Xã hội

Điểm danh "nút cổ chai" tai tiếng giữa Thủ đô Hà Nội

31/03/2015, 13:03

Giữa Thủ đô Hà Nội, hàng ngày người đi đường phải hành xác tại các nút cổ chai, đặc biệt vào giờ cao điểm

1.1
Nút cổ chai thứ 3 tại ngã ba Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt. - Ảnh: Tùng Lâm

Bên cạnh những mặt tích cực trong công tác lập lại trật tự văn minh đô thị thời gian qua thì vẫn còn một số tồn tại kéo dài chưa giải quyết được. Một trong số đó, có thể kể đến những đoạn đường bị “thắt cổ chai" tai tiếng trên một số quận nội thành Hà Nội.

Những ngày này trong khi con đường Nguyễn Văn Huyên nối dài từ ngã tư Nguyễn Khánh Toàn - Nguyễn Văn Huyên tới ngã ba Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) được thông xe, thậm chí được tiếp tục liệt kê vào "top" con đường "đắt giá" nhất của Việt Nam thì, đoạn đầu của con đường này từ số 2 đến số 48 Nguyễn Văn Huyên tại nút giao với Hoàng Quốc Việt nhiều năm nay vẫn tồn tại một "nút cổ chai" với hàng chục ngôi nhà chưa được giải tỏa.

Nếu di chuyển từ phía Nguyễn Khánh Toàn tới Hoàng Quốc Việt, người và phương tiện buộc phải lưu thông vào "cổ chai" và xung đột giao thông với các phương tiện đi ngược chiều vì không có giải phân cách giữa như đoạn trước của đoạn đường này. Trong khi đó, dãy nhà đầu tiên tạo nên "nút cổ chai" này lại được một khoảng sân rộng hàng chục mét trước cửa để làm chỗ đỗ xe, kinh doanh dịch vụ nhà hàng.

Rời lên phố Tôn Đức Thắng, đoạn hè thông thoáng chạy dài suốt từ UBND quận Đống Đa thì tới số nhà số 27 Tôn Đức Thắng, bị một "barie" bằng tường gạch chặn ngang. Người đi bộ muốn đi qua phải bước thật cao nếu không muốn "vồ ếch". Trong khi đó, chủ số nhà 27 lại trưng dụng làm chỗ để xe máy riêng cho cửa hàng. Loại gạch lát ngoài hè lẽ ra phải là loại gạch hình tổ ong theo quy định cả dãy phố thì chủ nhà cũng cho mình một đặc quyền lát gạch men kiểu riêng như "khẳng định" đó là chủ quyền nhà mình chứ không phải địa phận hè phố?

Đáng nói, đầu hè phố tại số nhà 27 này được đổ bê tông là phần đua của ban công tầng 2 được chống bằng 2 cột bê tông vững chãi phía dưới. Công trình này gây mất mỹ quan, mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông cả dưới đường lẫn trên hè phố. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì vẫn tồn tại thời gian dài và không bị lực lượng chức năng xử lý.

2.1
Nhà số 27 Tôn Đức Thắng có "đặc quyền" về hè phố riêng? - Ảnh: Tùng Lâm

Cách đó không xa, tại nút giao Xã Đàn - Kim Liên mới - Phạm Ngọc Thạch, số nhà 188 Xã Đàn cũng tạo nên một "nút cổ chai" vô cùng khó chịu với người tham gia giao thông lưu thông từ phía Hầm Kim Liên tới ngã ba trên. Đặc biệt, đây còn là một nút giao thông có thể coi là "điểm nóng" ùn tắc mỗi lúc tan. Đáng nói, khi mở rộng đường mới Kim Liên - Xã Đàn thì nhiều nhà từ đình Kim Liên đến ngã ba trên đều được giải phóng mặt bằng, lùi vào trong để nhường vị trí cho việc mở rộng đường và làm hè phố, thế nhưng đến số nhà 188 Xã Đàn thì "tắc" lại.

Theo quan sát của phóng viên tại số nhà nói trên thì cửa hiệu kinh doanh phụ kiện ô tô sát vách thường xuyên tận dụng chỗ để trưng các loại đèn nháy, đèn led trang trí ô tô để quảng cáo và thu hút người đi đường. Điều này dễ gây mất tập trung và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Cửa hàng này còn tổ chức dịch vụ rửa xe gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới người tham gia giao thông. Trong khi đó, chủ số nhà 188 Xã Đàn thì vẫn có hoạt động buôn bán bình thường.

3.1
Nút cổ chai do số nhà 188 Xã Đàn. - Ảnh: Tùng Lâm

Theo một nguyên lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, riêng công trình nhà này, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có đề xuất các cấp có thẩm quyền để xem xét xử lý, giải tỏa. Thế nhưng, có thể vì ngại "đụng chạm" nên công trình đến nay vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" và gây nên một điểm giao thông bị "thắt cổ chai" nổi tiếng của Hà Nội.

Cũng cần kể tới "nút cổ chai" tại số 8 Lê Trực (quận Ba Đình) vừa được giải tỏa. Đoạn đường mới Sơn Tây được thông xe nối từ Trần Phú đến Nguyễn Thái Học, được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang và sạch đẹp. Thế nhưng, căn nhà số 8 Lê Trực (giao Trần Phú và Sơn Tây mới) nằm án ngữ giữa phố tạo nên một "nút cổ chai" cản trở tới gần 1/2 làn đường bên phải (từ Trần Phú đi lại).

Với quyết tâm lặp lại trật tự văn minh đô thị cho Thủ đô thì không có lý gì cả con đường, cả một dãy phố đều giải tỏa để làm đường giao thông được thì một hoặc vài số nhà lại "được" tồn tại một cách khó hiểu gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.