Xã hội

Dịch Covid-19 TP.HCM ngày 9/9: Hôm nay thành phố có 5.549 ca mắc mới

09/09/2021, 19:05

Dịch Covid-19 ngày 9/9 tại TP.HCM: Hôm nay cả nước ghi nhận 12.420 ca nhiễm mới; trong đó, tại TP.HCM có 5.549 ca.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 9/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 8/9 đến 17h ngày 9/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.420 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 12.399 ca ghi nhận trong nước. Trong đó, tại TP.HCM có 5.549 ca.

Hơn 1.500 F0 khỏi bệnh đăng ký phòng chống dịch COVID-19

Ngày 9/9, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP và Sở Nội vụ về việc tiếp nhận và phân công tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Tính đến ngày 8/9, Sở Y tế đã tiếp nhận 273 lượt tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh đăng ký qua đường link của Sở Y tế, trong đó có 108 người sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Có 62 tình nguyện viên có trình độ từ trung cấp, cao đẳng trở lên (không thuộc chuyên ngành y, dược), 38 tình nguyện viên có trình độ từ THPT, 8 tình nguyện viên có trình độ THCS. Có 46 tình nguyện viên nữ, 62 tình nguyện viên nam.

Ngoài ra, Hội Doanh nhân TP.HCM đã vận động, tiếp nhận 1.270 tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch và đã phân công 378 người đến 14 đơn vị có nhu cầu.

Sở Y tế đã phối hợp tham mưu tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quyết định phân công đến đơn vị có nhu cầu.

Sở Y tế cho biết thêm, nhu cầu tiếp nhận tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh ở TP.HCM hiện nay là 1.728 người, trong đó cần 140 bác sĩ, 474 điều dưỡng, 95 hộ lý, 454 hỗ trợ chăm sóc người nhiễm bệnh...

Sở Y tế tiếp tục đề nghị ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức, các bệnh viện dã chiến, khu cách ly F0 vận động những người F0 đã khỏi bệnh tự nguyện đăng ký tham gia tình nguyện viên, đồng thời phối hợp với Hội Doanh nhân TP.HCM tiếp tục vận động, tiếp nhận và phân công tình nguyện viên F0 đã khỏi bệnh theo chương trình ATM F0.

Cách thức đăng ký, các tình nguyện viên quét mã QRcode chứa mẫu đăng ký tại đường link https://danvankheo-ketnoithongtin.vn/dang-ky-tham-gia-chuong-trinh-f0-khoi-benh-ho-tro-benh-nhan-f0/ hoặc link https://bom.to/bAD4vS đăng ký tình nguyện tham gia chương trình.

TP.HCM thông tin về vụ tập trung đông người tại phường 7, quận 8

Sáng 9/9, Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM cho biết Đảng ủy Phường 7 (Quận 8) vừa có báo cáo nhanh về tình hình tập trung đông người tại chốt kiểm soát dịch trên đường Quảng Trọng Linh, Khu phố 6, Phường 7.

img

Lực lượng quân đội tiếp tục vận chuyển hàng hóa thiết yếu giúp người dân.

Theo đó, khoảng 14h ngày 8/9, tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường Quảng Trọng Linh (Khu phố 6, Phường 7, Quận 8) có khoảng 500 người dân tập trung yêu cầu chính quyền hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo phát biểu của lãnh đạo TP.HCM.

Lãnh đạo quận 8 và phường 7 đã có mặt kịp thời vận động, giải thích các chính sách theo quy định, đồng thời ghi nhận bức xúc của người dân và triển khai cập nhật danh sách để thống kê, rà soát báo cáo. Đến khoảng 16h cùng ngày, người dân đã đồng tình và ra về.

Báo cáo của Đảng ủy Phường 7 cho biết UBND phường 7 đã hỗ trợ đợt 1 lần 1 cho 999 người (đạt 100%) với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó có 110 người dân tại khu phố 6.

Lần 2, chính quyền địa phương hỗ trợ cho 841 người (đạt 84,18%) với hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó có 110 người dân tại khu phố 6 theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM và Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động khó khăn.

UBND phường 7 đã hỗ trợ đợt 2 cho 763 người (đạt 89,34%) với hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó có 169 người dân tại Khu phố 6 và hỗ trợ đợt 3 cho 1.474 người (đạt 82,39%) với hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó có 339 hộ dân tại khu phố 6.

