Doanh nghiệp

Điểm mặt các dự án của TKV đội vốn, lỗ nghìn tỷ

21/03/2017, 08:09

Tính đến giữa năm 2016, 62/448 dự án “khủng” do Tập đoàn Than khoáng sản đầu tư bị dừng triển khai, chậm tiến độ...

4

Dự án cảng Kê Gà với vốn đầu tư dự kiến 3.768 tỷ đồng phải tạm dừng hoạt động

Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến giữa năm 2016, 62/448 dự án “khủng” do Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) đầu tư bị dừng triển khai, chậm tiến độ khiến khoản vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng nằm “chôn chân”, trong đó hàng trăm tỷ đồng có nguy cơ mất trắng. 

14 dự án dừng triển khai, hàng trăm tỷ đồng khó lấy lại

Tính đến 30/6/2016, TKV đang quản lý 448 dự án đầu tư, trong đó 23 dự án nhóm A, 65 dự án nhóm B và 360 dự án nhóm C, tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 205.861 tỷ đồng. Trong đó, 127 dự án đã hoàn thành giá trị thực hiện hơn 16.703 tỷ đồng (xấp xỉ 8%); 321 dự án đang triển khai tổng mức hơn 189.157 tỷ đồng. Trong tổng nguồn vốn đầu tư hơn 125.438  tỷ đồng, vốn tập đoàn hơn 24.950 tỷ đồng, Ngân sách Nhà nước hơn 563 tỷ đồng, vốn khác hơn 6 tỷ đồng, còn lại hơn 93.706 tỷ đồng là vốn vay.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, đã có 14 dự án với tổng mức đầu tư 6.773,7 tỷ đồng phải tạm dừng thực hiện. Do đó, nhiều khoản chi phí chuẩn bị triển khai dự án hàng trăm tỷ đồng đến nay đã không thể thu hồi.

Điển hình như Dự án đầu tư cảng Kê Gà. Theo Quyết định đầu tư được phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư 3.768 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2013-2015, quy mô 3,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sau khi “rót” gần 29 tỷ đồng vào dự án này, tập đoàn lại báo cáo Bộ Công thương trình Chính phủ dừng thực hiện và đã được Chính phủ chấp thuận khiến chi phí đầu tư ban đầu mất trắng.

Tương tự là dự án Nhà máy Nhiệt điện Lý Sơn, Quảng Ngãi, có tổng mức đầu tư 352 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2009. Chủ đầu tư cũng đã chi ra 14,78 tỷ đồng cho đền bù giải phóng, san gạt mặt bằng, chi phí khởi công, xây dựng các công trình phụ trợ... song đến giữa năm 2012, Tập đoàn lại báo cáo Bộ Công thương đề xuất dừng dự án.

Hay dự án Trạm biến áp và đường dây cao thế 110KV tại Công ty Luyện đồng Lào Cai, có tổng mức đầu tư hơn 92 tỷ đồng, đã giải ngân 542 triệu đồng, song cũng dừng vô thời hạn...

Kết quả thanh tra cho thấy, năng lực thẩm định dự án của TKV và các thành viên rõ ràng “có vấn đề” khi không đánh giá được tính khả thi, hiệu quả của dự án.

5
48 dự án TKV làm chủ đầu tư tổng mức 97.506  tỷ đồng chậm tiến độ, nhiều dự án vốn đội gấp 2, 3, thậm chí gấp 5 lần (Trong ảnh: Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ)

48 dự án tổng mức 97.506 tỷ đồng chậm tiến độ

Cũng liên quan đến năng lực thẩm định, thực tế cho thấy, rất nhiều dự án “khủng” khác của tập đoàn bị chậm tiến độ, đội giá do chủ đầu tư không lường hết được các yếu tố tác động trong quá trình triển khai như yếu tố kỹ thuật (nhiều dự án buộc phải thay đổi công nghệ, công suất, thiết kế); chính sách thuế (thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu); chi phí (phí môi trường, phí nhân công, trượt giá)... Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, năng lực quản trị, kiểm tra, giám sát dự án của chủ đầu tư cũng chưa tốt.

Hơn 100 tỷ đồng đầu tư ra nước ngoài chưa biết “ngày về”

Trong hoạt động đầu tư tài chính, đáng chú ý, 4 dự án đầu tư ở nước ngoài của TKV trong tình trạng “liểng xiểng”. Cụ thể, TKV đã góp gần 120 tỷ đồng vào các liên doanh ở nước ngoài, song đến nay giá trị thu về gần như bằng không. Như Công ty liên doanh khoáng sản Stung Treng tại Campuchia, TKV đã góp vốn 55,8 tỷ đồng (chiếm gần 70% vốn điều lệ), song dự án đã dừng triển khai ngay trong giai đoạn đầu tư; Bộ Công thương hiện đã có ý kiến thông qua để giải thể công ty. Hay Công ty Southern Mining - Campuchia, TKV góp 61,9 tỷ đồng từ năm 2008 (chiếm gần 73% vốn điều lệ), sau khi chuyển nhượng giá trị vốn góp chỉ thu được số tiền 10,9 triệu đồng, lỗ 61,8 tỷ đồng...

Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra, 48 dự án với tổng mức đầu tư hơn 97.506  tỷ đồng của TKV không đạt tiến độ theo quyết định đầu tư phê duyệt. Trong đó, công ty mẹ - tập đoàn chiếm phần lớn là 43 dự án, tổng mức đầu tư hơn 92.618 tỷ đồng; Tổng công ty Khoáng sản TKV 5 dự án, tổng mức hơn 4.888 tỷ đồng.

Trong đó, phải kể đến hai dự án điển hình là Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng và Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ như Báo Giao thông đã phản ánh (tiến độ chậm 4 năm và 6 năm; vốn đội thêm 7.626 tỷ đồng và 13.536 tỷ đồng lên lần lượt lên 15.414,4 tỷ đồng và 16.821 tỷ đồng (gấp 2 và gấp 5 lần so với phê duyệt). Sau 3 năm vận hành, (2013-2016), dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng đã lỗ 3.696 tỷ đồng - gấp hơn hai lần kế hoạch... lỗ ban đầu!

Ngoài ra, có thể kể ra vô số dự án chậm tiến độ, đội vốn tương tự. Chẳng hạn, dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm III, Công ty than Khe Chàm, đã chậm tiến độ 5 năm (từ 2006-2011 lên 2006-2016); tổng mức đầu tư tăng gấp 2 lần từ 2.768 lên 5.344 tỷ đồng.

Dự án khác là Khu liên hợp gang thép Lào Cai, từ mức đầu tư ban đầu 1.499 tỷ đồng đã tăng lên 1.955 tỷ đồng (tăng hơn 455,8 tỷ đồng). Dự án này khởi công từ 2009, dự kiến hoàn thành năm 2013, song đến nay đã tạm dừng thực hiện và điều chỉnh mục tiêu, quy mô của dự án.

Dự án Khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ - tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai, đến nay chậm tiến độ hai năm, tổng mức đầu tư tăng từ 1.003 tỷ đồng lên 2.564,7 tỷ đồng (gấp 2,55 lần)...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.