Doanh nghiệp

Điểm mặt những doanh nghiệp niêm yết lỗ "khủng"

18/08/2014, 06:09

Kết quả kinh doanh quý II của gần 300/600 doanh nghiệp (DN) niêm yết đã công bố cho thấy, vẫn còn hơn 10% DN rơi vào tình cảnh thua lỗ triền miên với khoản lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ.

Chi phí lãi vay vẫn là một gánh nặng không nhỏ với nhiều doanh nghiệp niêm yết
Chi phí lãi vay vẫn là một gánh nặng không nhỏ với nhiều doanh nghiệp niêm yết


Lỗ triền miên 


Công ty cổ phần (CTCP) Hữu Liên Á Châu (mã chứng khoán HLA) vừa công bố báo cáo tài chính quý III (1/4-30/6/2014). Theo đó, lũy kế đến 30/6/2014, tổng khoản lỗ của HLA lên tới 593,7 tỷ đồng, làm vốn chủ sở hữu âm tới 104,6 tỷ đồng. Vay và nợ ngắn hạn của doanh nghiệp, dù đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm (giảm 355 tỷ đồng), song vẫn còn hơn 789 tỷ đồng. HLA là một trong số những doanh nghiệp niêm yết thua lỗ triền miên, đến mức khoản lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ. 

* Dẫn đầu các doanh nghiệp niêm yết về khoản lỗ đến thời điểm này là Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVX): 1.226 tỷ đồng trong 6 tháng và 3.292 tỷ đồng lũy kế từ trước đến nay. Tuy nhiên, do có vốn điều lệ tới 4.000 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu của PVX vẫn còn 7.870 tỷ đồng.  

 

* Bên cạnh những doanh nghiệp khó khăn kể trên, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014 của gần 300 doanh nghiệp niêm yết cho thấy, nhiều đơn vị đã có kết quả hoạt động khả quan hơn cùng kì năm ngoái. Theo thống kê sơ bộ, có gần 50% doanh nghiệp có lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng hơn cùng kì năm trước. 

DN rơi vào tình trạng tương tự là Công ty CP Vật tư tổng hợp & Phân bón hóa sinh (HSI). Tính đến 30/6, HSI lỗ gần 26 tỷ đồng và bước sang quý thứ 6 thua lỗ liên tiếp với tổng giá trị thua lỗ 103,59 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Còn Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), tính đến hết 30/6/2014 đã có tròn 10 quý liên tiếp hoạt động kinh doanh thua lỗ với khoản lỗ lũy kế 381,57 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu đến 158 tỷ đồng. Và nếu trong năm 2014, VST không khắc phục được khó khăn thì cổ phiếu này sẽ buộc phải rời sàn vì doanh nghiệp có tới ba năm thua lỗ.

Có thể kể thêm nhiều doanh nghiệp khác nữa có tình cảnh thua lỗ từ quý này sang quý khác với khoản lỗ lũy kế vượt hoặc chiếm tỷ trọng lớn so với vốn điều lệ giống HLA, HSI hay VST, như: Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn (BKC) lỗ quý thứ 11 liên tiếp, tính đến 30/6 khoản lỗ 47,35 tỷ đồng chiếm hơn 50% vốn điều lệ thực góp của công ty; Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Trung (PXM) lỗ lũy kế tới 287,9 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 135 tỷ đồng; Công ty CP Văn hóa Phương Nam (PNC) lỗ quý thứ 7 liên tiếp kể từ quý 4/2012…


Vay nợ lớn, chi phí vốn cao


Nhìn lại những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, có thể thấy, ngoài nguyên nhân môi trường kinh doanh chung vẫn còn nhiều khó khăn thì đa phần đều có nợ vay lớn. Đơn cử như Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), vay nợ ngắn và dài hạn lần lượt là 196,56 tỷ đồng và 1.878 tỷ đồng trong khi khả năng thanh toán ngắn hạn chỉ ở mức 0,62 lần.

Hay Công ty CP Hữu Liên Á Châu (HLA), tỷ lệ nợ/tổng tài sản lên tới 85% khiến chi phí lãi vay “ăn mòn” kết quả kinh doanh. Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Trung (PXM), vốn chủ sở hữu âm 135 tỷ đồng trong khi vay nợ ngắn hạn vẫn ở mức 104 tỷ đồng, khả năng thanh toán chỉ ở mức 0.64 lần.

Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS), 6 tháng qua lỗ gần 87 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng chi phí lãi vay đã lên tới 43 tỷ đồng. Tính đến 30/6, tổng nợ phải trả của VOS gần 3.948 tỷ đồng, tuy đã giảm nhẹ so với đầu năm song vẫn cao gấp 3 so với vốn chủ sở hữu ở mức 1.125 tỷ đồng.

Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh trong suốt thời gian dài vừa qua, nhưng có thể nói chi phí vay vẫn là một trong những áp lực không nhỏ trên vai nhiều doanh nghiệp.


Theo thống kê sơ bộ trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM, tính đến cuối tháng 7, có gần 300/600 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2014, trong đó, gần 40 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, chiếm tỉ lệ hơn 10%.

Đó là chưa kể, có gần 20 doanh nghiệp “thoát lỗ trong gang tấc” nhờ những khoản “lợi nhuận khác” - nghĩa là những khoản lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, hoặc có được một cách bất ngờ, như thanh lý tài sản, bán xe hay bán khách sạn...

Mặc dù những khoản lợi nhuận khác đã làm đẹp báo cáo tài chính, cải thiện hoạt động của doanh nghiệp, song có một thực tế là bấp bênh, thiếu bền vững. 

Thảo Nguyên
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.