Đường bộ

2 tháng, Bộ GTVT giải ngân hơn 10.700 tỷ đồng

02/03/2023, 15:45

Tính đến ngày 28/2/2023, Bộ GTVT đã giải ngân được 10.737 tỷ đồng (đạt 104% kế hoạch giải ngân tháng).

Giải ngân vượt kế hoạch

Thông tin về kết quả giải ngân tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT chiều nay (2/3), ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT) cho biết, theo kế hoạch các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký, khối lượng giải ngân 2 tháng đầu năm 2023 khoảng 10.318 tỷ đồng.

img

Ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT báo cáo tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT chiều nay (2/3). Ảnh: Tạ Hải.

Tính đến ngày 28/2/2023, Bộ GTVT đã giải ngân được 10.737 tỷ đồng (đạt 104% kế hoạch giải ngân tháng) và đạt 11,4% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (2.400/55.051 tỷ đồng, đạt khoảng 4,3% kế hoạch).

“Giá trị giải ngân 2 tháng đầu năm chủ yếu tập trung ở các chủ đầu tư, ban QLDA trực thuộc Bộ với khối lượng giải ngân khoảng 10.716 tỷ đồng, đạt 12,4% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 99,8% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT.

Tổng số kế hoạch vốn năm 2023 của Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 94.161 tỷ đồng.

Đến nay, Bộ GTVT đã giao và điều chỉnh chi tiết kế hoạch qua hai đợt cho các chủ đầu tư, ban QLDA với tổng số hơn 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%).

Trong đó, toàn bộ 54.549 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã phân bổ toàn bộ.

Mặc dù vậy, vẫn có 5 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức bình quân của Bộ, gồm: Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đạt 1,4% kế hoạch năm; Ban QLDA Đường thủy đạt 1,4%; Ban QLDA Đường sắt đạt 3,8%; Ban QLDA 85 đạt 7% và Cục Đường bộ VN đạt 9,8% kế hoạch năm”, ông Thái thông tin.

Về phía các chủ đầu tư khác (các sở GTVT, VEC, các trường…), lãnh đạo Vụ KH-ĐT cũng bày tỏ sự quan ngại khi tiến độ giải ngân hiện nay rất chậm.

Tính đến nay mới chỉ có 3/23 chủ đầu tư có giá trị giải ngân, gồm các Sở GTVT: Quảng Bình, Phú Thọ và Đồng Tháp với tổng giá trị giải ngân gần 21 tỷ đồng, chỉ đạt 0,3% kế hoạch năm.

Giải ngân lớn ở dự án cao tốc Bắc - Nam

Đề cập cụ thể đến tiến độ giải ngân của từng nhóm dự án, lãnh đạo Vụ KH-ĐT cho biết, giá trị giải ngân 2 tháng đầu năm chủ yếu tập trung tại các dự án cao tốc Bắc - Nam với giá trị 8.816 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 82% giá trị đã giải ngân của cả Bộ GTVT).

Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, giải ngân 1.174/17.889 tỷ đồng đạt 6,6% kế hoạch năm.

Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, giải ngân 7.641/45.266 tỷ đồng, đạt 16,9% kế hoạch năm.

Ngoài ra, các dự án trọng điểm, cấp bách, giải ngân 60/2.259 tỷ đồng, đạt 2,7% kế hoạch năm; Các dự án ODA, giải ngân 223/7.783 tỷ đồng, đạt 2,9% kế hoạch năm. Các dự án trong nước khác giải ngân 1.637/20.976 tỷ đồng, đạt 7,8% kế hoạch năm.

Thông tin thêm, ông Lê Quyết Tiến, Q.Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo kết quả tổng hợp, hiện tại, có 6 dự án giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong đó, nhóm các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt chậm do việc góp vốn chủ sở hữu của Công ty VINA2 và tiến độ thi công chưa đáp ứng kế hoạch.

Nhóm các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 có 4 dự án, gồm: Dự án đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Ban QLDA 2 là chủ đầu tư) do lựa chọn nhà thầu gói thầu XL2; XL3 chậm; Dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh (Ban QLDA 6 là chủ đầu tư) do tỉnh Quảng Bình chậm phê duyệt phương án bồi thường GPMB.

Cùng đó là dự án đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (Ban QLDA 7 là chủ đầu tư) do lựa chọn nhà thầu gói thầu XL1 chậm; dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (Ban QLDA Mỹ Thuận là chủ đầu tư) do các thủ tục tạm ứng hợp đồng chậm.

Đối với nhóm các dự án sử dụng vốn đầu tư công còn lại có dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột do chậm GPMB.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.