Điện ảnh

Điện ảnh Việt 2018 mỏi mắt tìm "nữ hoàng phòng vé"

22/10/2018, 07:39

Đến thời điểm hiện tại, phim Việt 2018 chưa lộ diện “nữ hoàng phòng vé” cũng như phim ra rạp đạt chất lượng...

28

Isaac và Liên Bỉnh Phát nhận được nhiều lời khen có cánh khi đóng chung trong “Song lang”

Khán giả ngán ăn lại món cũ

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất đã cho ra mắt 33 bộ phim nhưng mới chỉ có 4 phim thu về vượt ngưỡng 70 - 80 tỷ đồng là Siêu sao siêu ngố (đạo diễn Đức Thịnh) doanh thu 106 tỷ đồng, Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) doanh thu 85 tỷ đồng, Chàng vợ của em (đạo diễn Charlie Nguyễn) doanh thu 83 tỷ đồng và Lật mặt: 3 chàng khuyết (đạo diễn kiêm NSX Lý Hải) doanh thu 85,5 tỷ đồng. Trong khi đó, số lượng phim hòa vốn hay không dám công bố doanh thu phòng vé gấp nhiều lần con số vượt ngưỡng của năm. Cùng đó, nhiều phim như: Song lang, Nhắm mắt thấy mùa… có tính nghệ thuật cao nhưng không có doanh thu, tạo nuối tiếc cho giới chuyên môn. Đạo diễn Nhuệ Giang nhận xét: Song lang là một bộ phim đáng để xem. Bởi phim không chỉ khiến người xem trăn trở khi chứng kiến một môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đang có nguy cơ bị mai một mà người ta còn cảm nhận được tình yêu và văn hóa đậm chất Việt ở đó. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mổ xẻ, lý do phim Song lang vắng khách là do “cách truyền thông bộ phim đến với công chúng”, vì hầu hết khán giả xem xong đều cho rằng, bộ phim khác hẳn những gì họ suy đoán qua những thông tin trước đó. Có lẽ hầu hết khán giả tưởng rằng sẽ được xem một phim nhân “kỷ niệm 100 năm cải lương”, hay “phim tình yêu đam mỹ”, xác định vào rạp với tinh thần “ủng hộ phim Việt” chứ chưa chắc đã yêu thích trải nghiệm này. Nhưng hóa ra Song lang lại cho họ một trải nghiệm điện ảnh thực sự và có dư âm.

Từ giờ đến cuối năm sẽ có 12 phim ra mắt. Tháng 10, có phim Cha ma (Bá Vũ), Mặt trời, con ở đâu (Nguyễn Hữu Tuấn), Chuyến xe hạnh phúc (Huỳnh Đông), Quý cô hoàn hảo (Hoàng Duy). Tháng 11, phim Yolo của đạo diễn Phan Minh, chạy đua cùng Mỹ nhân thần sách của đạo diễn Nguyễn Phương, Tuyệt vời khi ở bên em của nữ đạo diễn Luk Vân và Thạch Thảo của đạo diễn Mai Thế Hiệp. Tháng 12, phim Hai Phượng của Ngô Thanh Vân, Gái già lắm chiêu 2 của cặp đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân, Trạng Quỳnh của đạo diễn Đức Thịnh và Hồn Papa, da con gái của đạo diễn Ken Ochiai - Nhà sản xuất Charlie Nguyễn.

Giải thích về việc số lượng phim 2018 vượt trội năm 2017, nhưng lại kém chất lượng và doanh thu phòng vé, đạo diễn Nhuệ Giang hé mở, các nhà làm phim chạy theo xu hướng thanh xuân. Hoặc nếu phim kinh dị thành công, liên tiếp các nhà sản xuất cũng sẽ làm theo vì hy vọng sẽ bắt đúng xu hướng đó. Bởi họ chỉ làm dòng phim thị trường, thậm chí như Galaxy (đơn vị sản xuất và phát hành phim nổi tiếng trong nước) còn tuyên bố không bao giờ làm phim nghệ thuật, dù có kịch bản tốt vì sẽ lỗ, không hợp thị hiếu của khán giả Việt. “Tuy nhiên, cũng vì chạy theo trào lưu mà không làm được tốt hơn những cái đã có, thì vẫn sẽ thua lỗ. Khi thua lỗ, các nhà làm phim sẽ không làm nữa, dòng phim đó cũng dần chìm vào quên lãng”, vị đạo diễn gạo cội này cho biết.

Còn đạo diễn phim Lô tô Huỳnh Tuấn Anh nhận định, năm 2016 là một vòng luẩn quẩn của phim hài, năm 2017 dòng phim remake lên ngôi thì đến năm 2018 đề tài tâm lý, tình cảm, chuyện tình tay ba lại được khai thác mạnh. Nếu tất cả các nhà sản xuất cùng bán một mặt hàng chất lượng gần giống nhau, thậm chí tệ hơn thì khán giả “ăn” nhiều sẽ chán.

Điện ảnh cần… phòng vé hay nghệ thuật?

Trong 10 năm qua, số lượng phim nghệ thuật hàng năm của Việt Nam không nhiều, nhưng so với tỷ lệ thường thấy trên thế giới (khoảng 2-3% số lượng chung), vẫn là con số tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng ta không thể vì tạm chấp chận được mà bỏ qua thực tế: Một nền điện ảnh chỉ có dòng phim thương mại là một nền điện ảnh quá buồn. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh giải thích: “Tôi nghĩ rằng, Việt Nam chỉ có 2 dòng phim: Phim bán vé và phim để đi dự các liên hoan quốc tế. Hai dòng phim nhắm tới các đối tượng khán giả khác nhau, vậy tại sao chúng ta cứ phải mãi tranh cãi về chuyện này? Ngay như thế giới có phim nghệ thuật được trao giải Oscars còn bị thất bại ở phòng vé”.

Đạo diễn Nhuệ Giang cho biết, một vài năm gần đây, dòng phim thị trường khá phổ biến, trung bình khoảng hơn 40 phim một năm, số lượng này không ít so với các nước Đông Nam Á. “Thực tế các nhà sản xuất muốn làm giàu vì điện ảnh chứ không làm điện ảnh vì yêu nghệ thuật. Bởi rõ ràng số lượng đang đi lên nhưng chất lượng lại đi xuống. Đặc biệt, phim của các đạo diễn Việt kiều, đôi khi câu chuyện, tình huống trong phim không gần gũi với tâm lý, văn hoá người Việt. Có thể phim đó doanh thu rất cao, nhưng vì sự lạ lẫm, người ta tò mò nên tới rạp xem. Điều này chứng minh nhà sản xuất đang để tâm đến vấn đề ăn khách chứ không đào sâu vào phần thẩm mỹ, văn hóa, con người, đặc biệt là đảm bảo chức năng giáo dục của nghệ thuật”, nữ đạo diễn nhấn mạnh…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.