Xã hội

Điểm nóng “cát tặc” sông Kinh Thầy giờ ra sao?

14/06/2020, 06:25

Ký ức về “điểm nóng” cát tặc đã dần lùi xa, cuộc sống của người dân nơi đây ngày một khấm khá, đi lên.

img
Kinh tế phát triển, có gia đình ở thôn Tân Lập đã sắm được ô tô riêng

Từ một bãi thoi hoang vắng nằm giữa mênh mông sông nước, nhờ giao thông kết nối, đánh đuổi được nạn “cát tặc”, thôn Tân Lập, xã Kênh Giang (nay thuộc phường Văn Đức), TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương giờ đây đã vượt qua nghèo đói.

Ký ức một thời nghèo nhất tỉnh

Những ngày trung tuần tháng 6, đưa PV Báo Giao thông đi thăm khu trang trại rộng gần 10ha với hàng trăm cây bưởi, hồng xiêm, nhãn, mít, đu đủ, sắn dây, ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Tân Lập, phường Văn Đức, TP Chí Linh) vui mừng khoe: “Năm nay hoa trái được mùa, chỉ tính từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thu được gần 300 triệu đồng chưa kể đến việc thu hoạch cá, kinh doanh máy xúc và dịch vụ vận tải nữa. Năm vừa qua, tôi đã cho con gái lớn đi du học ở Hàn Quốc”.

Chia sẻ về dự tính trong năm 2020, ông Sơn cho biết, sẽ tiếp tục vay vốn đầu tư thêm máy móc để mở rộng phát triển trang trại theo hướng hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ngẫm lại cảnh sống nghèo khó, bị “cát tặc” bủa vây gần chục năm về trước, ông Sơn bảo, bản thân ông cũng không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cuộc sống ngày hôm nay của gia đình mình cũng như của người dân trong thôn. Ông kể, năm 2012, tìm mỏi mắt trên bản đồ sẽ không bao giờ tìm thấy địa danh thôn Tân Lập. Khi ấy, toàn thôn là một bãi thoi nằm lọt thỏm giữa bốn bề sông nước Kinh Thầy thuộc xã Kênh Giang, thị xã Chí Linh. Toàn xã Kênh Giang lúc ấy chỉ vỏn vẹn có 2 thôn là thôn Nam Hải và thôn Tân Lập. Do điều kiện địa lý, thôn Nam Hải tập trung đông dân cư hơn và điều kiện phát triển kinh tế cũng tốt hơn, còn hầu như không ai biết về sự tồn tại của thôn Tân Lập.

Những người cao tuổi ở đây kể lại, người dân Kênh Giang vốn gốc là dân chài lưới phiêu dạt từ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương về đây lập nghiệp từ trước năm 1945. Sau hình thành lên xóm nhỏ vạn chài, nay là thôn Tân Lập tại bãi soi giáp với xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn.

Ông Nguyễn Văn Vụ, Phó trưởng thôn Tân Lập kể, khoảng chục năm trước, thôn Tân Lập “nổi tiếng” nhất tỉnh với sự nghèo khó dù ruộng đất bao la, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 300.000 đồng/người/tháng, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Xã Kênh Giang là xã nghèo nhất huyện, nghèo nhất tỉnh và nằm trong top 300 xã nghèo nhất cả nước.

“Thôn Tân Lập như một “hoang đảo” do không có đường giao thông nối liền với các xã lân cận”, ông Vụ nói và cho biết, đến năm 2009, người dân địa phương đã tự nguyện bỏ công sức đắp bờ làm đường giao thông.

Tuy nhiên, do là đường đất, không được tu bổ thường xuyên nên hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng.Việc đi lại, sản xuất của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào những ngày mưa gió. Sau trận mưa to, những con đường đất trong thôn trở nên lầy lội. Trục đường chính của thôn Tân Lập có chiều dài 1.886m, rộng từ 2 - 2,5m, cỏ mọc um tùm, nhiều chỗ lối đi chỉ còn gần 1m.

Anh Phùng Văn Tuấn, sinh ra và lớn lên ở đây gần 30 năm nên đã chứng kiến nỗi vất vả mưu sinh của bà con nông dân khi phải đi lại trên con đường này. Đầu năm 2014, thôn có người bị gãy chân do tai nạn lao động. Trời mưa, đường trơn, người dân phải huy động thanh niên đưa người bị nạn lên xe kéo đẩy ra đến chân đê mới được chuyển sang xe ô tô đưa đi viện cấp cứu.

