Hạ tầng

Điểm sáng từ những công trình giao thông trọng điểm

10/08/2020, 06:13

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên cả nước được các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh triển khai...

img
Thi công thảm bê tông nhựa Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Chào mừng Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ Bộ GTVT, từ nhiều tháng qua, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên cả nước được các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh triển khai, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Bộ GTVT.

Thi công xuyên đêm, không ngày nghỉ cuối tuần

Gần 23h đêm 6/8, dưới ánh đèn cao áp di động được lắp đặt sát chân công trường, hàng chục kỹ sư, công nhân của liên danh nhà thầu SUMITOMO - CIENCO4 vẫn miệt mài tổ chức thi công hạng mục thảm bê tông nhựa mặt cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Túc trực bên cạnh là đội ngũ cán bộ kỹ thuật dày dạn kinh nghiệm của Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư), tư vấn giám sát, nhà thầu để kiểm tra chất lượng nguồn vật liệu đầu vào, giám sát từng công đoạn thi công đảm bảo đúng thiết kế và các chỉ dẫn kỹ thuật.

Lau vội những giọt mồ hôi đang chảy xuống vạt áo, ông Thái Bình Dương, Phó giám đốc Ban điều hành nhà thầu CIENCO4 chia sẻ, công tác thi công thảm bê tông nhựa tại gói thầu số 1 đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế đang được tập trung tối đa. “Chúng tôi bố trí các mũi thi công làm cả ngày lẫn đêm để đẩy nhanh tiến độ. Hạng mục thảm bê tông nhựa dự kiến hoàn thành trước ngày 25/8”, ông Dương nói.

Chỉ tay về phía đoạn tuyến Cổ Nhuế - Nam Thăng Long (gói thầu số 2) do liên danh TOKYU - TAISEI đảm nhiệm, ông Phạm Anh Tú, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, đoạn tuyến này đã cơ bản hoàn thành công tác thảm bê tông nhựa, nhà thầu đang chuẩn bị thi công khe co giãn và hệ thống đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng 7 dự án và hoàn thành 24 dự án. Trong giai đoạn từ 2015 - 2019, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng 112 công trình và hoàn thành 230 công trình, trong đó có nhiều dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Cổ Chiên, cầu Hạc Trì, dự án nâng cấp mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cảng Lạch Huyện, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông…

“Đến nay, sản lượng toàn dự án đã đạt hơn 90%. Đây là công trình trọng điểm của Bộ GTVT sử dụng vốn vay ODA với tổng mức hơn 5.300 tỷ đồng sẽ hoàn thành đúng tiến độ theo hợp đồng vào dịp 10/10/2020, chào mừng kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng Thủ đô và Đại hội Đảng bộ các cấp”, ông Tú nói.

Ngoài cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Bộ GTVT đang chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai hàng loạt công trình giao thông trọng điểm khác, nhất là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Cụ thể, đối với 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) đến nay đã triển khai thi công đồng loạt các gói thầu xây lắp. Trong đó, hai dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2021 theo hợp đồng đã ký kết. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 là cầu lớn, kết cấu cầu dây văng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Đặc biệt, suốt gần 2 tháng qua, kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 117 ngày 19/6/2020 về việc chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công (Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết), không chỉ những đơn vị được giao quản lý dự án trực tiếp là Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 mà nhiều đơn vị tham mưu trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản khác thuộc Bộ GTVT đã phải làm việc không có ngày nghỉ cuối tuần để hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Kết quả đến nay, toàn bộ 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án đã được Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 phát hành hồ sơ mời thầu để chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.

“Chúng tôi đã huy động những cán bộ tinh nhuệ nhất làm ngày làm đêm để triển khai các thủ tục triển khai hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Chỉ chưa đầy hai tháng, hai dự án đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán, kế hoạch đấu thầu và đã phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 6/8”, ông Dương Viết Roãn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long chia sẻ.

