khu công nghệ cao và tại các khu dân cư… đã được khoanh vùng, giám sát chặt. Ghi nhận thêm 1 chuỗi lây nhiễm mới tại khu vực dân cư ở phường 19, Q. Bình Thạnh.

img

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 tại TP Thủ Đức khu vực II (Văn Tùng - Trung tâm Y tế TP Thủ Đức).

Thành lập Trung tâm Điều phối tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP.HCM

Trung tâm Điều phối tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ tham mưu giúp tổ chức, điều phối, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức vaccine trên địa bàn TP.HCM

Trung tâm được đặt tại Văn phòng UBND TP.HCM, địa chỉ số 86 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 gồm 30 thành viên. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức được phân công làm Trưởng Trung tâm; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam làm Phó Trung tâm Thường trực và Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân làm Phó Trung tâm. Lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các quận - huyện, TP Thủ Đức làm thành viên.

Chia sẻ về chức năng nhiệm vụ của Trung tâm, Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nhân lực của Trung tâm Điều phối tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 là các trường hợp kiêm nhiệm, trung tâm có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM thực hiện điều phối, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức tiêm vaccine trên địa bàn TP.HCM.

img

Nhóm y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lên đường vào TPHCM. Ảnh: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

TP.HCM đề xuất Trung ương hỗ trợ 12.000 nhân viên y tế

Thành phố đề xuất Trung ương hỗ trợ hơn 12.000 nhân sự y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm để chống dịch. Nội dung được đề cập trong văn bản khẩn do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gửi Thủ tướng, ngày 23/7, kiến nghị hỗ trợ nhân lực phòng chống Covid-19.

Ở đợt bùng phát dịch thứ tư, thành phố đã ghi nhận hơn 48.800 ca nhiễm; 9.525 người đang cách ly tập trung, 38.172 trường hợp cách ly tại nhà và nơi lưu trú.

Đối với công tác điều trị, thành phố đề nghị được hỗ trợ 927 bác sĩ (gồm 150 bác sĩ hồi sức và 777 bác sĩ khám, điều trị); 4.137 điều dưỡng, kỹ thuật viên (gồm 400 điều dưỡng hồi sức, 50 kỹ thuật viên xét nghiệm, 50 kỹ thuật viên X quang và 3.637 điều dưỡng chăm sóc người bệnh).

Để lấy mẫu xét nghiệm, TP.HCM cũng đề nghị được hỗ trợ 2.000 nhân viên có chuyên môn liên quan.

Hôm qua, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cũng ký văn bản khẩn gửi Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ, điều động 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn để hỗ trợ phòng chống Covid-19.

Động thái này được TP.HCM đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp sau thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. Số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong toả, cách ly. Số ca điều trị, số ca nặng và tử vong tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị chống dịch quá tải...

Trước đó, TP.HCM đã được Bộ Y tế hỗ trợ 1.936 nhân viên y tế (573 bác sĩ, 1.363 điều dưỡng) từ 25 bệnh viện Trung ương, bộ, ngành và Sở Y tế các tỉnh thành; 1.601 giảng viên, sinh viên, hỗ trợ công tác truy vết, xét nghiệm.

Video: Người ở cùng F1 đang được cách ly y tế tại nhà cần tuân thủ các quy định nào? (Nguồn: HCDC)

TP HCM nâng mô hình điều trị Covid-19 lên 5 tầng

Sở Y tế TP HCM thay đổi mô hình "tháp 4 tầng" điều trị Covid-19 lên 5 tầng, với tầng mới là các khu cách ly tạm thời F0 tại quận huyện trong khi chờ kết quả xét nghiệm PCR.

Mô hình 5 tầng được Sở Y tế TP HCM công bố ngày 22/7, nhằm điều chỉnh kế hoạch thu dung và điều trị Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, tương ứng số ca nặng, nguy kịch và tử vong được dự báo tiếp tục tăng. Tính đến hết ngày 21/7, thành phố ghi nhận hơn 35.000 trường hợp F0 với 2.106 người bệnh cần hỗ trợ hô hấp và 382 ca tử vong. Đến sáng 23/7, số ca nhiễm đã được công bố tại TP HCM hơn 48.000.

Như vậy, theo Sở Y tế, mô hình điều trị 5 tầng, thu dung F0 như sau:

img

Đồ họa: Tiến Thành.

Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, TP HCM nhiều lần thay đổi kịch bản và mô hình chống dịch. Vào tháng 5, khi mới ghi nhận 3 ca nhiễm, TP HCM xây dựng 3 kịch bản y tế ứng phó, trong đó tình huống nghiêm trọng nhất là 5.000 ca bệnh. Rất nhanh sau đó, số ca nhiễm của thành phố vượt xa tình huống này. Ngành y tế áp dụng chiến lược tháp 3 tầng vào điều trị.

Sau nửa tháng, mô hình tháp 4 tầng được thay thế trước tình trạng lượng bệnh nhân tăng gần 500%. Trong đó, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 với 1.000 giường thuộc tầng thứ tư, dành cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, thay thế mô hình điều trị 3 tầng ở Bắc Giang mà thành phố đã áp dụng, hiện trở thành tầng 5.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.