Anh Tuấn cho biết: “Không chỉ vào mùa mưa, những ngày khô ráo, người dân cũng rất vất vả đi lại trên những con đường gồ ghề, bụi bặm. Khổ nhất là học sinh phải đi học mỗi ngày. Khi về đến nhà, quần áo đã lấm lem bùn đất. Hay những lúc trong thôn có người chết, người dân phải mất một ngày để phát cỏ và san đường thì mới đưa được quan tài ra khu chôn cất vì đường quá hẹp và thường xuyên bị sụt, lún”.

Tương lai khởi sắc

img
Không còn lo lắng trước nạn “cát tặc”, người dân thôn Tân Lập yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế

Là vùng đất cuối tỉnh, hoang vắng với dòng sông Kinh Thầy uốn khúc chảy quanh, hơn 10 năm về trước, thôn Tân Lập là địa bàn nhức nhối bởi nạn khai thác cát trái phép.

Thời điểm đó, hàng chục chiếc tàu hút cát trái phép ở các nơi tập trung về đây “xẻ thịt” lòng sông cả ngày lẫn đêm. Những chiếc vòi hút cát xục thẳng vào vùng đất bãi khiến người dân vô cùng đau xót. Người dân Tân Lập khi ấy đã báo với chính quyền địa phương nhưng do lực lượng mỏng, đuổi ngày chúng lại tập trung làm vào ban đêm khiến một thời gian dài, hàng nghìn m3 đất bãi ven sông bị sạt lở, người dân mất đất để canh tác. Có thời gian, hàng chục con tàu hút cát tập trung khai thác xung quanh khu vực thôn Tân Lập. Ánh điện sáng, tiếng máy gầm rú trong đêm tối như một đại công trường trên sông. Hơn 10ha đất ven sông của thôn đã biến mất.

Ông Sơn cho biết: “Khi ấy người dân ở đây cảm thấy bất lực, không biết nhờ cậy vào ai. May mắn có một số phóng viên, nhà báo của Trung ương và địa phương đã có mặt kịp thời cùng ăn ngủ với người dân hàng đêm ghi nhận những tư liệu để phán ánh. Có những đêm, các đối tượng hút cát còn tổ chức người chặn đuổi, ném gạch, đá, chai lọ khi phát hiện thấy người mật phục”.

Trong cuộc chiến này, nhiều người dân đã bị đe dọa, trả thù. Ngay bản thân gia đình ông Sơn cũng bị kẻ xấu chặt trộm hơn 1.600 gốc sưa đỏ, hàng chục hốc sắn dây của các gia đình khác cũng bị phá hoạt nhưng người dân thôn Tân Lập không hề chùn bước.

Sau khi những thông tin về cát tặc tại thôn Tân Lập được đăng tải, lực lượng chức năng của tỉnh, của địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nạn hút cát trái phép ở đây đã không còn sau hơn 10 năm tồn tại.

img
Người dân thôn Tân Lập sống hòa đồng cùng thiên nhiên

Nhưng khởi sắc nhất cho Tân Lập là năm 2016, toàn bộ tuyến đường trong thôn được đầu tư bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Thôn Tân Lập hiện có 19 hộ dân với gần 100 người đang sinh sống. Công việc chính của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn thôn có 11,54ha trồng lúa, màu, gần 10ha trồng cây ăn quả.

“Giao thông thuận lợi, người dân cũng chủ động mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Một số gia đình đã mạnh dạn đào ao thả cá, mua sắm máy xúc, xe tải để phát triển dịch vụ vận tải, dịch vụ nông nghiệp tại địa phương và các vùng lân cận. Nhờ đó, kinh tế không ngừng phát triển”, ông Vụ cho hay.

Theo thống kê của UBND phường Văn Đức, TP Chí Linh, nếu như năm 2012, toàn thôn có 30% là hộ nghèo thì đến nay số lượng này chỉ còn 2%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 34 triệu đồng/năm. Một số hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điều kiện kinh tế phát triển, có nhà mua được ô tô con, trang thiết bị hiện đại, con cái được ăn học đầy đủ, có cơ hội đi xuất khẩu lao động, đi du học ở nước ngoài...

Ông Hoàng Quốc Thưởng, Bí thư Thị ủy Chí Linh, tỉnh Hải Dương khẳng định, nếu để so sánh với các địa phương khác của TP Chí Linh, thôn Tân Lập vẫn là vùng đất khó khăn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, người dân thôn Tân Lập đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền. Đường giao thông được nâng cấp, người dân được hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, thị xã đang nghiên cứu xây dựng một số mô hình kinh tế mới, phù hợp giúp người dân yên tâm sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.