Trong 3 đợt hỗ trợ, UBND Phường 7 đã thực hiện chăm lo tại Khu phố 6 cho 279 người theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM và 339 hộ lao động có hoàn khó khăn.

Báo cáo của Đảng ủy Phường 7 cho biết Khu phố 6 (Phường 7, Quận 8) đa phần là người dân ở các tỉnh lên thuê trọ để làm công tại chợ đầu mối Bình Điền, chủ yếu là lao động nghèo, khó khăn sinh sống tập trung đông tại các hộ ngăn phòng cho thuê trọ chật hẹp...

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, chợ đầu mối Bình Điền ngưng hoạt động. Số người dân thuê trọ không có điều kiện về quê, không có công việc làm nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng để lôi kéo, tụ tập đông người, phát sinh phức tạp tình hình an ninh trật tự.

Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương trong thời gian tới, UBND Phường 7 đã chỉ đạo Công an, Quân sự Phường 7 tăng cường lực lượng trực chốt tại khu vực Chợ Bình Điền và Trụ sở UBND phường để đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, UBND phường sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những hộ khó khăn, tiếp tục vận động các nguồn lực chăm lo cho người dân, chủ yếu người dân lao động tại các khu nhà trọ.

Đảng ủy Phường 7 đã đề xuất UBND quận 8, Công an Quận 8 tăng cường lực lượng hỗ trợ UBND phường trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, địa phương kiến nghị các ngành chức năng sớm thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của UBND TPHCM.

Tiếp nhận kinh phí, vật tư hỗ trợ từ Uỷ ban xã hội Quốc hội

Sáng 9/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tiếp nhận và bàn giao kinh phí, nhu yếu phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế do Ủy ban xã hội Quốc hội trao tặng cho các lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch TP.HCM.

Ủy ban xã hội Quốc hội trao tặng 1.500 phần quà cho các em thiếu nhi bị nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19.

img

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM (trái) tiếp nhận kinh phí, vật tư, nhu yếu phẩm trị giá 847 triêu đồng từ Ủy ban xã hội Quốc hội

Tại buổi lễ tiếp nhận, Ủy ban xã hội Quốc hội hỗ trợ 400 triệu cho công nhân lao động khó khăn, các đối tượng bảo trợ và các mẹ sinh con bị mắc Covid-19. Tặng 3 máy trợ thở, 500 bộ đồ bảo hộ y tế, 1.000 khẩu trang vải kháng khuẩn, 5.000 que lấy dịch tỵ hầu, 30 thùng nước sát khuẩn tay và 30 thùng khẩu trang y tế, có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn trước những đóng góp, hỗ trợ của Ủy ban xã hội Quốc hội cho công tác phòng, chống dịch của thành phố.

"Mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm ủng hộ vật chất, tinh thần và đề xuất các cơ chế tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phòng chống dịch", bà Châu bày tỏ mong muốn.

Theo bà Châu, thời gian qua, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối quỹ phòng chống dịch tiếp nhận sự hỗ trợ của nhân dân các tỉnh thành trong cả nước. Cụ thể, hơn 900 tỉ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã chuyển tới người dân hơn 700 tỉ đồng. Còn 200 tỉ đồng được dùng để chuẩn bị cho 2 triệu túi an sinh trao cho người dân sau ngày 15/9.

Bên cạnh đó, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối quỹ phòng chống dịch cũng đã tiếp nhận đóng góp về vật tư, thuốc, phương tiện, trang thiết bị y tế trị giá hơn 2.000 tỉ đồng. Tiếp nhận 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm và hơn 308 tỉ đồng ủng hộ kinh phí mua vaccine.

Kiến nghị Thủ tướng cho phép y tế tư nhân thu phí điều trị COVID-19

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ngày 8/9 đã ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo đó, trong thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh có nhiều đơn vị y tế tư nhân đã tình nguyện đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế... cũng như định mức sử dụng, chi phí cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.

Do đó, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp vướng mắc.

img

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).

Cụ thể, nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được. Trong khi đó, nếu chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực và cũng không có cơ sở để thực hiện khi cùng sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho công tác điều trị những chi phí khác nhau giữa cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.

