Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 25/7: Thêm 2.328 ca; siết quản lý người dân ra đường

25/07/2021, 12:00

Covid-19 ngày 25/7 tại TP.HCM: Sáng nay thêm 2.328, toàn thành phố đã có 58.198 ca nhiễm từ 27/4.

Tin tức Dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Bộ Y tế thông tin, tính từ 19h ngày 24/7 đến 6h ngày 25/7 có 3.979 ca mắc mới (trong đó có 6 ca nhập cảnh). 3.973 ca ghi nhận trong nước, riêng tại TP. Hồ Chí Minh 2.328 ca.

Tính đến sáng ngày 25/7, Việt Nam có tổng 94.913 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 92.735 ca mắc trong nước; Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 91.165 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tại TP.HCM tính từ 24/7 đến nay đã có 58.198 bệnh nhân.

img

Cập nhật thông tin mới nhất về Covid-19 tại TP.HCM ngày 25/7 (Ảnh: baochinhphu.vn)

TP.HCM sẽ quy định thời gian người dân được đi ngoài đường

Sáng 25/7, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã tham dự họp báo thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, ông Mãi cho biết, từ ngày 31/5 đến nay, TP.HCM đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau. Đến nay TP.HCM tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, siết chặt hơn.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, tuần tra, kiểm soát để thực hiện nghiêm việc giãn cách, hạn chế tối thiểu việc ra đường và tiếp xúc với nhau.

"Ngày mai 26-7, UBND TP.HCM sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian việc di chuyển ngoài đường. Cũng có thể sẽ giới hạn ở khung giờ nhất định nào đó. Ví dụ sau 18h thì những hoạt động nào không được thực hiện. Đây là những biện pháp TP.HCM sẽ triển khai thời gian tới", ông Phan Văn Mãi nói.

Thời gian này, khi mọi di chuyển bị giới hạn thì các nhu cầu thiết yếu của người dân gần như sẽ được đáp ứng tại nhà. TP.HCM sẽ tăng cường việc cung ứng hàng hóa, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, TP.HCM sẽ xử lý tốt hơn các tình huống y tế khẩn cấp mà người dân yêu cầu. TP cũng đã có sự thảo luận, phân công, tăng cường nhân lực để đáp ứng các nhu cầu cần thiết của người dân.

"TP phải thực hiện nghiêm các biện pháp đến ngày 1-8. Tuy nhiên, TP có thể kéo dài thực hiện trong 2 tuần để đảm bảo các biện pháp thực hiện có hiệu quả, ngăn chặn được sự lây lan và phát tán dịch bệnh", ông Mãi nói.

Sự thật thông tin 12 shipper dương tính Covid-19 tại quận 7

Ngày 25/7, Công an quận 7 (TP.HCM) cho biết, thông tin 12 shipper dương tính được đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua là sai sự thật. Đây là thông tin từ một khu dân cư đưa lên mạng.

img

Công an quận 7 cho biết thông tin phát hiện 12 tài xế giao hàng dương tính với Covid-19 qua kiểm tra ngẫu nhiên là sai sự thật. (Ảnh minh họa)

Trước đó, mạng xã hội lan truyền thông tin có nội dung “Công an quận 7 mới thông tin trong sáng ngày hôm nay có kiểm tra đối với các shipper đã phát hiện 12 ca dương tính… Vậy nên anh em bảo vệ xử lý quyết liệt với các shipper giao hàng…”.

Tuy nhiên, thực tế trong hai ngày 23 và 24/7, Công an quận 7 đã phối hợp với lực lượng y tế kiểm tra ngẫu nhiên hơn 1.000 tài xế lưu thông qua các chốt kiểm soát trên địa bàn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 18 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó có 3 trường hợp là tài xế giao hàng.

Ngay sau đó, các trường hợp nhiễm Covid-19 đã được đưa đi cách ly, xử lý y tế theo quy định.

TP.HCM lập tổ công tác giám sát chặt các khu phong tỏa

Ngày 24/7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định Tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Động thái này nhằm "thực hiện bằng được" mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, ngăn chặn số ca nhiễm mới, hạn chế tối đa trường hợp tử vong; bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân.

Theo đó, các khu phong tỏa phải thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức "đi chợ thay".

Chính quyền địa phương phối hợp công an, quân sự thường xuyên tuần tra, giám sát việc thực hiện giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao.

Các tổ chức, cá nhân muốn hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu phong tỏa cần liên hệ Tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ dân. Người dân không được ra ngoài nhận trực tiếp. Chủ tịch phường chỉ đạo Tổ Covid-19 cộng đồng phối hợp các lực lượng khác hỗ trợ điều phối, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân tại khu phong tỏa.

Thành phố yêu cầu xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách thì người đứng đầu địa phương và người liên quan đều bị xử lý nghiêm.

Định kỳ các khu phong toả sẽ được địa phương và đơn vị liên quan đánh giá mức độ an toàn để kịp thời gỡ bỏ từng phần. Điều này nhằm giảm tâm lý cho người dân và giảm áp lực cho các lực lượng quản lý khu phong tỏa.

Người đang thực hiện cách ly tập trung phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng, không được tiếp xúc trực tiếp người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).

Các gia đình có ca F0, F1 cách ly tại nhà phải thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế). Chính quyền sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu tới tận nhà.

Tối 24/7, Bộ Y tế công bố TP. Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 3.326 ca nhiễm mới. Theo đó, trong ngày 24/7, TP. Hồ Chí Minh có thêm 5.396 bệnh nhân mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 55.870 (tính từ 24/7 đến nay).

Người dân TP.HCM sẽ được phát 10-15 thẻ đi chợ

Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương vừa có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng "thẻ đi chợ".

"Theo đó, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần, theo đó mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày", lãnh đạo Sở Công Thương yêu cầu.

img

Căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần

Theo ông Phương, cách làm này sẽ giúp kiểm soát số lượng phân bổ số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tình trạng tập trung đông người.

Riêng các khu vực phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ, siêu thị do chính quyền địa phương cấp.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở đề nghị địa phương yêu cầu đơn vị quản lý chợ, hộ kinh doanh và người lao động làm việc, bán hàng phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 và các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.