Điện ảnh

Điện ảnh Việt “thoi thóp” giữa mùa dịch

21/04/2020, 06:08

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp làm “tê liệt” các phòng vé nội địa.

img
Phim “Lật mặt 5” hoãn chiếu sang đầu năm 2021

Quý I hàng năm là thời điểm “hốt bạc” của ngành điện ảnh Việt. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp làm “tê liệt” các phòng vé nội địa.

Dự án trăm tỷ “nằm kho”

Năm 2020, thị trường điện ảnh Việt từng đón đợi các dự án được kỳ vọng là bom tấn như: Trạng Tí, Tiệc trăng máu, Thanh Sói, Lật mặt 5: 48h… Trong đó, Trạng Tí có kinh phí 1 triệu USD (khoảng trên 23 tỷ đồng), còn với Lật mặt 5: 48h, chỉ tính riêng chi phí đầu tư cho phim đã gấp đôi so với phần trước, tức khoảng trên 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, những bộ phim triệu đô này đều nằm kho “án binh bất động” vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, Trạng Tí, Thanh Sói và Lật mặt 5: 48h được hoãn chiếu sang năm 2021. Bí mật của gió - dự án được quảng bá khá rầm rộ từ năm ngoái, từng tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) năm 2019 cũng phải hoãn vô thời hạn. Mặc dù trước đó, tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã có hai buổi chiếu ra mắt truyền thông vào tối 31/1 và 1/2 tại TP HCM và Hà Nội.

Tiệc trăng máu dự kiến ra mắt cuối mùa hè, đến nay vẫn chưa công bố dời lịch. Phim Tôi là não cá vàng và Truyền thuyết về Quán Tiên vẫn giữ lịch ra mắt, lần lượt vào ngày 24/4 và 30/4. Tuy nhiên, hoạt động quảng bá phim không được rầm rộ qua nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu thông qua các nền tảng mạng xã hội, song chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử, trên fanpage 8.000 lượt thích của Truyền thuyết về Quán Tiên, ê-kíp thường xuyên cập nhật các câu chuyện hậu trường nhưng chỉ thu hút vài chục, vài trăm lượt tương tác của khán giả.

Không riêng những dự án đã hoàn thành, những tác phẩm đang trong quá trình ghi hình cũng phải “nằm chờ” ngày dịch bệnh đi qua để tiếp tục bấm máy. Bởi, công việc sản xuất bắt buộc cần góp sức của cả một ê-kíp tại phim trường, thay vì làm việc tại nhà một mình.

Trao đổi về khó khăn này, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và Truyền thông Mega GS, từng sản xuất nhiều phim Tết thừa nhận, tình dịch bệnh trên khắp thế giới đã đẩy ngành công nghiệp điện ảnh vào thế nguy nan. “Việc lùi lịch chiếu so với dự kiến ban đầu, kéo dài thời gian hậu kỳ khiến nhà sản xuất như ngồi trên đống lửa. Điều đó đồng nghĩa với việc tiền vốn đầu tư bị “ngâm” một chỗ, tiền lãi vẫn phải trả mỗi ngày khiến chi phí phim đội lên. Đó còn chưa kể, nhà sản xuất phải chi số tiền không nhỏ cho truyền thông, quảng bá thì đến nay coi như đổ sông đổ bể và gần như phải bắt đầu lại”, bà Bích Liên cho hay.

Không riêng Việt Nam, các dự án bom tấn nước ngoài đều phải dời lịch chiếu, đa phần sẽ tái ngộ khán giả vào quý IV. Chính vì vậy, sau khi rạp phim được mở trở lại, trong vòng ít nhất 1 - 2 tháng sẽ không có phim để chiếu là kịch bản dễ xảy ra. Điều này có thể vô tình đẩy phim Việt - vốn bị “lép vế” ngay trên sân nhà, nay lại càng khó cạnh tranh và đạt doanh thu như kỳ vọng.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, vẫn còn quá xa để đánh giá thành công, thiệt hại của các dự án điện ảnh.. Tuy nhiên nhiều phim dồn vào cùng thời điểm phát hành cũng có thể giảm đi đôi chút.

