Giao thông

Điểm tựa can trường của ngư dân trên biển Đông

02/11/2018, 08:31

Những chiếc tàu cứu nạn của TT Cứu hộ hàng hải khu vực II là “lá chắn”, điểm tựa vững vàng cho ngư dân...

12

Thuyền trưởng Sơn cùng thuyền phó Trần Duy Hòa (bìa phải) trên buồng máy tàu SAR 412

Vững vàng “điểm tựa” Hoàng Sa - Trường Sa

Sóng xô nhẹ mạn tàu, con tàu SAR 412 như nằm yên bình, thư thái bên mép cầu cảng Trung tâm Cứu hộ hàng hải khu vực II (Danang MRCC, Sơn Trà, Đà Nẵng). Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn tỉ mẩn cùng các thủy thủ kiểm tra từng thiết bị màn hình, ra đa… “Bình yên vậy, nhưng ngay khi có hiệu lệnh, cả tàu tức tốc lên đường. Chậm nhất 15 phút, tàu sẽ nhổ neo rời bến”, ông Sơn nói.

Ở tuổi gần 60, vị thuyền trưởng toát lên vẻ rắn rỏi, đậm chất biển cả, giọng nói hào sảng. Rảo đôi mắt về phía vùng cửa biển, ông Sơn như tường tận từng hành trình đạp sóng dữ, cứu người của tàu SAR mà ông ví như “gia đình thứ 2” của mình.

Với bề dày thành tích đạt được, năm 2013, Danang MRCC được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3. Từ năm 2013 đến nay, Chi bộ Danang MRCC liên tục được Đảng ủy Cục Hàng hải VN tặng thưởng Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Năm 2017, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương chứng nhận Chi bộ tiêu biểu cho Danang MRCC. Ngoài ra, Danang MRCC đạt nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ GTVT, TP Đà Nẵng về thành tích xuất sắc trong công tác cứu nạn hàng hải.

“Người hùng Hoàng Sa đấy!”, ông Hồ Xuân Phong - Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn (Danang MRCC) giới thiệu về “lá chắn thép” SAR 412 và vị thuyền trưởng ngang dọc khắp biển trời chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa. Còn nhớ chỉ riêng tháng 2/2015, thuyền trưởng Sơn 2 lần lèo lái tàu SAR 412 trực chỉ Hoàng Sa cứu tàu cá ngư dân gặp nạn, phá thế “vây ráp” của các tàu Trung Quốc uy hiếp. 15h45 ngày 10/2/2015, sau tiếng còi tàu hụ vang nơi cầu cảng, SAR 412 tức tốc đạp sóng, nhận nhiệm vụ cứu 2 tàu BĐ 95569TS do ông Trần Văn Quốc làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng và tàu BĐ 95427TS của ông Trần Kim Chung gặp nạn nơi vùng biển Hoàng Sa. “Tình thế quá cấp bách, cả hai tàu đều nguy kịch, Tàu 95569TS bị gãy trục láp, trôi dạt vào đá ngầm, có nguy cơ bị chìm. Trong khi tàu 95427TS bị phá nước, chìm tàu”, ông Sơn nhớ lại.

Trực chỉ vị trí tàu bị nạn cách Đà Nẵng trên 220 hải lý về hướng Đông, tàu SAR can trường đạp từng lớp sóng xô dồn. Đến sáng 11/2/2015, tàu SAR tiếp cận, cứu vớt các thuyền viên tàu BĐ 95427TS, sau đó tiếp tục đến khu vực tàu BĐ 95569TS để cứu 6 thuyền viên gặp nạn. Ông Sơn kể: “Sóng đánh mạnh, việc tiếp cận rất khó khăn. Khi phát hiện tàu Việt Nam, các tàu Trung Quốc liên tục vây ráp, hai tàu “kẹp” hai bên. Bên trên trực thăng quần lượn, uy hiếp. Tinh thần anh em rất tập trung, không hề giao động. Cả tàu dùng xuồng cao tốc và thúng chai để tiếp cận, lần lượt đưa ngư dân gặp nạn lên tàu”.

Ngay đêm 11/2/2015, tàu SAR 412 cập cầu cảng Danang MRCC, bàn giao 11 thuyền viên của 2 tàu bị nạn cho cơ quan chức năng. “Chưa kịp nghỉ ngơi, 10 ngày sau, Danang MRCC nhận thông tin chiều 21/10/2015, tàu cá số hiệu KH 96977 TS do thuyền trưởng Phan Thành Kim (trú huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) lèo lái đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa bất ngờ gặp giông lốc (ảnh hưởng của hoàn lưu bão Koppu) và chết máy. Tình thế nguy hiểm, các ngư dân mệt lả sau những giờ chống chọi bất thành, lương thực, nước ngọt vơi dần, ông Kim điện báo cứu nạn khẩn cấp.

