Thế giới

Dịch virus Corona Vũ Hán ở Trung Quốc hủy hoại mô hình chia sẻ chỗ ở

07/02/2020, 07:45

Ngành dịch vụ đề cao sự chia sẻ giữa những người sống chung nhà, không chung phòng đang đứng trước thách thức lớn.

img
Xu hướng chung nhà nhưng không chung phòng với những thiết kế căn hộ hiện đại, tiện nghi nhưng tiết kiệm chi phí đang nở rộ tại châu Á

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, những mô hình chia sẻ để tận dụng tối đa nguồn lực của con người giúp tiết kiệm chi phí và nhiên liệu đã và đang ngày càng phổ biến, tác động tới tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là khu vực châu Á. Tuy nhiên, ngành dịch vụ đề cao sự chia sẻ giữa những người sống chung nhà, không chung phòng (co-living) đang đứng trước thách thức lớn khi dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới (2019 nCoV) đang lan rộng.

“Chung nhà nhưng không chung phòng”

Ngành chia sẻ bất động sản được định nghĩa đơn giản là mô hình kinh tế chia sẻ trong đó các cá nhân và công ty mua hoặc bán quyền tiếp cận đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ một cách tạm thời thông qua nền tảng trực tuyến.

Trên thị trường nhà ở, mô hình cùng chung sống mà ở đó người dân chia sẻ không gian sống và những giá trị, lợi ích chung với nhau đang ngày càng trở nên phổ biến, phần lớn là do tình hình đô thị hoá, tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ và sự trỗi dậy của công nghệ thông tin.

Trong khi khái niệm sống chung được biết đến từ lâu tại Mỹ và châu Âu nhưng nó có khả năng sẽ bám rễ tại châu Á cao hơn vì hiện tại gần 2/3 dân số của Thế hệ Millennials (còn được gọi là Thế hệ Y, là nhóm nhân khẩu học theo Thế hệ X và Thế hệ Z trước đó) trong khu vực này còn sống với cha mẹ. Trong tương lai, Thế hệ Y có thể sẽ tìm nhà riêng trong khi tỉ lệ này trên toàn cầu chưa đến 1/2 - dữ liệu do Tập đoàn Đầu tư và Dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ (CBRE) cung cấp.

Theo báo cáo do Công ty dịch vụ bất động sản JLL công bố, dân số ngày càng trẻ hoá, đô thị lại quá đông khiến “người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẵn sàng chia sẻ tài sản của mình và nhận tài sản chia sẻ từ người khác”. Vì dự kiến người dân đô thị tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia tăng nhanh nhất trong hơn 15 năm tới, các nhà vận hành mô hình sống chung đang đổ tiền vào đầu tư ở các nước này.

JLL lưu ý rằng, Ấn Độ nơi có hơn 35 triệu sinh viên ở trọ nhưng chưa hề có một nhà cung cấp chỗ ăn ở cho sinh viên, do đó đang trở thành đất nước tiên phong trong xu hướng sống chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các nhà khai thác và phát triển nhà đất đang bắt tay vào lấp những chỗ trống đó trên thị trường nhà đất. Một cơ sở “co-living” chuẩn phải có không gian chung (phòng khách, phòng bếp) để mọi người cùng chia sẻ và một không gian riêng cho từng thành viên. Tất cả các hóa đơn hay chi phí phát sinh đều được chia sẻ với nhau rất sòng phẳng.

Mô hình sống chung bao gồm những hợp đồng cho thuê ngắn hạn và linh hoạt, có đầy đủ dịch vụ và trang thiết bị cho phép người dùng có thể chuyển đến ở ngay. Nó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho người đi thuê, các nhà vận hành, nhà đầu tư, mà còn giải quyết vấn đề cô đơn, tách biệt với xã hội vốn là nguyên nhân gây ra nhiều vấn nạn nghiêm trọng tới sức khoẻ của người dân tại các siêu thành phố trên thế giới.

Dịch vụ này không chỉ thu hút những người trẻ thu nhập thấp mà còn cả những hộ gia đình với suy nghĩ mở hay những người có công việc thu nhập cao như anh Jacob Justus, một đầu bếp làm việc tại nhà hàng gần khu nhà “co-living” mang tên Stey ở Bắc Kinh.

Justus cho biết, anh đã rất băn khoăn khi quyết định chuyển đến khu nhà Stey-Wangfujing vì lo ngại sẽ bị ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống riêng tư nhưng cuối cùng anh nhận ra trải nghiệm chung sống và giao lưu cùng các tư tưởng văn hoá khác nhau lại rất thú vị.

Justus chia sẻ rằng, mình dễ dàng kết nối với những người sống cùng, đồng thời, có thể chia sẻ những bài học làm bánh cho những người khác chung nhà hay tham gia các hoạt động xã hội tại nơi ở.

Nỗi lo sợ bệnh dịch mới

Tuy nhiên, mô hình này đang đối mặt với nhiều thử thách và trước mắt là dịch virus Corona mới đang lan rộng tại Trung Quốc và đang có nguy cơ lan ra toàn cầu. Vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh lan tràn, đặc biệt là đối với phần còn lại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo báo cáo vừa được công bố hôm 24/1 và được Công ty tư vấn JP Morgan đánh giá, “mối đe dọa virus Corona bùng phát nghiêm trọng chủ yếu tập trung vào ngành dịch vụ và ở toàn bộ khu vực châu Á”.

Virus chủng mới mang tên 2019-nCoV thường lây qua đường hô hấp đặc biệt là không kiểm soát được dịch tiết nước bọt của người mang bệnh nên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người khác. Việc nhiều người cùng chia sẻ không gian sống sẽ dễ dàng bị nhiễm bệnh nếu không có ý thức giữ gìn vệ sinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.