Hồ sơ tài liệu

Điểm lại những vụ cá chết hàng loạt trên thế giới

26/04/2016, 16:16
image

Nhật Bản, Mỹ, Mexico, Trung Quốc, Chile... đã từng xảy ra những vụ cá chết hàng loạt do ô nhiễm.

Zing_Ca_chet__Mexico_1

Hiện tượng cá chết hàng loạt đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. (Trong ảnh: Khoảng 50 tấn cá chết đã phủ kín một đầm nước ở Mexico buộc nhà chức trách nước này phải huy động hàng trăm người tham gia trục vớt. Nguồn ảnh: Zing)

Nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Mexico, Trung Quốc, Chile... đã ghi nhận các vụ cá chết hàng loạt mà nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước.

Cá chết do nhiễm độc thủy ngân ở Nhật Bản 

ảnh 1

Shinobu Sakamoto – một trong những nạn nhân Nhật Bản mắc bệnh Minamata sau khi ăn phải cá nhiễm bệnh. (Ảnh: Masaru Komiyaji)

Năm 1956, thế giới chứng kiến một căn bệnh lạ xuất hiện ở thành phố Minamata, tỉnh Kumamoto của Nhật Bản do ăn phải cá nhiễm độc. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường run không kiểm soát, tê chân tay, hạn chế tầm nhìn, co giật và đau đớn. Ngay sau đó, người ta đã lấy luôn tên của thành phố đặt cho căn bệnh lạ này. 

Trường hợp bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận đầu tiên vào ngày 21/4/1956 khi một bé gái 5 tuổi mắc những triệu chứng nghiêm trọng như không thể nói chuyện, đi lại hay ăn uống. Kèm theo đó là hàng chục trường hợp khác phải nhập viện với những triệu chứng tương tự như bé gái 5 tuổi nói trên.

ảnh 2

Bảo tàng bệnh Minamata ở Nhật Bản trưng bày các hình ảnh về người mắc bệnh. (Ảnh: Masaru Komiyaji)

Mãi đến năm 1968, chính phủ Nhật Bản mới chính thức thông báo chất thủy ngân hữu cơ (methyl mercury) trong chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso là nguyên nhân gây ra căn bệnh lạ Minamata. Các dòng nước thải ô nhiễm của nhà máy này đã xả thẳng ra biển gây nhiễm độc cá và những người dân địa phương sau khi ăn những con cá nhiễm độc này đã bị mắc bệnh.

100 tấn cá chết phủ kín sông Phủ Hà, Trung Quốc

Ngày 2/9/2013 bộ phận bảo vệ môi trường tỉnh Hồ Bắc phát hiện lượng cá lớn khoảng 100 tấn chết dọc 40km của con sông Phủ Hà đã được vớt lên bờ.

Nguyên nhân sự việc được xác định do một công ty hóa chất đã tiến hành xả chất thải amoniac ra sông Phủ Hà. Ngay sau đó, cơ quan môi trường tỉnh Hồ Bắc đã ra khuyến cáo người dân không nên ăn cá chết và cho biết nguồn nước không bị ảnh hưởng.

Phủ Hà

Cá chết phủ trắng mặt sông Phủ Hà, Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Zing)

Sau đó không lâu, Công ty Khoa học và Công nghệ Shuanghuan tỉnh Hồ Bắc đã bị đình chỉ hoạt động ngay sau khi thanh tra kiểm tra mẫu nước thải trong cống xả của công ty này cho thấy nồng độ amoniac thải ra môi trường của công ty này ở mức 196 mg/lít, vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Trung Quốc. Đây là nguyên nhân khiến cho lượng lớn cá bị nhiễm độc và chết hàng loạt.

Cá chết vì nước xả thải trực tiếp trong đầm Cajititlán, Mexico

Tháng 9/2014, người dân Mexico bất ngờ phát hiện hàng tấn cá chết trong đầm Cajititlán ở bang miền trung Jalisco. Các ngư dân, nhân viên cơ quan nông nghiệp và thậm chí cả lính cứu hỏa đã được huy động để thu hồi và tiêu hủy cá chết. Số lượng cá chết ước tính lên đến khoảng 50 tấn.