Theo ông Roãn, một dự án thông thường trước đây phải mất khoảng 6 - 7 tháng để hoàn thành các thủ tục trên. Tuy nhiên, đối với cao tốc Bắc - Nam là dự án đặc biệt quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu phải tập trung nhân lực, làm việc khẩn trương với trách nhiệm cao nhất và chuẩn bị mọi điều kiện ngay từ đầu năm 2020 để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện. “Dự kiến cuối tháng 9/2020, các gói thầu đầu tiên của hai dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khởi công xây dựng đảm bảo đúng theo tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, ông Roãn nhấn mạnh.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng hàng loạt công trình

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bên cạnh 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đầu tư công đang được rốt ráo triển khai, 5 dự án cao tốc Bắc - Nam còn lại triển khai theo hình thức PPP, gồm: QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng đã được Bộ GTVT phát hành hồ sơ mời thầu nhà đầu tư từ cuối tháng 7/2020. Dự kiến tháng 12/2020, các dự án sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư để khởi công xây dựng vào đầu năm 2021.

Đối với 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, một dự án đã hoàn thành là tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, còn lại 13 dự án đang triển khai thi công theo tiến độ.

“Ngoài ra, Bộ GTVT đã khởi công hai dự án nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào ngày 29/6/2020 theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu”, Thứ trưởng Đông nói.

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ GTVT, nỗ lực không ngừng của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan, giai đoạn từ năm 2015 đến nay đã có hàng trăm dự án, công trình giao thông lớn nhỏ, trong đó có nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác. Ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ GTVT đã khởi công 13 dự án và hoàn thành 8 dự án, đạt 100% kế hoạch.

Bứt phá giải ngân vốn đầu tư công

Bằng việc triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm 2020, đến nay, kết quả giải ngân kế hoạch của Bộ GTVT đã đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết tháng 6/2020, Bộ GTVT đã giải ngân được 13.388/39.762 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch, trong khi bình quân chung của cả nước khoảng 30,2%. Đến hết tháng 7/2020, Bộ GTVT giải ngân được hơn 41%, dự kiến hết tháng 8/2020 đạt 57% và hết tháng 9 đạt khoảng 66%; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách được giao năm 2020.

Kết quả giải ngân đến thời điểm hiện tại có sự đóng góp rất lớn của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án “đầu tàu” được giao triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm, tổng vốn đầu tư lớn như: Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Ban QLDA7… Mục tiêu giải ngân năm 2020 của Bộ GTVT có đạt hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào các đơn vị này, bởi khối lượng giải ngân của mỗi ban chiếm khoảng 10% tổng giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT. Điển hình là Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (3.800 tỷ đồng), Ban QLDA7 xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, lớn nhất là Ban QLDA Thăng Long khi số vốn kế hoạch năm 2020 đã được giao lên tới 4.700 tỷ đồng.

Ông Dương Viết Roãn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, tính đến hết tháng 7/2020, đơn vị đã giải ngân được 2.840/4.700 tỷ đồng, đạt 60,4%, vượt 394 tỷ đồng so với kế hoạch đã đăng ký với Bộ GTVT. Dự kiến, trong tháng 8, Ban QLDA Thăng Long sẽ giải ngân thêm 1.833 tỷ đồng (bao gồm 1.351 tỷ đồng vốn bổ sung cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).

“Chúng tôi phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao trong năm 2020 và đang xin Bộ GTVT bổ sung thêm 800 tỷ đồng để giải ngân cho hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây”, ông Roãn nói và cho biết thêm, tổng giá trị giải ngân trong 5 năm qua của Ban QLDA Thăng Long đạt trên 15.219 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% giá trị giải ngân của Bộ GTVT.

Cũng theo ông Roãn, ngoài các dự án trọng điểm đang triển khai đảm bảo tiến độ, gồm cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, từ đầu năm 2020 đến nay, Ban QLDA Thăng Long đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều dự án quan trọng đảm bảo tiến độ, chất lượng như: Cầu Thịnh Long (Nam Định), QL217 giai đoạn 2 (Thanh Hóa), cầu Đà Rằng, cầu Sông Chùa trên QL1 (Phú Yên).

“Trong 5 năm qua, Ban QLDA Thăng Long đã hoàn thành 15 dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, trong đó có 8 dự án vượt tiến độ. Đặc biệt, là các dự án quan trọng quốc gia như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Hưng Hà, dự án mở rộng QL1 qua Phú Yên, QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu… góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước”, ông Roãn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.