Tài chính

Dịch liên miên, đầu tư gì để sinh lời?

15/09/2021, 07:04

Theo chuyên gia, 5 nhóm ngành nhà đầu tư có thể xem xét là: CN thông tin, nguyên vật liệu, ngân hàng, chứng khoán, logistics và BĐS khu CN...

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán sụt giảm, lãi suất huy động xuống thấp, thị trường bất động sản giao dịch khó khăn..., việc đầu tư vào đâu để có lợi nhuận là vấn đề nhiều người quan tâm.

img

Xu hướng đầu tư bất động sản ven đô tăng mạnh và là lựa chọn của những nhà đầu tư dài hạn Ảnh: MK

Giữ tiền hay đầu tư chứng khoán?

Chị Thu Hà (trú tại Hà Đông, Hà Nội), chủ một quán cà phê nhỏ vừa tất toán sổ tiết kiệm hơn 170 triệu đồng sau 1 năm gửi ngân hàng vì “lãi lời chả bao nhiêu”.

Chị Hà cho biết, số tiền gửi ngân hàng vào thời điểm hơn 1 năm trước, với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 6,9%/năm. Tính ra tổng số tiền lãi chị nhận được chỉ hơn 11,7 triệu đồng (mỗi tháng chưa đầy 980.000 đồng).

Cách đây ít ngày, chị nhận được tin nhắn từ nhân viên ngân hàng quen tại chi nhánh quận Tây Hồ mời gửi tiền vì lãi suất của ngân hàng này đã tăng đáng kể từ trung tuần tháng 8 vừa qua.

Cụ thể, kì hạn 1-3 tháng lên đến 5,8%/năm, 6 tháng 7%/năm và 12 tháng 7,6%/năm. Nhân viên này khẳng định, đây là mức lãi suất hấp dẫn nhất thị trường hiện nay.

“Tiền rút ra không biết đầu tư vào đâu, tôi lại gửi vào ngân hàng hưởng mức lãi suất mới cao hơn”, chị Hà cho biết.

Chị Hà là một trong số nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn lựa chọn kênh đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm chưa thực sự hấp dẫn, dù mới được điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán Tân Việt, giữ tiền mặt trong bối cảnh hiện nay cũng là một lựa chọn khôn ngoan, dù lãi suất thấp.

Trong bối cảnh vàng xuống, tỷ giá giảm, cơ hội tăng giá chứng khoán thấp hơn trước và dịch bệnh còn phức tạp, không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả doanh nghiệp cũng đang có xu hướng giữ tiền mặt chờ cơ hội.

Theo thống kê của ông Nam, hết quý II vừa qua, trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn đã tăng lên, đặc biệt là khoản mục tiền, đầu tư ngắn hạn tăng trưởng tương ứng 22% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đang có 28,5 tỷ USD, khoảng 15% tổng tài sản của doanh nghiệp ở dưới dạng tiền và tiền gửi dưới 1 năm”, ông Nam nói và cho hay, tỷ lệ này cao hơn nhiều so tốc độ tăng trưởng tổng tài sản là 13%.

Trong khi đó, tăng trưởng tài sản dài hạn mà chủ yếu là mua sắm tài sản cố định của các doanh nghiệp chỉ khoảng 8%. Con số này đã duy trì 3 quý liên tiếp.

Điều đó cũng cho thấy nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 đang giảm xuống, dẫn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn nói chung trong các quý tiếp theo sẽ khó khăn.

Nhưng xét ở khía cạnh đầu tư chứng khoán, ông Nam vẫn lưu ý các ngành có tăng trưởng lợi nhuận tốt và đáng để xem xét. Đó là các mã chứng khoán thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, 29 ngân hàng đạt lợi nhuận 1,6 tỷ USD (tăng 45%) sau báo cáo quý II vừa qua, chiếm 34% lợi nhuận toàn thị trường. Thu nhập lãi thuần khối này cũng tăng 43,9%...

Một điểm sáng nữa là các mã chứng khoán trong lĩnh vực bất động sản. Nhóm bất động sản cho thấy bức tranh sáng nhất khi đạt lợi nhuận 700 triệu USD (tăng 127%).

Ngoài ra, nhóm các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ phi tài chính cũng có lợi nhuận tăng 64% so với cùng kỳ khi đạt 2 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp nguyên vật liệu cơ bản như sắt thép, dầu khí đã hồi phục mạnh.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset, khi VN-Index điều chỉnh về 1.200 điểm sẽ là cơ hội mua vào cổ phiếu giá rẻ.