Tàu SAR 412 được lệnh đạp sóng trực chỉ Hoàng Sa, tiếp cận tàu KH 96977TS sau hơn 15 giờ đồng hồ. Đang chuẩn bị công tác cứu hộ, cứu nạn, cả hai tàu cá và SAR 412 bất ngờ bị tàu Trung Quốc ngăn cản phi pháp. Trong vòng vây ráp, tàu SAR 412 vẫn bám trụ, linh hoạt vòng tránh khỏi các hành động “tạo cớ” của tàu Trung Quốc khi cố ý tăng tốc, cắt mặt rồi giảm tốc độ đột ngột, tạo tình thế để tàu SAR 412 đâm trực diện vào chúng… Đến 14h ngày 22/10/2015, biết không thể ngăn cản được sự kiên trì của tàu SAR 412, tàu Trung Quốc mới giãn vòng khiêu khích. Thuyền trưởng Sơn cho tàu tiếp cận thành công tàu cá KH 96977TS, tiến hành chăm sóc y tế cho các ngư dân. 

Sinh ra tại TP Vinh (Nghệ An), từ nhỏ thuyền trưởng Sơn đã đam mê nghiệp biển. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải Hải Phòng, từng đầu quân cho Công ty Vận tải sông biển Nghệ An và ngang dọc trên những con tàu viễn dương 20 năm. Đến giữa năm 2004, ông Sơn được lệnh đi tiếp nhận con tàu SAR 412 nhập khẩu từ Hà Lan để đưa về nước, trở thành con tàu cứu nạn hiện đại nhất của Việt Nam thời đó. Thấm thoát đã hơn 15 năm, chẳng có tọa độ biển nào của Việt Nam, ông Sơn không thông thuộc. Hàng nghìn hành trình SAR 412 như tạo thành tuyến đai “lá chắn thép” kịp thời cứu hộ, cứu nạn bảo vệ các tàu thuyền ngư dân, vận tải… Theo ông Sơn, tàu có 21 biên chế, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Phần lớn đều khá trẻ nhưng dày dặn sóng biển, đào tạo chính quy và tôi luyện qua những hải trình thực tế. “Cứu người không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh trái tim”, ông Sơn nói.

13

Cờ Tổ quốc tung bay trên tàu SAR 412

Rèn luyện ý chí

Ông Hồ Xuân Phong cho hay, cứu hộ hàng hải là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị. Danang MRCC duy trì trực 24/24h trên toàn hệ thống, kịp thời thu nhận và xử lý tất cả các thông tin thu nhận được liên quan đến các tai nạn sự cố hàng hải, không để xảy ra bất cứ sai sót nào làm chậm hoặc để lọt thông tin gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Thống kê từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận, xử lý trên dưới 100 thông tin liên quan cứu nạn hàng hải và đều hoàn thành nhiệm vụ.

Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28/8/2018 - 1/8/2019
(Thời gian tính theo dấu bưu điện)

Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội 

Email: cuocthigtvt@baogiaothong.vn Điện thoại đường dây nóng: 0914799709

Ghi rõ trên bì thư hoặc email: “Bài tham dự Cuộc thi Báo chí viết về giao thông vận tải” và thông tin cá nhân: Tên thật, địa chỉ, điện thoại, email để tòa soạn tiện liên lạc

Ông Bùi Tấn Nguyên, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Danang MRCC cho hay, chi bộ có gần 40 đảng viên. Công tác Đảng, chính quyền hòa quyện để phát huy tối đa tinh thần, hiệu quả công tác trong đơn vị.

Theo ông Nguyên, đặc thù công tác cứu nạn hàng hải, anh em “ăn sóng, nằm gió”, việc rèn luyện tinh thần, ý chí kiên định, bản lĩnh rất quan trọng. Các mô hình sinh hoạt, giao lưu, tuyên truyền pháp luật biển, hải đảo, chủ quyền được nhân rộng. Ngoài nâng cao nghiệp vụ cho CBCNV, Danang MRCC thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng phòng tránh, đảm bảo an toàn hàng hải cho ngư dân. Thống kê 5 năm qua, Danang MRCC tập huấn cho trên 2.000 đối tượng hoạt động trên biển về phương pháp cứu nạn, vị trí neo đậu tránh trú thời tiết xấu, tủ thuốc sơ cấp cứu y tế lên các tàu cá, tàu vận tải nhỏ; phát hàng nghìn phao tròn, phao áo cá nhân...

“Cứu người trực tiếp trên biển, ngoài ra đơn vị phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho người dân, chủ phương tiện để có thể hạn chế rủi ro tốt nhất khi khai thác trên biển”, ông Nguyên nói.

Ông Trần Trung Trung (Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu BĐ 95427TS bộc bạch: Đã hơn 3 năm, nhưng ngày được tàu SAR 412 cứu nạn ai trên tàu cũng khắc ghi. Giờ mỗi lần đi biển, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay, thấy tàu cứu nạn và “lá chắn thép” SAR 412, ngư dân thêm tin tưởng, can trường bám biển chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa.

Logo tai tro Dang baso DT
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.