Xã hội

Điểm sàn xét tuyển ĐH tất cả các khối thi là 15,5 điểm

12/07/2017, 10:46

Sáng 12/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn xét tuyến ĐH 2017 là 15,5 điểm. Điểm sàn cao nhất trong 3 năm qua.

điểm chuẩn ĐH

Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn xét tuyển ĐH cao nhất trong 3 năm qua - 15,5 điểm

Tại họp báo sáng ngày 12/7, ông Bùi văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT công bố điểm sàng năm nay là 15,5, tăng hơn so với năm 2016 là 0,5 điểm và là điểm sàn cao nhất từ khi áp dụng kỳ thi THPT Quốc gia.

Theo ông Ga điểm sàn được lựa chọn căn cứ vào các yếu tố như: Đảm bảo chất lượng vùng tuyển cho các trường đại học và đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường; sự dịch chuyển các vùng miền vì thực tế nhiều trường không tuyển được thí sinh vì nhiều thí thí sinh điểm cao về thành phố…

Điểm sàn cho tất cả khối thi là 15,5 là chưa nhân điểm số và điểm ưu tiên (điểm thi 3 môn)

Đây sẽ là mức điểm thấp nhất mà các trường ĐH và các trường cao đẳng sư phạm có thể tuyển sinh. Những thí sinh dưới mức điểm này sẽ không được tham gia xét tuyển. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc quy định điểm sàn nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh tình trạng các trường hạ điểm chuẩn quá thấp để tuyển sinh.

So với hai năm trước, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 có rất nhiều điểm mới. Thí sinh dự thi ngay tại các trường trung học phổ thông địa phương. Kỳ thi chỉ gồm 5 bài thi là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Trừ môn Ngữ văn thi tự luận, các bài thi theo hình thức trắc nghiệm.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH trước khi kỳ thi diễn ra, nhưng sẽ được điều chỉnh khi có kết quả thi.

Công bố của Bộ GD&ĐT cho thấy, điểm thi năm nay cũng cao hơn khá nhiều so với năm 2016. Sau khi Bộ GD&ĐT chốt điểm sàn, ngày 15/7, thí sinh sẽ có thể bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi thí sinh chỉ được thực hiện duy nhất một lần điều chỉnh. 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hầu hết các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ khoảng 4,5 – 6,5 điểm, giá trị của điểm trung bình gần sát với điểm trung vị, điều đó chứng minh tính chuẩn hóa của các đề thi trong kỳ thi THPTQG năm 2017. Ở một số bài thi, môn thi, có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối (10 điểm) nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống “hiếu học”. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt điểm 0 và điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 (điểm liệt) cũng tương đối lớn và có hầu hết ở các bài thi, môn thi. Điểm trung bình dưới 5 của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỉ lệ khoảng từ 40 – 60%. Điều này cho thấy phổ điểm được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, giảm thiểu đáng kể hiện tượng đoán mò trong các bài thi trắc nghiệm khách quan. Đặc biệt, với kết quả phân tích điểm nói lên tính khách quan, trung thực, công bằng trong công tác tổ chức thi THPT QG năm 2017. Đồng thời đây cũng là một kênh thông tin để phân loại chất lượng giáo dục phổ thông ở các vùng miền.

Tổng quát, có thể thấy rằng, từ dạng phổ điểm của các bài thi, môn thi cho thấy tính phân hóa, phân loại rõ rệt của từng môn thi thể hiện tính ưu việt của phương án đổi mới thi THPTQG hướng tới đánh giá năng lực toàn diện của người học, tránh hiện tượng đoán mò, học lệch, học tủ, đảm bảo công bằng khách quan, thuận lợi cho thí sinh, tạo sự ổn định cho xã hội.  Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích sâu hơn về phổ điểm sẽ làm cơ sở để Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, phục vụ kì thi THPTQG những năm tiếp theo ngày càng tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.