Điều tra

Diễn biến mới vụ nghi vấn Công ty Minh Thông "ăn tiền rác" 2 lần

28/04/2022, 20:55

Rác thải chỉ được cân ở “đầu ra”, mà không có sự theo dõi, giám sát “đầu vào”…

Vừa qua, Báo Giao thông có bài phản ánh: “Nghi vấn doanh nghiệp luân chuyển rác tại Cần Thơ để "ăn tiền" hai lần”.

img

Bãi rác Cờ Đỏ nhìn từ bên ngoài với các ống khói của các lò đốt.

Như Báo Giao thông đã thông tin, TP Cần Thơ hiện có 4 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong số này, có Nhà máy Đốt rác phát điện ở huyện Thới Lai, mỗi ngày tiếp nhận xử lý hơn 500 tấn rác thải sinh hoạt của 6 quận, huyện gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Thới Lai, Ô Môn và Thốt Nốt.

Số rác thuộc các địa phương khác sẽ được đưa đến 3 khu còn lại để xử lý, không luân chuyển qua lại.

Công ty Minh Thông được giao làm chủ đầu tư, vận hành 3 lò đốt rác tại khu xử lý chất thải rắn huyện Cờ Đỏ (tạm gọi là Nhà máy Đốt rác Cờ Đỏ), phụ trách đốt và xử lý rác cho 3 huyện gồm: Phong Điền, Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ.

Công ty Minh Thông còn trúng thầu, thu gom vận chuyển rác cho huyện Phong Điền. Hai huyện còn lại do Công ty Công trình đô thị Cần Thơ trúng thầu thực hiện thu gom, vận chuyển rác.

Mỗi ngày, tổng số rác của 3 huyện được 2 công ty đưa vào khu xử lý ở Cờ Đỏ khoảng 76 tấn, trong đó, huyện Phong Điền khoảng 30 tấn, Cờ Đỏ khoảng 25 tấn và Vĩnh Thạnh khoảng 21 tấn.

Công ty Minh Thông cũng là đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn quận Bình Thủy để đưa về xử lý tại Nhà máy Đốt rác phát điện Thới Lai.

Như vậy, công ty này trúng thầu vận chuyển rác đến cả 2 nhà máy.

Theo điều tra của PV, vào buổi chiều tối mỗi ngày, sau khi thu gom rác từ nhà dân ra điểm tập kết, các xe rác của Công ty Minh Thông di chuyển từ quận Bình Thủy về Nhà máy Đốt rác điện Thới Lai để đưa rác vào đây xử lý.

Xong việc, những chiếc xe trống không này đã không quay trở lại Bình Thủy mà tiếp tục di chuyển về Nhà máy Đốt rác ở Cờ Đỏ.

“Nằm” ở đó 1 đêm, đến rạng sáng hôm sau, những chiếc xe này bất ngờ di chuyển ngược lại xuống Nhà máy Đốt rác điện Thới Lai, tiếp tục đưa rác vào đây để xử lý. Trong khi giữa huyện Cờ Đỏ và Thới Lai cũng như giữa 2 khu xử lý này hoàn toàn không liên quan gì nhau.

Dư luận đang đặt nghi vấn là liệu có hay không việc Công ty Minh Thông đã đem rác ở Cờ Đỏ - mà đúng ra phải đốt hết ở đó, mang về đốt ở Thới Lai để bù vào con số hụt tại đây và "ăn tiền" xử lý 2 đầu?

Lý do đơn giản, Công ty Minh Thông vừa quản lý Nhà máy Đốt rác huyện Cờ Đỏ, vừa là đơn vị thu gom rác đưa vào Nhà máy Thới Lai.

Hiện, Công ty Minh Thông là một trong 40 đơn vị được cơ quan chức năng Cần Thơ kiểm tra về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường...

“Sau khi báo đăng, xe rác không còn đi Thới Lai nữa”

Sau khi báo đăng, PV đã trở lại khu xử lý chất thải rắn Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Người dân xung quanh cho biết, sau khi bài báo đăng, đã không còn nhìn thấy các xe của Công ty Minh Thông chở rác từ Cờ Đỏ về Thới Lai nữa.

Ông M. (người dân sống gần khu xử lý chất thải rắn Cờ Đỏ), cho biết bãi rác này gây ô nhiễm từ nhiều năm. Ở đây có con sông xài chung, nhưng bây giờ nước chảy ra đen kịt, không ai dám sử dụng. Đến cả tưới cây còn chết.

“Trước đây rác nhiều dữ lắm, nhưng đốt hổng hết, hổng sạch được, nên mới mướn người cuốc, bỏ ra ngoài bãi lấp. Khi tui hỏi, thì nhân viên bãi rác nói: “Bây giờ có lò đốt, đã mua xe, bãi rác cũng nghỉ lấp rồi, nên không mướn người nữa".

Nhưng thực ra, cứ chiều thì cho xe đút vô, rồi dùng xe cuốc để cuốc rác lên, sau đó ép vô xe để tối hoặc sáng mai cho xe đi. Từ sau khi bài báo đăng, đã không còn thấy xe của Minh Thông chở rác đi nữa".

Khi PV hỏi vì sao những việc của Công ty Minh Thông đều nắm rõ, người dân này cho biết, hàng ngày đều làm việc sát đó nên chứng kiến hết mọi việc. Có những hôm xe chở nặng như muốn bò trên đường.

