Pháp đình

Diễn biến mới phiên tòa xử vợ cán bộ biên phòng ở An Giang buôn lậu

28/04/2022, 14:50

Để có đủ căn cứ xác định tội danh, khung hình phạt áp dụng chính xác đối với từng bị cáo TAND TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) quyết định trả hồ sơ

Liên quan đến vụ vợ cán bộ biên phòng ở An Giang buôn lậu, ngày 28/4, sau 3 ngày xét xử, TAND TP Châu Đốc tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án.

img

Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo HĐXX, thời điểm định giá hàng điện tử, gia dụng, tiêu dùng trong vụ buôn lậu xảy ra ngày 27/2/2021, Hội đồng định giá đã không thực hiện được việc xem xét hiện trạng thực tế của tài sản do địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, nên tiến hành định giá qua các hình ảnh màu.

Từ đó tính bình quân các loại hàng hóa đều “khoảng 50% giá trị sử dụng còn lại” để xác định giá và là căn cứ để định lượng truy tố các bị cáo là chưa toàn diện, khách quan, chính xác đối với từng tang vật là hàng hóa các loại trong vụ án.

Cạnh đó, HĐXX cho rằng, việc thành viên Hội đồng định giá tài sản đã tham gia định giá tài sản đang được trưng cầu định giá, tiếp tục tham gia hội đồng định giá lại tài sản là không đảm bảo tính khách quan trong thực hiện định giá.

Để có đủ căn cứ xác định tội danh và quyết định khung hình phạt áp dụng chính xác đối với từng bị cáo trong vụ án, cần tiến hành định giá lại tài sản và thu thập thêm chứng cứ quan trọng có liên quan đến định lượng giá trị hàng hóa bị tạm giữ là thuộc trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa.

Vì vậy, tòa quyết định trả hồ sơ cho VKSND TP Châu Đốc để điều tra bổ sung.

Theo cáo trạng, sáng 27/2/2021, bất ngờ kiểm tra hành chính ba căn nhà ở phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, đồ dùng gia dụng, đồ sành sứ đã qua sử dụng.

Tiến hành xác minh, cơ quan chức năng xác định số hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ thu giữ nói trên được Trần Thị Vàng (vợ của cán bộ biên phòng tỉnh An Giang) mang từ gò Tà Mâu, Campuchia về để bán kiếm lời.

Bị cáo Trần Thị Dũng (chị của Vàng) và Lê Văn Lên được thuê trông coi, dọn rửa và sửa chữa số hàng hóa này.

Tại đây, Lên có nhiệm vụ phụ giúp dọn, sửa hàng, đến kho ở gò Tà Mâu để đóng gói hàng cho người chuyển về. Ngoài ra, Lên còn thay Vàng báo giá bán cho khách khi Vàng vắng mặt, tiền công trung bình của Lên là 5 triệu đồng/ tháng.

Còn Dũng có nhiệm vụ dọn rửa hàng cũ thành mới nhưng không nhận tiền công, đổi lại Vàng trả chi phí sinh hoạt trong nhà. Hàng hóa chuyển về, Vàng bán lại cho nhiều người đến mua trực tiếp hoặc cho người đến nhà phát trực tiếp để bán hàng thông qua các trang mạng xã hội.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội đề nghị HĐXX tuyên phạt Vàng mức án từ 3-4 năm tù, Dũng và Lên mỗi bị cáo từ 1-2 năm tù.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.