Thị trường

Điện dư thừa, sao chưa giảm giá?

13/04/2021, 06:57

Hiện nay nguồn điện dồi dào, thậm chí dư thừa, ngành điện cần xem xét giảm giá bán điện để kích cầu tiêu thụ và đảm bảo công bằng...

img

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, hiện chỉ mới bổ sung một phần nhỏ của năng lượng tái tạo khi số lượng dự án đã đăng ký hiện nay quá lớn, có thể gây ra dư thừa điện lớn

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nguồn điện dồi dào, thậm chí dư thừa, ngành điện cần xem xét giảm giá bán điện để kích cầu tiêu thụ và đảm bảo công bằng theo quy luật thị trường.

Cung tăng, cầu giảm mạnh

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc thời gian qua giảm đột ngột, khiến ngành điện đối diện với bài toán thừa điện. Trong khi đó, nguồn cung tăng mạnh, đặc biệt là từ điện mặt trời (ĐMT) khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng vào giờ cao điểm.

Theo Quyết định số 3598/QĐ-BCT về việc phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc, bao gồm cả sản lượng ĐMT mái nhà là 262,410 tỷ kWh, tăng khoảng 5,8% so với năm 2020. Dự kiến, điện thương phẩm toàn quốc (là tổng sản lượng điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho khách hàng sử dụng điện cuối cùng và cho các đơn vị bán lẻ điện) là 226,27 tỷ kWh, tăng hơn 5% so với năm 2020.

Trong khi, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, tăng 2,9% so với năm 2019 và điện thương phẩm toàn quốc đạt 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công thương trình Chính phủ phê duyệt cũng đánh giá, chỉ mới bổ sung một phần nhỏ của năng lượng tái tạo (NLTT) khi số lượng dự án đã đăng ký tại mỗi tỉnh hiện nay quá lớn, có thể vượt quá quy mô từ các chương trình tối ưu, gây ra dư thừa điện lớn.

Cụ thể, đến năm 2030, Nam bộ và Nam Trung bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Công suất đăng ký tại Nam Trung bộ là 38 GW, lớn hơn gấp 7 lần phụ tải tại chỗ (5 GW).

Trái ngược với nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ điện trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 vẫn ở mức thấp và dự báo còn thấp. Tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm năm 2020 chỉ còn 3,42%, bằng chưa đầy một nửa tốc độ bình quân giai đoạn 2016 - 2020 (đặc biệt năm 2016 còn lên tới 11,21%).

Báo cáo từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng cho biết, năm 2020 là năm đầu tiên có mức tăng trưởng tiêu thụ điện thấp nhất trong 10 năm gần đây, khi chỉ tăng 3,8% với mức tiêu thụ đạt gần 75,5 tỉ kWh/năm.

Trong khi, mỗi năm tổng công ty này ghi nhận mức tăng trưởng duy trì từ 8 - 10%. Trong đó, các công ty thành viên có sản lượng giảm rơi vào các tỉnh có nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, du lịch...

Đặc biệt, năm qua cũng là lần đầu tiên sản lượng tiêu thụ điện ở TP HCM tăng trưởng âm, với lũy kế mức tăng trưởng điện chung cho các ngành của TP HCM chỉ còn -0,98% so với chỉ tiêu đặt ra là khoảng 6%.

Có cơ sở để giảm giá điện

Trước thực tế trên, một chuyên gia điện lực tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, khoảng tháng 9/2020, Bộ Công thương đã đưa ra lấy ý kiến về cách tính giá điện ngoài sinh hoạt cho khách hàng khối sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp.

Phương án mới này có xu hướng tăng cao hơn so với mốc giá hiện tại bởi ở những mốc cao, giá tính tiền điện sẽ cao hơn nhiều. Nguyên nhân được phía EVN đưa ra là do khó khăn về phát triển nguồn điện và chi phí sản xuất tăng; tăng giá là để bù lỗ và hạn chế tiêu thụ điện.