Theo báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân, hiện có rất nhiều bệnh nhân có điều kiện chi trả và sẵn sàng chi trả chi phí điều trị COVID-19 để được điều trị theo yêu cầu, cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách nhà nước. Các cơ sở y tế đề nghị cho phép được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Từ thực tế này, UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngày 1/9, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định các điều kiện, tổ chức điều trị bệnh và chi trả chi phí khám, chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở ngoài công lập.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm giải quyết kinh phí điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở y tế tư nhân, đảm bảo nguồn lực tài chính để các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, cũng như kịp thời cứu chữa cho người dân bị mắc COVID-19, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

img

TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày

Cho phép cửa hàng ăn, uống bán mang đi từ 6h đến 18h

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo khẩn, cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.

UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn về tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giấy đi đường của Công an TP.HCM đã cấp trong thời gian giãn cách xã hội đến hết ngày 15/9 .

Trong trường hợp có nhu cầu cấp đổi giấy đi đường, các đơn vị chủ trì, quản lý đối tượng cấp giấy đi đường chịu trách nhiệm thu hồi giấy cũ; tổng hợp, cập nhật danh sách mới gửi Công an TP HCM để được cấp đổi.

Về các nhóm đối tượng được phép lưu thông và biện pháp kiểm soát, thực hiện theo hướng dẫn của Công an TP.HCM tại thông báo số 3416.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

UBND quận 7 và huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/lần; báo cáo UBND TP HCM trước ngày 11/9.

Ngoài ra, TP HCM mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng.

Đáng chú ý, UBND TP HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP Thủ Đức để được cấp đi đường; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới.

Thành phố ghi nhận 7.308 ca nhiễm mới ngày 8/9

Bộ Y tế thông tin, ngày 8/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 12.663 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (7.308 ca), Bình Dương (3.172), Đồng Nai (814), Long An (372), Tiền Giang (171)... Có 7.851 ca trong cộng đồng.

img

Xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.530 ca. Tại TP.HCM giảm 2 ca, Bình Dương giảm 794 ca, Đồng Nai giảm 131 ca, Long An giảm 118 ca, Tiền Giang giảm 12 ca.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, cập nhật đến chiều 8/9 có 266.365 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP, trong đó 265.905 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 42.029 bệnh nhân, trong đó 3.052 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.808 bệnh nhân nặng. Trong ngày 7/9, có 5.196 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện đến nay là 133.592 bệnh nhân.

Tính đến ngày 4/9, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 117.749 người, trong đó có 85.188 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 32.561 trường hợp cách ly sau xuất viện.

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 24.373 người.

Hơn 1,4 triệu người tiêm vaccine Sinopharm

Sở Y tế TP.HCM cho hay trong ngày 7/9, thành phố đã tiêm vaccine Covid-19 cho 188.882 người. Các điểm tiêm đều được thực hiện ổn định, trật tự.

Như vậy, từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt một đến hết 7/9, 6.884.159 người đã tiếp cận vaccine Covid-19. Trong đó, 708.646 người hoàn thành 2 mũi tiêm. Vaccine Sinopharm đã được tiêm cho 1.400.115 người.

img

Theo báo cáo của TP.HCM, tất cả người được tiêm Vaccine Sinopharm đều an toàn, sức khỏe ổn định.

Theo thống kê của Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, quận 6, quận 1, quận 5, Củ Chi, quận 7, Cần Giờ, quận 11, Phú Nhuận đã đạt chỉ tiêu 100% bao phủ vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi. Tỷ lệ này ở TP Thủ Đức đạt 99,57%, Gò Vấp là 94,55%...

Các địa phương có tốc độ tiêm chủng chậm, độ bao phủ dưới 80% dân số trên 18 tuổi là quận 3, quận 10, Bình Tân, quận 8, Tân Bình.

TP.HCM đang nghiên cứu chính sách "thẻ xanh vaccine", nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm 1-2 mũi vaccine. Để hiện thực hóa điều này, thành phố sẽ khởi động chiến dịch tiêm vaccine từ nay đến 15/9 để sớm đạt độ phủ vaccine cao.

