Vận tải

Dịch phức tạp, vì sao Vietravel Airlines vẫn quyết xin bay?

18/08/2020, 06:31

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vì sao hãng hàng không Vietravel Airlines vẫn nhất quyết xin bay?

img
Vietravel Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320, A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên

Cuối tuần qua, Bộ GTVT đã tổ chức buổi họp rà soát, thẩm định cuối cùng trước khi báo cáo Chính phủ về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vì sao hãng hàng không này vẫn nhất quyết xin bay?

Không quyết đoán sẽ mất cơ hội

Đề cập về việc thẩm định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Cục Hàng không VN đã trình Bộ GTVT kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines.

Văn bản của Cục nêu rõ, hồ sơ của Vietravel Airlines đáp ứng các điều kiện để cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (bao gồm cả điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển) đồng thời kiến nghị Bộ GTVT thực hiện các thủ tục tiếp theo để cấp Giấy phép cho hãng này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hàng không, du lịch, rất nhiều vấn đề cần làm rõ thêm trong tình hình mới, trong đó có khả năng trụ vững, kinh doanh của Vietravel Airlines.

Về vấn đề này, Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên khẳng định, Đề án lập hãng hàng không của Vietravel Airlines đã được rà soát và cập nhật theo tình hình mới của dịch Covid-19. Đáng chú ý, theo ông Biên, trong khó khăn, Vietravel Airlines cũng nhìn thấy rất nhiều cơ hội.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không xin hủy, giãn đơn hàng, máy bay nằm sân rất nhiều. Trong bối cảnh đó, chúng tôi có cơ hội lựa chọn dòng máy bay, chủng loại động cơ tân tiến mới và hiện đại hơn so với trước đây với mức giá rất hợp lý, đồng thời có thể nhận máy bay bất kỳ khi nào cần mà không phải chờ đợi”, ông Biên nói và nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến thị trường hàng không.

Tuy nhiên, dịch bệnh rồi cũng sẽ sớm qua đi còn Dự án Vietravel Airlines thì kéo dài tới 50 năm, không thể chỉ vì một số khó khăn trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội sau này.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines cho biết, trước dịch, giá thuê một tàu bay A321 từ 5 - 6 tuổi trở lại không dưới 550 nghìn USD/tháng song hiện tại, mức giá này chỉ dưới 400 nghìn USD. Về nhân sự, trước đây phi công A321 trả 220 triệu đồng/tháng, giờ chỉ còn 80 triệu. Tương tự, tiếp viên trước đây phải 30 - 40 triệu/tháng, giờ chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng.

Phía Cục Hàng không VN, Phó cục trưởng Võ Huy Cường cho hay, Vietravel nộp hộ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hàng không từ tháng 5/2019. Đến 3/4/2020, đúng đỉnh dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

“Trong Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ ra kỳ hạn trong vòng 9 tháng phải bay. Như vậy, Chính phủ muốn nhà đầu tư phải thực sự vào cuộc, chứ không phải xin không”, ông Cường nhấn mạnh.

Phục vụ trước hết cho khách du lịch của Vietravel

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ cho hay, mỗi năm Vietravel phục vụ trên 500 nghìn khách nội địa, 400 nghìn khách đi nước người và 100 nghìn khách nước ngoài vào Việt Nam. Việc lập hãng hàng không trước hết là để phục vụ nhu cầu nội tại của chính Vietravel.

“Thời điểm tháng 6, tháng 7, các hãng hàng không mở rất nhiều đường bay chưa từng bay, trước đây chỉ nghĩ là là bay phụ mà giờ thành bay chính, khách rất đông”, ông Kỳ thông tin.

Thông tin thêm, ông Võ Huy Cường cho hay, Vietravel sẽ không có ý định thành lập hãng nếu làm ăn với đối tác thuận lợi, phát triển được dịch vụ du lịch của mình.

Trước đây, Vietravel đã mày mò, liên kết mở một loạt tuyến bay mới để tạo dựng thị trường, vừa giúp du lịch nhưng cũng là để hàng không phát triển. Có thể kể đến đường bay Bangkok - Cần Thơ, Cần Thơ - Liên Khương, Bangkok - Phú Bài. Tuy nhiên, chiến lược hợp tác đó không thành. Nguyên nhân là do Vietnam Airlines rút tàu để bay Phú Quốc và hỗ trợ cho hãng hàng không K6 của Campuchia. Đường bay Cần Thơ - Liên Khương cũng ở trong tình trạng tương tự.

Vietravel cũng đã phối hợp với Vietjet để mở đường bay Bangkok - Phú Bài. Tuy nhiên, Vietjet cũng có chiến lược riêng nên cũng chỉ bay thời gian ngắn. Sau này, Vietravel phối hợp với Jetstar Pacific để có đường bay Chiangmai - Thọ Xuân, song cũng không thể thực hiện được.

“Xuất phát từ những dự định hợp tác không thành này, Vietravel mới ấp ủ ý tưởng thành lập hãng hàng không”, ông Cường nói và nhấn mạnh: Vietravel là một thương hiệu nổi tiếng nên Vietravel Airlines được thừa hưởng thương hiệu này.

Với 3 tàu bay mà Vietravel Airlines dự kiến đưa vào thị trường trong những năm đầu khai thác, ông Cường cho hay, dù không thể gây ảnh hưởng lớn, thay đổi thị trường nhưng sẽ là chất xúc tác để các hãng thấy rằng miếng bánh thị phần đã có người chen vào và họ phải nỗ lực để làm tốt hơn, từ đó chất lượng dịch vụ cung cấp sẽ tốt hơn.

Bổ sung thêm, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho rằng, hãng hàng không Vietravel Airlines đi vào khai thác sẽ giúp khai thác triệt để kết cấu hạ tầng của rất nhiều sân bay đang chưa khai thác hết công suất.

Vietravel Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320/A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên (bắt đầu từ năm 2021). Số tàu bay của hãng này sẽ tăng dần lên 8 chiếc trong 5 năm tiếp theo.

Theo Cục Hàng không VN, với quy mô đội tàu bay trong 3 năm đầu là 3 - 6 tàu bay và đạt 8 tàu bay vào năm thứ 5, đội tàu bay của Vietravel Airlines chỉ chiếm từ 1,5 - 3% về số lượng trong giai đoạn 2021 - 2023 nên về tổng thể tác động không đáng kể, đảm bảo tính ổn định của thị trường.

Vietravel Airlines cũng đưa ra 4 phương án khai thác, tương đồng với các kịch bản khai thác thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2023 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.