Tuy nhiên, theo vị này, thực trạng hiện nay thì giảm giá điện là hợp lý, vừa giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sẽ khuyến khích họ sản xuất kinh doanh; vừa đúng với quy luật thị trường “giảm cung thì giảm giá”.

Chung quan điểm, ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khẳng định, hiện tại, hoàn toàn có cơ sở để giảm giá điện khi gần đây mở ra triển vọng dùng NLTT như điện gió, ĐMT có giá thành rẻ và xu hướng chung là giảm.

Theo ông Long, cuối năm 2019 và năm 2020, với chủ trương khuyến khích phát triển NLTT, đặc biệt là ĐMT với mức giá 9,35 cent khiến cho nguồn năng lượng này “bùng nổ”. Đây cũng là điều kiện để Tập đoàn Điện lực Việt Nam khắc phục được tình trạng thiếu điện rất lớn được cảnh báo vào năm 2019.

“Hiện tại, chúng ta đang chờ quyết định cuối cùng của Bộ Công thương và Chính phủ khi giá điện đang được trình với mức thấp hơn. Như vậy, về nguyên tắc đây là cơ sở để nghiên cứu có nên điều chỉnh giảm giá điện phù hợp với chi phí đầu vào và xu hướng phát triển hay không”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, việc giảm giá điện vừa giúp chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vừa giảm thiệt hại cho các nhà đầu tư ĐMT và điện gió, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu giữ an toàn cho hệ thống truyền tải điện quốc gia khi dư thừa quá nhiều làm đứt gãy hệ thống điện.

Vị này phân tích, giá điện gồm 4 thành phần cấu thành là phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, quản lý ngành và phụ trợ. Trong đó, khâu phát điện chiếm tỷ lệ áp đảo khoảng 60 - 65% chi phí cấu thành giá điện. Thực tế, chi phí khâu này đang giảm bởi áp dụng công nghệ mới.

“Còn nữa, Nghị quyết 55-NQ/TW định hướng tương lai tiếp tục khuyến khích phát triển NLTT. Tức là giá mua điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm, thì tại sao không điều chỉnh giảm giá bán điện cho người dân?”, ông Long đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng: Xét về nguyên lý và thực tiễn, thì khi cung lớn hơn cầu thì giá sẽ giảm. Điện cũng phải tuân thủ khách quan này.

Tuy nhiên, chính sách giá điện được quy định tại Luật Điện lực hiện nay phải giải quyết “đa mục tiêu” nên việc giảm giá như thế nào, bao nhiêu cũng cần được tính toán kỹ, để vừa bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng nhưng nguồn và lưới điện, tốc độ tăng trưởng điện phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cần sớm bỏ độc quyền

Chuyên gia Trần Đình Long cho rằng, nếu bỏ độc quyền, có thể giá điện sẽ được điều chỉnh thường xuyên khi giá đầu vào có sự biến động và có thể tạo tiền lệ giá điện giảm. “Từ trước đến giờ, chúng ta chỉ điều chỉnh theo hướng tăng mà chưa có trường hợp nào giảm. Điều chỉnh giá điện nên thường xuyên được xem xét. Có nhiều kiến nghị điều chỉnh giá điện khoảng 6 tháng một lần, hoặc 3 tháng, thậm chí là hàng tháng…”, ông Long nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, hiện nay, ngành cung ứng điện không có thẩm quyền định giá bán lẻ bởi thuộc danh mục, hàng hóa, dịch vụ độc quyền Nhà nước và sản xuất kinh doanh do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Điều này đảm bảo được vai trò điều tiết của Nhà nước, trong đó có việc ngăn ngừa tình trạng biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, lạm dụng vị thế độc quyền để định giá bất hợp lý. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nếu đúng tiến độ năm 2023 hoàn thành. Khi đó, giá sẽ do thị trường cạnh tranh quyết định và người mua điện sẽ được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện có giá hợp lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.