Người này còn nói, cánh tài xế chia sẻ thêm, ngoài tiền lương, mỗi chuyến xe đi được phía công ty trả thêm 100.000 đồng, như vậy ngoài tiền lương còn có thêm thu nhập. Do có nguồn thu nhập ngon lành, nên họ làm việc rất tích cực.

Nhiều nghi vấn cần làm rõ

TP Cần Thơ từng có một thời gian phải đau đầu, khi lượng rác thải quá tải, còn địa phương thì không thể xử lý.

Đến nỗi trong năm 2015, do bức xúc vấn đề ô nhiễm, người dân đã chặn xe vào bãi rác ở quận Ô Môn. Thời điểm này, Cần Thơ đã phải chở rác sang để nhờ xử lý tại Nhà máy rác Phương Thảo ở Vĩnh Long.

img

Xe của Công ty Minh Thông di chuyển từ khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Cờ Đỏ về huyện Thới Lai. Ảnh cắt từ clip.

Đến nay, Cần Thơ đã có được Nhà máy Đốt rác phát điện ở Thới Lai, được xem là một trong những điểm sáng về xử lý rác thải của cả nước.

Tuy nhiên, nhà máy này hiện mỗi ngày chỉ tiếp nhận xử lý hơn 500 tấn rác thải sinh hoạt của 6 quận, huyện gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Thới Lai, Ô Môn và Thốt Nốt.

Còn rác thuộc 3 huyện còn lại gồm: Phong Điền, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh vẫn được đưa về khu xử lý chất thải rắn Cờ Đỏ để xử lý.

Dư luận đặt vấn đề: “Tại sao Cần Thơ đã có nhà máy đốt rác điện rất hiệu quả và hiện đại ở Thới Lai, nhưng lại không xử lý toàn bộ rác của thành phố, mà vẫn duy trì bãi rác Cờ Đỏ với phương pháp đốt và chôn lấp thủ công, lạc hậu?”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ xác nhận: "Khu xử lý chất thải rắn Cờ Đỏ hiện chưa có trạm cân.

Hiện không có quản lý rác đầu vào ở Cờ Đỏ, chỉ trên cơ sở từ việc cân rác tại các kênh thu gom ở các địa phương. Nguyên nhân là do có chủ trương cho đốt rác cũ ở đó, khi nào đốt thì mới lấp.

Hiện nay, chỗ Minh Thông đang chủ trương đốt rác mới, Sở đang tính chuyện điều tiết nguồn rác này về hết Nhà máy Đốt rác phát điện ở Thới Lai hết, chắc hết năm nay sẽ điều tiết”.

Ông Kiên cho biết thêm, vấn đề trạm cân hiện chỉ quản lý đầu ra, tức là khi các đơn vị đi thu gom rác thải, thì địa phương sẽ cân đong đo đếm số lượng rác đưa lên xe chuyển đi. Còn khi rác đến Cờ Đỏ, tức đầu vào thì chưa có trạm cân, không quản được số lượng.

“Nếu còn tiếp tục đốt thì phải lắp trạm cân, nhưng Sở đang tính tới phương án không còn đốt nữa thủ công nữa, và đang điều tiết lại nguồn rác. Việc đốt thủ công là do vấn đề bức xúc trước đây khi thành phố chưa có nhà máy đốt rác.

Bây giờ đã có nhà máy ở Thới Lai thì tính tới phương án điều tiết rác lại. Dự kiến khi hết chủ trương đốt ở Cờ Đỏ sẽ điều tiết nguồn rác này về xử lý ở Thới Lai”, ông Kiên cho hay.

Hiện ở Cần Thơ đang diễn ra đấu thầu thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn các quận, huyện.

Mới đây, một đơn vị tham gia đấu thầu đã có văn bản gửi Phòng TN-MT quận Ninh Kiều đề nghị xem xét tư cách nhà thầu, năng lực, kinh nghiệm và uy tín của Công ty Minh Thông. Cụ thể, tại các gói thầu dịch vụ công ích đô thị năm 2022, 2023 và 2024.

Lý do, trong năm 2019, Công ty Minh Thông đã có hành vi vi phạm, khi thu gom rác ở địa bàn huyện Phong Điền sau đó vận chuyển về quận Cái Răng xử lý. Vụ việc này đã được Công an quận Cái Răng lập hồ sơ xử lý.

Từ vụ việc này, cũng trong năm 2019, Công ty Minh Thông đã bị chủ đầu tư là Phòng TN&MT quận Cái Răng chấm dứt hợp đồng về việc thực hiện công tác vệ sinh đô thị trên địa bàn quận. Trong đó nêu rõ lý do Công ty Minh Thông không thực hiện theo đúng nội dung điều khoản hợp đồng và giao cho đơn vị khác thay thế việc thu gom rác trên địa bàn quận.

Theo luật định, công ty này đã không thỏa mãn điều kiện tiên quyết là: “Từ ngày 1/1/2017 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu không có hợp đồng không hoàn thành”. Đây là tiêu chí đánh giá quan trọng, và Công ty Minh Thông không đạt tiêu chí này thì không có tư cách hợp lệ để dự thầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.