Kinh tế

Điểm mặt các doanh nghiệp thoát "đáy"

27/10/2014, 12:56

Cùng với những tín hiệu vĩ mô tích cực, kết quả kinh doanh quý III khả quan của gần 300 doanh nghiệp niêm yết cho thấy, nền kinh tế đã dần vượt qua đáy.

Kinh tế vĩ mô cải thiện góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt độngẢnh: Liên Anh
Kinh tế vĩ mô cải thiện góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động

Tỷ lệ thua lỗ giảm mạnh

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa hoan hỉ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III với hơn 19 nghìn tỷ đồng doanh thu và 2.754 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt lần lượt 83% và 125% kế hoạch năm, tăng 51% và 81% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thị trường xây dựng, bất động sản vẫn ảm đạm, sản lượng thép xây dựng của HPG vẫn tăng gần 40% so với cùng kỳ 2013.

HPG là một trong số những doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh 9 tháng vượt cả kế hoạch năm (125%) với lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng sau ba quý. Cùng có lợi nhuận sau thuế 9 tháng cả nghìn tỷ đồng năm nay là FPT với 1.178 tỷ đồng; công ty cổ phần (CTCP) Hoàng Anh Gia Lai (HAG) 971 tỷ đồng… Một số “đại gia”, dù đến thời điểm này chưa có báo cáo tài chính quý III, song cũng chắc chắn nằm trong “câu lạc bộ nghìn tỷ” như Tập đoàn Vingroup (VIC), Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và một số ngân hàng như Công thương (CTG), Ngoại thương (VCB), Sài Gòn Thương Tín (STB)…

Ở diễn biến trái chiều, gần 50 doanh nghiệp báo lỗ quý III, với tổng lỗ hơn 750 tỷ đồng, tương ứng 18% phần lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại. Trong số đó, khoản lỗ của CTCP Than Cao Sơn - Vinacomin (TCS) đã lên tới 155 tỷ đồng, chiếm tới 20%, lũy kế 9 tháng lỗ hơn 202 tỷ đồng. Ngoài TCS, CTCP Hữu Liên Á Châu cũng ghi nhận khoản lỗ trên 135 tỷ đồng, lũy kế lỗ 412 tỷ đồng.

Theo khảo sát của Báo Giao thông, tính đến 25/10, đã có xấp xỉ 300 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán Hà Nội, TP HCM công bố báo cáo tài chính quý III. Kết quả cho thấy, bức tranh kinh tế đã bớt nhiều u ám khi số doanh nghiệp lỗ chưa đầy 50, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 15%, giảm nhiều so với tỷ lệ trên 20% của quý trước. Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này tạo ra trong quý III xấp xỉ 4 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng gần 12 nghìn tỷ đồng.

Kết quả hoạt động tích cực của gần một nửa doanh nghiệp niêm yết cũng trùng với đánh giá của nhiều tổ chức trong nước, quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam, biểu hiện qua một số tín hiệu như: Lạm phát thấp, mặt bằng lãi suất giảm dần, cán cân thanh toán thặng dư, tỷ giá ổn định…

Theo Báo cáo kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tốc độ tăng trưởng GDP quý III cao hơn gần một phần trăm so với quý trước (6,15% so với 5,25%); Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành và ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% (cùng kỳ tăng 6,8%); sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 8,3%); xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng tốt (13,2% và 12,1% so với cùng kỳ); tiêu dùng của người dân cải thiện…

Lãi cao nhưng không thực chất

Bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả hoạt động tích cực nhờ lợi thế về quản trị, điều hành, tài chính, thương hiệu, thị phần, đội ngũ nhân sự…, còn không ít trường hợp thu lãi đột biến nhờ những khoản “trên trời rơi xuống” - không đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính. Điều đó cho thấy, không nhiều doanh nghiệp chủ động vượt khó, tìm kiếm cơ hội trong khó khăn, không ít vẫn phải cậy nhờ “may rủi”, do đó hiệu quả doanh thu, lợi nhuận khó bền vững.

Điển hình như Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (VNE), lãi sau thuế riêng quý III tăng vọt lên 104 tỷ đồng, gấp 55 lần so với cùng kỳ 2013, xóa hết lỗ ở các quý trước và giúp 9 tháng đầu năm có lãi được 4 tỷ đồng. Kết quả này, một phần nhờ thanh quyết toán các công trình, song phần lớn khác là từ thoái vốn tại công ty con và kết thúc hợp đồng với tổng thầu, thực hiện hoàn nhập dự phòng phải trả với thu nhập gần 31 tỷ đồng.

Ngay cả doanh nghiệp của “Bầu Đức”, nguyên nhân giúp lợi nhuận quý III gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2013 là từ doanh thu tài chính lên tới 925 tỷ đồng, sau khi chuyển nhượng một phần quyền sở hữu tại ba công ty con là CTCP Phát triển nhà Hoàng Anh, Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar và Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai - Bangkok và bán CTCP Thủy điện Hoàng Anh Đắk Bia.

Tương tự, CTCP Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (NGC), lợi nhuận gấp 26 lần cùng kỳ chủ yếu nhờ khoản thu hồi tiền bồi thường và hỗ trợ di dời nhà máy Ngô Quyền; CTCP Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC), doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ bán tài sản cố định và nhượng toàn bộ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật…

Thảo Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.