Ông Minh cũng đưa ra khuyến nghị 5 nhóm ngành nhà đầu tư có thể xem xét là: Công nghệ thông tin, nguyên vật liệu, ngân hàng, chứng khoán, logistics và bất động sản khu công nghiệp.

Bất động sản ven đô vẫn tăng đều

Theo dữ liệu của Công ty CP Propertyguru Việt Nam, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Batdongsan.com.vn, sau khi lượng quan tâm của khách hàng tăng đỉnh điểm vào tháng 3 (tăng 378%) với 5 triệu người dùng, 12,5 triệu lượt truy cập, bước sang tháng 7, dịch bùng phát khiến thị trường này giảm cả cung lẫn cầu.

Lượng tin đăng về bất động sản toàn trang giảm 22%. Mức độ quan tâm giảm 12% so với tháng trước. Giao dịch nhiều nơi giảm 60 - 70%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, du khách ngại di chuyển xa. Thay vì trải nghiệm nghỉ dưỡng vài lần trong năm ở những kỳ nghỉ dài, với chi phí 6-7 triệu đồng/người thì nay những điểm đến khoảng 2-3triệu đồng/người sẽ được chọn ngay sau dịch. Những resort ven đô nhiều cây xanh, không gian yên bình sẽ ngày càng được ưa chuộng. Ở tầm nhìn dài hạn, đây vẫn là một thị trường “xanh”.
Những dự án có khoảng cách di chuyển khoảng dưới 1,5 giờ lái xe, giá trị căn hộ khoảng dưới 5 tỷ đồng là ngưỡng an toàn, dễ thanh khoản.
Hiện ngân hàng cho vay 50% đối với đất kinh doanh dịch vụ và 70% đối với đất sở hữu lâu dài, mức lãi suất 6,5%. Như vậy với căn hộ 5 tỷ đồng, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra khoảng 1,5-2,5 tỷ đồng để sở hữu tối thiểu 50 năm.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô

Đáng chú ý tháng 8/2021, lượng tin đăng toàn trang giảm 58%, lượt quan tâm giảm 27% so với tháng trước.

TP Hà Nội và TP.HCM, mức độ quan tâm BĐS giảm lần lượt 36% và 17% so với tháng trước. Mức giảm ghi nhận ở hầu hết các loại hình BĐS chính như chung cư, nhà riêng và nhà mặt phố.

Việc giá đất “sốt” rồi nhanh chóng hạ nhiệt trong thời gian ngắn vừa qua đã khiến nhiều nhà đầu tư lao đao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Propertyguru Việt Nam cho biết, phân khúc nghỉ dưỡng ven đô đang dần thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư dài hạn.

Thực tế, từ tháng 5/2021, các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên khu ven Hà Nội được nhiều người tìm mua, giao dịch đều, giá tăng đều 2-7%.

Theo báo cáo thị trường bất động sản của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, quý II vừa qua có khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang chào bán.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội nhận định, đây vẫn là dòng sản phẩm được các nhà đầu tư quan tâm và tìm kiếm.

Trong đó, một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỷ lệ hấp thụ tốt (khoảng 30 - 40%).

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô, phân khúc du lịch nghỉ dưỡng ven đô không giống với đất nền - được “thổi giá” chuyên nghiệp song hiện đã đóng băng cục bộ, rủi ro với nhà đầu tư. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ven đô các thành phố lớn nói chung và Hà Nội nói riêng đón nhận sự phát triển về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, giúp việc kết nối thuận tiện, dễ dàng.

Theo đó, đất ven đô tăng giá đều đặn. Đơn cử, đất Ba Vì trước năm 2011 chỉ khoảng 250 nghìn/m2, sau khủng hoảng đất vẫn âm thầm tăng lên 2 triệu đồng/m2.

Đến nay có những vị trí ghi nhận 5-7 triệu đồng, thậm chí 9 -10 triệu đồng/m2.

Cũng theo ông Trung, bên cạnh sự tăng trưởng giá vốn, dòng tiền thu lợi ổn định, đều đặn với khoảng 8%/năm, cao hơn mức lãi suất huy động của ngân hàng hiện tại. Đây là là con số thực và ở mức an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.