TP.HCM có nhiều trẻ nhỏ mắc Covid-19

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính đến nay, số lượng trẻ dưới 16 tuổi mắc Covid-19 được ghi nhận là 3.052 trường hợp. Riêng ngày 23/8, khi thành phố bắt đầu xét nghiệm diện rộng, 809 F0 là trẻ nhỏ đã được ghi nhận.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), phần lớn trẻ em trong số đó không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp trẻ béo phì hoặc mắc bệnh lý nguy hiểm, Covid-19 có thể khiến tình trạng trẻ diễn tiến nặng nhanh chóng.

img

Phần lớn trẻ em mắc Covid-19 ở TP.HCM không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Ngoài ra, bệnh lý thiếu kháng thể, hội chứng Down, bệnh lý thần kinh, huyết học, thiếu máu não, ghép tạng, ung thư, bệnh viêm hệ thống..., thường có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19 ở trẻ.

Theo phân tích của một số chuyên gia, thực tế cho thấy những gia đình trong hẻm sâu, chật hẹp thường có số lượng F0 nhiều hơn hộ gia đình riêng lẻ. Trong các chung cư, khối nhà tiếp xúc với không gian mở, nhiều khí trời và ánh sáng ít bị nhiễm hơn những khối nhà khuất, không thông khí.

"Các gia đình nói chung cần chú ý vấn đề vệ sinh, thông thoáng nhà cửa, có ánh nắng mặt trời để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, không chỉ riêng SARS-CoV-2", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 nếu không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thì được cách ly tại nhà theo hướng dẫn nếu đủ điều kiện.

2 tuần 'ai ở đâu ở yên đó', trung bình phát hiện 5.300 ca F0/ngày

Trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có tổng cộng 265.846 trường hợp mắc COVID-19 được công bố.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, trong 2 tuần vừa qua, số ca mắc COVID-19 được phát hiện tăng cao, bình quân mỗi ngày 5.300 ca.

img

TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn thành phố.

Thông tin về kết quả đạt được sau 15 ngày thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”, ông Phạm Đức Hải cho biết, tình hình kiểm soát dịch bệnh đã có chuyển biến rõ rệt, các khu dân cư đã được siết chặt hơn, người dân cơ bản đã chấp hành theo yêu cầu của Thành phố; tuy nhiên, vẫn còn một số ít người dân ra ngoài không có lý do chính đáng.

Trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội từ ngày 23/8, Thành phố đã linh động, kịp thời giải quyết những vướng mắc khi kiểm soát các phương tiện và đối tượng lưu thông, vừa đảm bảo hạn chế tối đa lưu thông nhưng vẫn phải đảm bảo phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.

Từ ngày 23/8, Thành phố cũng đã tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố; trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao, với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng. Do đó, trong hai tuần vừa qua, số ca mắc mới của thành phố tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện khoảng 5.300 ca F0.

Đến nay, nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố là trên 177.300 người, tiếp nhận trên 24.000 người từ các Bộ, ngành tăng cường, hỗ trợ. Thành phố đã cử 312 tổ công tác với trên 1.300 cán bộ, công chức, viên chức tăng cường, hỗ trợ TP Thủ Đức và các quận, huyện.

Hiện TP.HCM đã có 133.592 người được điều trị khỏi bệnh và có 10.938 trường hợp tử vong. Hiện các bệnh viện thành phố đang điều trị 42.029 bệnh nhân, trong đó có 2.808 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Bên cạnh đó, người dân "vùng xanh" sẽ được đi chợ 1 lần/tuần, khuyến khích những người đã tiêm vaccine đi chợ; đồng thời từ nay đến 15/9, "vùng xanh" sẽ thí điểm mở dịch vụ bán thức ăn mang về; shipper đi chợ cho "vùng đỏ". Sau ngày15/9, giả định TP.HCM kiểm soát được dịch, những ngành nghề an toàn sẽ được mở dần trở lại.

TP.HCM nghiên cứu "thẻ xanh Covid-19"

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, chiều 7/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất "thẻ xanh Covid-19" và nhóm chuyên gia y tế cùng nhóm chuyên gia kinh tế đang thiết kế thẻ này.

img

TP.HCM mong muốn được Trung ương cung cấp thêm vắc-xin để tiêm đủ mũi 2 cho người dân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay UBND TP.HCM vừa lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9, trong đó có trụ cột phòng chống dịch, trụ cột an sinh, trụ cột kinh tế.