“Nhưng tại sao không nghĩ lạc quan hơn, bởi phim hay thì lúc nào cũng có khách. Vì sự dồn nén của khán giả lâu ngày sẽ bùng phát nhu cầu xem phim rất lớn thì sao. Và dù có dịch hay không đi nữa, về lâu dài thì thời điểm nào rồi cũng có phim ngoại thôi. Thay vào lo lắng, tôi chỉ tập trung vào làm phim, phim tốt chắc sẽ có doanh thu lớn”, đạo điễn phim “578: Phát đạn của kẻ điên” cho hay.

Nhà sản xuất, nhà phát hành kêu cứu

img
Các cụm rạp đồng loạt đóng cửa từ ngày 1/4 vì tình hình phức tạp của dịch Covid-19

Từ ngày 1/4, Thủ tướng Chính Phủ ra chỉ thị yêu cầu giãn cách toàn xã hội đến ngày 15/4. Đến ngày 16/4, Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh thành thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao vẫn tiếp tục cách ly đến ngày 22/4, tùy tình hình cụ thể. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống rạp phim trên cả nước tiếp tục đóng cửa. Thậm chí, giới trong nghề còn dự đoán, kể cả khi mở cửa trở lại thì doanh thu khó đảm bảo với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Theo thống kê, tổng doanh thu phòng vé trên cả nước trong tháng 3/2020 (tính đến ngày 25/3) đạt 76 tỷ đồng, chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm 2019 (350 tỷ đồng). Số lượng vé bán ra tháng 3/2020 trên phạm vi toàn quốc (tính đến ngày 25/3) là 1 triệu lượt, chỉ bằng 1/5 cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên khắp thế giới đã “thổi bay” hàng chục tỷ USD của ngành công nghiệp điện ảnh. Theo Hollywood Reporter, doanh thu phòng vé tại Mỹ vào cuối tuần thứ ba của tháng 3 vỏn vẹn 260.000 USD, con số thấp kỷ lục trong lịch sử. Trước tình trạng này, nhiều chuỗi cụm rạp tại Mỹ đang trông chờ vào gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD để khắc phục phần nào chi phí hao hụt.


Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của cụm rạp CGV cho biết, doanh thu phòng vé toàn quốc quý I của đơn vị này giảm 550 tỷ, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính thêm việc số lượng phòng chiếu trong năm 2020 tăng lên 15% thì doanh thu của CGV trong quý I sẽ lên đến 60-65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu riêng tháng 4 là 0 đồng.

Cùng với CGV thì các cụm rạp như: Galaxy, BHD, Mega GS, Lotte… doanh thu phòng vé 3 tháng đầu năm 2020 cũng không đủ bù chi. Riêng Galaxy ghi nhận giảm đến 60%, doanh thu của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sụt giảm tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết thêm, doanh thu gần như không còn nhưng nhà phát hành vẫn phải “còng lưng” để trang trải các chi phí cố định như: Nhân viên, mặt bằng, bảo trì hệ thống máy móc, vệ sinh… Mặc dù đơn vị đã thương lượng để được giảm 20% tiền thuê mặt bằng nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với tổng số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng bỏ ra.

“Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, chúng tôi cân bằng, cắt giảm chi phí đối với 3.000 nhân sự bởi các nhân viên sẽ đi làm 3 ngày/tuần thay vì 5 ngày như trước đây. Trước tình hình các phim bom tấn đã dời lịch chiếu thì CGV đã xin đối tác chiếu lại một số phim bom tấn trước đây để phục vụ khán giả và cũng đã có kế hoạch chọn lọc một số phim để trình chiếu nhằm lấp đầy lịch chiếu mới, nếu có”, đại diện của CGV cho hay.

Hiện tại, các dự án điện ảnh vẫn nằm kho, nhà phát hành bị “mắc kẹt” giữa đại dịch, ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, nguyện vọng của đơn vị là Chính phủ có thể phê duyệt dự thảo gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, miễn đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ gói vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua cơn bão này. Đây cũng là nguyện vọng của các rạp chiếu khác như BHD, Mega GS...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.