Đô thị

Điểm danh 10 tuyến đường Hà Nội ưu tiên tổ chức làn riêng cho xe buýt

16/11/2020, 14:41

Hà Nội dự kiến tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên 10 tuyến đường để nâng sức hút của vận tải khách công cộng...

img
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội thiết lập làn đường ưu tiên cho xe buýt là cần thiết nhằm đảm bảo tính đúng giờ, thu hút người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân sang dịch vụ vận tải khách công cộng - Ảnh minh họa

Theo kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng giai đoạn từ năm 2021-2030, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đảm nhận của xe buýt phấn đấu đạt 10,5% vào năm 2020 (tương ứng cần khoảng 2.500 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ). Tỷ lệ này sẽ đạt khoảng 16-18% vào năm 2025 (tương ứng cần khoảng từ 4.000 - 4.500 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ) và khoảng 25% vào năm 2030 (tương ứng cần từ 6.700 - 6.800 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ.

Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tổ chức 10 làn đường ưu tiên cho xe buýt. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 nghiên cứu để tổ chức 5 làn ưu tiên với tổng chiều dài gần 23km trên các tuyến đường: Hoàng Quốc Việt (2,5km), Trần Duy Hưng (1,7km), Xã Đàn (1,7 km); Võ Chí Công (4,7km); Võ Văn Kiệt (12km).

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện tại, trên địa bàn Hà Nội chỉ có tuyến BRT 01 (BX Yên Nghĩa - Kim Mã) được lưu thông trên tuyến đường riêng. Theo tính toán, nhờ được ưu tiên về hạ tầng lưu thông, tốc độ khai thác trung bình của BRT đạt khoảng 20km/h, trong khi đó, tốc độ của các tuyến buýt thường lưu thông trong làn hỗn hợp với phương tiện cá nhân hiện chỉ đạt khoảng 14km/h.

Giai đoạn 2026-2030, Hà Nội dự kiến tổ chức 5 làn ưu tiên với tổng chiều dài hơn 82km trên các tuyến: Nhổn - Hồ Tùng Mậu (5km), Ngọc Hồi - BX Thường Tín (9,3km), Trần Duy Hưng - Hòa Lạc (27km); Mỹ Đình - Nội Bài (25km, đoạn từ Bến xe Mỹ Đình - đường Phạm Hùng - đường Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - đường Võ Văn Kiệt - Sân bay Nội Bài), Thường Tín - Phú Xuyên (16km, dọc theo QL1 cũ).

Bên cạnh giải pháp thiết lập làn đường ưu tiên, Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổ chức hợp lý hóa mạng lưới tuyến xe buýt để tăng tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị; Số hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt.

Đồng thời, xây dựng các điểm trung chuyển kết nối mạng lưới tuyến xe buýt; triển khai các loại hình giao thông tiếp cận (xe đạp công cộng ...), các điểm trông giữ phương tiện cá nhân cho hành khách đi xe buýt,…

Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia Jica, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật, định hướng làn đường ưu tiên cho xe buýt của Hà Nội là hợp lý. “Khi có làn đường ưu tiên, vận tốc khai thác của xe buýt được duy trì, tính đúng giờ được đảm bảo, người dân mới yên tâm lựa chọn vận tải công cộng đi làm, đi học thay vì phương tiện cá nhân như hiện nay”, TS. Bình nói.

Cũng theo TS. Bình, ngoài 10 cung đường dự kiến, Hà Nội cũng có thể nghiên cứu làn ưu tiên cho xe buýt trên các tuyến đường đã và sắp được mở rộng như: Láng, Minh Khai - Trường Chinh,... và trong tương lai, những tuyến đường có từ 3 làn xe trở lên như Đại Cồ Việt cũng nên lập làn dành riêng cho xe buýt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.