Xã hội

Điện Biên: Phá rừng, lấp suối để… làm đường du lịch

22/07/2020, 07:30

Đơn vị thi công đã ngang nhiên đổ đất, đá lấp dòng suối Nậm Phạ, san ủi nhiều diện tích rừng phòng hộ...

img
Toàn cảnh khu vực dự án đường Tà Lèng - Mường Phăng từ trên cao

Để thực hiện Dự án nâng cấp đường vào khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị thi công đã ngang nhiên đổ đất, đá lấp dòng suối Nậm Phạ, san ủi nhiều diện tích rừng phòng hộ...

Dân mất ao, vườn vì dự án

Chỉ tay vào ao cá của gia đình và những hộ xung quanh bị vùi lấp, ông Quàng Văn Cường (bản Nà Nghè, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) cho hay, mọi năm vào khoảng thời gian này, mọi người vẫn canh tác, thả cá, nuôi trồng bởi lũ lụt không ảnh hưởng tới. Năm nay, nhà ông bị lấp mất ao do đất bùn từ dự án nâng cấp con đường nói trên trôi xuống theo khe.

“UBND xã và đơn vị thi công có gọi gia đình họp và thống nhất sự việc, theo đó đơn vị thi công có hứa sẽ cho máy móc về xúc lại ao cho gia đình, nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Lo nhất mưa xuống, lượng bùn từ dự án tiếp tục trôi xuống, bồi lấp thêm nhà cửa, ruộng nương’’, ông Cường bức xúc.

Dự án gây bồi lấp ao nhà ông Cường và nhiều nhà dân nơi đây chính là dự án nâng cấp con đường vào khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, do Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô đường giao thông cấp IV miền núi với tổng chiều dài trên 17km, đi qua địa phận 3 xã: Tà Lèng của TP. Điện Biên Phủ; Pá Khoang và Mường Phăng của huyện Điện Biên. Dự án có tổng mức đầu tư 167,3 tỷ đồng.

Khảo sát của PV Báo Giao thông, trong quá trình triển khai dự án này, đơn vị thi công là Công ty TNHH thương mại và xây dựng Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng) đã ngang nhiên đổ đất, đá lấp dòng suối Nậm Phạ, san ủi nhiều diện tích rừng phòng hộ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm hộ dân 3 bản Nà Nghè, Kê Nênh và Tà Lèng. Nhiều diện tích ao của người dân bị vùi lấp và cho đến nay chủ đầu tư vẫn chưa có phương án đền bù.

Vi phạm đất rừng, phớt lờ quyết định đình chỉ?

Về vấn đề Công ty Huy Hoàng đã ngang nhiên đổ đất, đá lấp dòng suối Nậm Phạ, san ủi nhiều diện tích rừng phòng hộ, ông Phạm Văn Khiến, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho hay, đơn vị đã nhận được báo cáo của Hạt Kiểm lâm TP Điện Biên Phủ.

Theo đó, dự án nâng cấp con đường vào khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đi qua khá nhiều điểm và có liên quan đến việc phải chuyển đổi rừng. Hiện, Hạt Kiểm lâm thành phố đang tiến hành xác định cụ thể hiện trạng ở từng vị trí, trên cơ sở thực tế đối chiếu với quy hoạch để xem xét tính chất, mức độ vụ việc. Quá trình kiểm tra, Hạt Kiểm lâm TP Điện Biên Phủ đã phát hiện, tiến hành lập biên bản việc san ủi đất rừng trái pháp luật thuộc tiểu khu 717C; khoảnh 3; lô 3 thuộc bản Nà Nghè, xã Tà Lèng.

Hiện trạng phá rừng sau khi kiểm đếm, chủ yếu là cây gỗ, gồm các loài cây: vối thuốc, giẻ, thành ngạnh, xoan, ba soi… đã bị doanh nghiệp chặt phá, san gạt, lấp để làm đường. Tại thời điểm kiểm tra, phía đơn vị thi công không cung cấp được bất kỳ giấy tờ, thủ tục, hồ sơ của cấp có thẩm quyền cho phép việc san ủi và mở đường. Đơn vị thi công cũng không ký vào biên bản làm việc, với lý do Giám đốc Công ty Huy Hoàng không cho ký biên bản(?!).

Xác nhận thực trạng này, UBND xã Tà Lèng cho biết, đã có Văn bản số 65 về việc đình chỉ hành vi san ủi vào rừng phòng hộ trái pháp luật đối với Công ty Huy Hoàng. Tuy nhiên, đơn vị thi công phớt lờ lệnh đình chỉ, vẫn tiến hành hoạt động san ủi, thi công.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Văn Chì, Phó giám đốc Ban thực hiện Dự án du lịch tỉnh Điện Biên cho hay, trước đây, dọc tuyến đường này là quy hoạch rừng sản xuất và rừng phòng hộ, nên khi mở đường, có những hiện tượng làm vào đất đã quy hoạch vào đất rừng. Theo ông Chì, do quá trình thi công phải vi phạm vào đất rừng, nên đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo xin phép Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi lấy ý kiến từ các bộ ngành để điều chỉnh từ đất rừng sang đất triển khai thực hiện dự án.

“Đến giờ phút này, đơn vị đã tham mưu đầy đủ các vị trí phải điều chỉnh từ đất rừng sang đất dự án. Còn lại một số vị trí khác, Ban thực hiện dự án đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế sửa đổi, điều chỉnh thiết kế để tránh vào đất rừng’’, ông Chì khẳng định.

Làm trước, báo cáo sau

Ngày 12/11/2019 UBND tỉnh Điện Biên đã có Văn bản số 3309 trình Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có Dự án nâng cấp vào khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng với 4,32ha rừng phòng hộ và 3,64ha rừng sản xuất.

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 10768 gửi các Bộ: NN&PTNT; TN&MT); Công thương và Quốc phòng xem xét, xử lý kiến nghị của UBND tỉnh Điện Biên.

Ngày 6/12/2019, Bộ TN&MT đã có Công văn số 6504 gửi Bộ NN&PTNT nêu rõ: Dự án nâng cấp đường vào khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ phải thực hiện theo các quy định pháp luật về lâm nghiệp; theo Chỉ thị số 13 ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 71 ngày 8/8/2017 của Chính phủ. Không chuyển mục đích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Thủ tướng quyết định.

Như vậy, có thể khẳng định, mặc dù chưa được Thủ tướng phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, nhưng dự án vẫn ngang nhiên thi công trong phạm vi đất rừng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.