Theo ông Mãi, TP.HCM là thành phố dịch vụ, cho nên cách tiếp cận của TP.HCM là phải an toàn. Người tham gia các hoạt động phải an toàn, địa điểm an toàn với những tiêu chí dựa trên nền tảng là vắc-xin và các biện pháp an toàn khác.

Do đó, TP.HCM có đề xuất thẻ xanh Covid-19, sẽ có tiêu chí cụ thể. Hiện nhóm chuyên y tế cùng với nhóm chuyên gia kinh tế đang thiết kế cái này.

Ông Mãi cho rằng, sau ngày 15/9, công sở, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, vận tải... muốn mở lại phải đáp ứng các điều kiện an toàn.

Các hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại từ từ sẽ mở ra theo mức độ an toàn. "Một trong những điều kiện an toàn, khi người dân tham gia các hoạt động sau này là tiêm vắc-xin" - ông Phan Văn Mãi nói và mong muốn được Trung ương cung cấp thêm vắc-xin để TP.HCM tiêm đủ mũi 2 cho người dân trên địa bàn.

Nhiều người dân TP.HCM tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 tiêm Pfizer

Từ đầu giờ chiều 6/9, nhiều người dân ở quận 11 đã đến điểm tiêm Trường tiểu học Đại Thành (địa chỉ 79/22 Âu Cơ, phường 14, quận 11) để tiêm vắc xin mũi 2 phòng COVID-19.

Trong lúc chờ đợi tiêm vắc xin mũi 2, nhiều người cho biết họ sẽ tiêm mũi 2 là vắc xin Pfizer, trước đó mũi 1 là Moderna. Ai cũng đồng ý tiêm và không quá lo lắng khi tiêm 2 loại vắc xin khác nhau.

img

Nhiều người tình nguyện tiêm dù biết là 2 loại vaccine khác nhau

Cùng ngày, lúc 13h30, tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (phường 8, quận 11) cũng có nhiều người dân, chủ yếu là người cao tuổi, ngồi xếp hàng chờ tiêm vắc xin mũi 2 theo lịch thông báo.

Ông N.V.P. (73 tuổi, ngụ phường 14, quận 11) cho hay ngày 3/8, ông được tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna. Theo khoảng cách giữa hai mũi tiêm thì đến ngày 1/9 ông phải được tiêm mũi 2, nhưng hay tin TP tạm hết vắc xin Moderna nên khi nhận được thông báo của phường đi tiêm mũi 2 Pfizer vào ngày 6/9, ông cũng đi tiêm.

Theo ông P., ông muốn tiêm vắc xin cùng loại, nhưng giờ không đi tiêm thì không biết đến khi nào mới có để tiêm.

Nhiều người dân TP.HCM tiêm vắc xin mũi 1 Moderna, đến hẹn mũi 2 tiêm Pfizer - Ảnh 2.Người dân tiêm mũi 2 theo sự tự nguyện

Không chỉ quận 11, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức… cũng tổ chức tiêm ngừa vắc xin mũi 2 là Pfizer cho những người dân trước đó đã tiêm mũi 1 là Moderna. Cả 2 loại vắc xin này đều là vắc xin của Mỹ.

Đại diện UBND quận 11 cho biết trong ngày 6-9, tại điểm tiêm nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận tổ chức tiêm mũi 2 cho 540 người theo đúng thời hạn, trong đó buổi sáng là 350 người, số còn lại được tiêm buổi chiều. Việc tiêm vắc xin mũi 2 cũng dựa theo sự tự nguyện của người dân.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trong bối cảnh khan hiếm vắc xin như hiện nay, có thể nghĩ đến việc sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2 mà không nhất thiết phải tiêm vắc xin cùng loại.

Bác sĩ Khanh kiến nghị nên dùng vắc xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 là Moderna hoặc mũi 1 tiêm AstraZeneca, mũi 2 tiêm trộn Pfizer/Moderna.

"Nhiều nước trên thế giới đã tiêm phối trộn vắc xin như vậy, không có vấn đề gì xảy ra, hiệu quả bảo vệ vẫn tốt. Chúng ta phải tạo điều kiện để người dân được tiêm vắc xin nhanh nhất, tạo hiệu quả bảo vệ tối ưu" - bác sĩ Khanh chia sẻ thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.