Người đứng đầu cơ quan quản lý môi trường của bang Jalisco, bà Magdalena Ruiz Mejía nêu rõ việc bảo vệ con sông yếu kém là nguyên nhân khiến cá chết, chứ không phải các nguyên nhân tự nhiên. Một cuộc điều tra đối với những cơ sở bị tình nghi xả thải trực tiếp vào đầm cũng đã được tiến hành ngay sau đó.

 Hàng nghìn con cá chết sau vụ nổ nhà máy hóa chất ở Thiên Tân

Giữa tháng 8/2015, một vụ nổ lớn ở nhà máy hóa chất tại thành phố cảng Thiên Tân, Trung Quốc đã gây ra nhiều thiệt hại cả người và của. Được biết, nhà máy hóa chất bị nổ là nơi lưu trữ đến 700 tấn chất độc cyanide. Và chỉ một tuần sau vụ việc này, người dân Thiên Tân phát hiện hàng nghìn con cá chết bị đánh trôi dạt vào bờ sông cách nơi vụ nổ xảy ra chỉ vài cây số.

Thiên Tân

Hình ảnh cá chết dày đặc bờ sông  sau vụ nổ nhà máy hóa chất Thiên Tân, Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Zing)

Chính quyền địa phương sau một cuộc điều tra đã khẳng định cá chết không phải do ô nhiễm sulfide hay cyanide rò rỉ từ nhà máy bị nổ.Tuy nhiên, lời giải thích này không xoa dịu được sự nghi ngờ của dư luận về vụ cá chết hàng loạt với vụ nổ nhà máy.

Khối lượng lớn cá chết ở Mỹ do El Nino

Vào khoảng cuối tháng 3/2016, hàng nghìn con cá chết trôi nổi suốt gần 50 km trong một khu đầm ở miền trung bang Florida, Mỹ. Nguyên nhân được đưa ra là do hiện tượng El Nino ở bang Florida khiến khí hậu thay đổi, điều kiện nguồn nước bị ô nhiễm.

Mỹ

Hiện tượng El Nino khiến hàng loạt cá chết ở bang Florida, Mỹ. (Nguồn ảnh: Zing)

Trước đó, nhiều vùng ở miền trung Florida có lượng nước mưa cao gấp 3 lần mức bình thường so với trước đây. Dòng nước này mang theo sự ô nhiễm vào dòng chảy của con sông, làm thay đổi hệ sinh thái ở đây. Hồi giữa tháng 3, nhiệt độ nước sông tăng đột ngột do hiện tượng tảo xanh và tảo nâu sinh trưởng mạnh, hút cạn oxy trong nước.

100.000 tấn cá hồi ở ven biển Chile chết bất thường

Đầu năm 2016, hiện tượng tảo biển đồng loạt nở hoa vì nhiệt độ tăng cao khiến số cá hồi chết ở Chile có thể đổ đầy 14 bể bơi Olympic, gây thiệt hại lên tới 800 triệu USD cho quốc gia Nam Mỹ này.

Nhà chức trách Chile cũng đã phát hiện hàng chục nghìn tấn cá mòi chết bất thường trên sông Queule, miền Nam đất nước trong khoảng trung tuần tháng 4.

chi le

Khoảng 10.000 tấn cá hồi ở ven biển Chile chết bất thường. (Nguồn ảnh: Zing)

Hãng tin Reuters dẫn lời nhà chức trách Chile cho biết, lượng cá chết tương đương 15 tới 20% tổng sản lượng cá hồi của Chile trong năm 2016 của nước này và gây thiệt hại lên đến 800 triệu USD cho nền kinh tế Chile.

Tảo biển nở hoa là hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến ở các vùng nước ngọt và nước mặt trên khắp thế giới, trong đó có Chile.

Theo các nhà khoa học, tảo sinh sôi mạnh là hậu quả từ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người. Nước thải từ các thành phố, nhà máy sản xuất hay trang trại nông nghiệp mang theo lượng lớn chất hữu cơ chảy ra sông, biển. Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho tảo và cũng có thể những hóa chất này chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của số lượng lớn cá.

>>>Xem thêm video cận cảnh ống xả thải khủng của Formosa:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.