Điện ảnh

Điện ảnh Trung Quốc hồi sinh chóng mặt sau đại dịch

09/09/2021, 06:00

Từ 9/2020, Trung Quốc vượt mặt Hollywood, trở thành thị trường rạp chiếu đầu tiên trên thế giới đủ tiêu chuẩn mở lại sau dịch Covid-19.

Đến nay, doanh thu phòng vé ở đất nước tỷ dân cũng vượt mức kỳ vọng.

Liệu điện ảnh Trung Quốc có được đà thừa thắng xông lên trong giai đoạn tới?

img

“Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings” là bộ phim về siêu anh hùng châu Á đầu tiên của Marvel

Tăng trưởng mạnh mẽ

Thống kê mới nhất của Công ty kiểm toán toàn cầu PwC cho thấy, tổng doanh thu ngành giải trí và truyền thông của Trung Quốc ước đạt khoảng 358,6 tỷ USD trong năm nay.

Dự tính đạt khoảng 436,8 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 5,1%, cao hơn tỷ lệ toàn cầu là 4,6%.

Riêng doanh thu của video trên nền tảng OTT dự kiến đạt 17,3 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 11,86%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Doanh thu phòng vé trong 7 tháng đầu năm giảm 15%, từ 5,5 tỷ USD năm 2019 xuống 4,7 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, Hollywood Reporter vẫn đánh giá, điện ảnh Trung Quốc không chỉ phục hồi ngoạn mục sau đại dịch mà còn hoạt động tốt hơn bao giờ hết.

Đơn cử, “Hi, Mom” (822,1 triệu USD), “Chinese Doctors” (3,9 tỷ USD) đều là minh chứng cho doanh thu vượt ngoài mong đợi của phòng vé đất nước tỷ dân.

Ngoài ra, có đến 8/10 phim đạt doanh thu cao nhất đều là phim nội địa, trong khi phim Hollywood nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc tỏ ra lép vế.

Hollywood Reporter cho biết, tính đến hết tháng 7/2021, chỉ có 13 phim Hollywood được phát hành tại Trung Quốc, so với 22 phim cùng thời điểm năm 2019. Các phim Hollywood chỉ thu về 700 triệu USD (năm 2019 đạt 2,1 tỷ USD; năm 2018 đạt 1,8 tỷ USD). Hai phim nước ngoài duy nhất góp mặt trong Top 10 là: “F9: The Fast Saga” và “Godzilla vs Kong”.

Bà Aileen Mo, đại diện của PwC Trung Quốc thừa nhận, ngành công nghiệp giải trí và truyền thông của Trung Quốc phục hồi nhanh hơn so với các nước trên thế giới sau đại dịch Covid-19.

“Khi các hoạt động được nới lỏng, dự án điện ảnh, âm nhạc và triển lãm thương mại sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021. Trong đó, thị phần doanh thu từ nền tảng OTT sẽ tiếp tục trên đà phát triển”, China Daily trích nhận định của bà Aileen Mo.

Điện ảnh Trung Quốc hưởng lợi khi quan hệ với Mỹ rạn nứt

img

“Eternals” của đạo diễn Chlóe Zhao gặp thế khó ở thị trường Trung Quốc

Từ khi đại dịch bùng nổ, nguồn cung phim Hollywood vào Trung Quốc vốn đã ít, nay càng giảm mạnh, trong khi thị trường phim ở quốc gia tỷ dân ngày càng tăng trưởng vũ bão. Hollywood Reporter tin rằng, Trung Quốc sau khi vượt qua Mỹ để trở thành thị trường phòng vé toàn cầu lớn nhất thế giới vào năm 2020, sẽ tiếp tục tăng trưởng, đạt 11 tỷ USD vào năm 2025.

“Mối tình” của điện ảnh Hollywood - Trung Quốc sẽ ra sao trong thời gian tới vẫn là dấu hỏi lớn của giới chuyên môn. Trong khi đó, điện ảnh Hollywood chỉ còn lại 3 tháng để tìm cách chiếm lĩnh thị trường tỷ dân, nâng cao doanh thu và lợi nhuận.

Nhìn nhận về thực trạng này, Variety cho rằng, hướng đi của chính quyền Trung Quốc về ngành công nghiệp điện ảnh là yếu tố quan trọng đối với cục diện điện ảnh Hollywood ở Trung Quốc.

“Sự bất đồng chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đã thúc đẩy các cuộc đàm phán trong ngành điện ảnh. Trung Quốc rất có thể có động thái “trả miếng” sau khi Mỹ chống lại ZTE, TikTok và Huawei của nước này. Thậm chí, một số bộ phim không liên quan đến chính trị, bao gồm “Jungle Cruise” và “The Suicide Squad” vẫn chưa có ngày phát hành ở Trung Quốc. Bộ phim khoa học viễn tưởng Dune có lợi thế hơn vì được sản xuất bởi Legendary Entertainment - công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Wanda, Trung Quốc. Nhưng giới chuyên môn vẫn không thấy sự mặn mà của nhà phát hành Trung Quốc”, cây viết Patrick Frater của Variety bình luận.

Đó còn chưa kể đến loạt phim lận đận ở thị trường tỷ dân vì nhiều nguyên nhân chủ quan. Chẳng hạn, “Eternals” của Marvel gặp khó khăn do có sự chỉ đạo của Chlóe Zhao.

Truyền thông quốc tế ca ngợi cô là đạo diễn gốc Á làm nên lịch sử nền điện ảnh, tương lai của điện ảnh châu Á… khi thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 93.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đều ngó lơ trước thông tin này. Trên The New York Times, Hung Huang - một nhà văn ở Bắc Kinh nhận định, việc tẩy chay Chlóe Zhao bằng truyền thông có vẻ như chính là kết quả của sự căng thẳng đang ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tương tự, “Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings” cũng không khiến khán giả Trung Quốc mặn mà vì là bộ phim về chính họ nhưng được làm qua lăng kính người Mỹ. “Space Jam: A New Legacy” gặp lận đận vì những bình luận trước đó của Hiệp hội Bóng rổ quốc gia Mỹ về tình hình chính trị Trung Quốc. Còn, “Top Gun: Maverick” được cho là bộ phim bành trướng thế lực của quân đội Mỹ…

Thực tế, vẫn còn quá sớm để khẳng định chiến lược chinh phục thế độc tôn của điện ảnh Trung Quốc. Dù kịch bản có ra sao, Hollywood Reporter vẫn tin rằng, về mặt bằng chung, Mỹ vẫn sẽ giữ vững tốc độ và xưng vương phòng vé thế giới ở mức 11,3 tỷ USD trong năm 2025.

Còn ở thị trường Trung Quốc, Variety dự đoán, các nhà quản lý sẽ phải quyết định xem có nên giúp đỡ chuỗi rạp chiếu phim của Trung Quốc bằng cách có gia tăng số lượng phim nhập khẩu của Hollywood hay không.

Hay, liệu trong thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị này, Mỹ có nên tránh né, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc doanh thu phòng vé gặp khó khăn.

Global Entertainment & Media Outlook nhận định, doanh thu phòng vé toàn cầu sẽ trở lại mức như trước đại dịch vào năm 2024 và dự kiến đạt 43,3 tỷ USD vào năm 2025. Doanh thu phòng vé thế giới trong năm nay có thể phục hồi lên mức 23 tỷ USD sau khi giảm xuống 12,4 tỷ USD vào năm 2020 và có thể đạt mức 41,6 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, con số này chưa thể vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2019 là 42,5 tỷ USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.