Điều tra

Điện giật chết người, không thể rút kinh nghiệm là xong

20/10/2014, 13:10

Đã một tháng kể từ ngày xảy ra vụ điện giật thương tâm khiến hai vợ chồng chết thảm, người dân thôn Văn Lãng, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng.

Anh Nguyễn Văn Cương chỉ vị trí vợ chồng anh Hiền bị điện giật chết
Anh Nguyễn Văn Cương chỉ vị trí vợ chồng anh Hiền bị điện giật chết

Đứt đường điện cũ, vợ chồng chết thảm

Vụ tai nạn xảy ra vào đêm 16/9, khi đường dây điện hạ thế bị đứt và văng vào sân xưởng sản xuất lưới của vợ chồng anh Nguyễn Khắc Hiền (42 tuổi) và chị Vũ Thị Nhung (33 tuổi, trú thôn Văn Lãng, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), khiến cả hai vợ chồng tử vong.

Anh Nguyễn Văn Cương (chủ xưởng sản xuất gần hiện trường) kể: Lúc đó là hơn 21h, do phải xuất hàng vào Hà Tĩnh nên dù trời mưa gió do ảnh hưởng của bão số 3 (Kalmeagi), anh Hiền, chị Nhung vẫn ra xưởng làm việc. Khi vừa vào đến cổng xưởng, hai vợ chồng bị vướng vào sợi dây điện đứt và bị điện giật tử vong. Thấy lâu không liên lạc được, mọi người chạy ra thì phát hiện sự việc đau lòng.

“Đây không phải lần đầu đường dây điện hạ thế bị đứt. Trước đó mấy tháng, dù trời không mưa gió nhưng đường dây hạ thế cũng đứt. Rất may sự cố xảy ra buổi chiều, người dân phát hiện sớm và báo cơ quan chức năng xử lý. Nếu phát hiện muộn hay dây đứt vào buổi tối thì không biết hậu quả sẽ thế nào, vì điểm dây đứt nằm trên trục giao thông chính của xã”, anh Cương cho biết. Đường dây hạ thế 220V là dây trần, người dân từng đề nghị với cơ quan điện lực thay dây mới nhưng chỉ nhận được câu trả lời “sẽ trình lên cấp trên”...

Ông Nguyễn Khắc Vuốt (70 tuổi), bố đẻ anh Hiền vừa nhìn đứa cháu nội mới ba tuổi chơi ngoài sân, vừa nói giọng nghèn nghẹn: “Đường dây điện ấy đã quá cũ rồi, người dân nhiều lần ý kiến, yêu cầu điện lực thay đường dây mới nhưng họ không thay, cho đến khi vụ tai nạn xảy ra thì hai, ba ngày sau điện lực mới thay. Đường dây hạ thế đứt, có phần do thời tiết, thế nhưng, nó còn do đường dây đã quá cũ và sự tắc trách của ngành Điện nữa”.

Là lao động chính, hai vợ chồng anh Hiền, chị Nhung chết oan, để lại bố mẹ già cùng bốn đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học mà chưa biết gửi gắm, trông cậy vào đâu. Trong đó, đứa lớn mới học đến lớp 9, còn đứa nhỏ nhất nay mới ba tuổi, còn chưa nhận thức nổi nỗi đau quá lớn của gia đình. “Cháu vẫn hỏi sao bố mẹ đi giao hàng lâu về thế”, bà Đặng Thị Theo, mẹ đẻ anh Hiền nói trong nước mắt.

Chỉ rút kinh nghiệm!?

Ngay sau khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra, trên cơ sở đơn đề nghị của gia đình, ngày 25/9, Sở Công thương Hà Nội có Công văn số 4138 về việc “Khắc phục các tồn tại trong hệ thống điện”. Theo đó, Sở Công thương tổ chức kiểm tra, làm việc tại Công ty Điện lực Phú Xuyên. Báo cáo của Điện lực Phú Xuyên cho biết, sau khi xảy ra sự cố đứt dây điện, đơn vị đã thu hồi đường dây điện nhôm trần, thay thế bằng dây cáp nhôm vặn xoắn.

Tuy nhiên, điều đáng nói là với một vụ việc nghiêm trọng như vậy, làm chết cả hai mạng người nhưng trong công văn của mình, Sở Công thương Hà Nội chỉ “đề nghị Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội chỉ đạo Công ty Điện lực Phú Xuyên kiểm điểm rút kinh nghiệm về vụ việc tai nạn, trong đó có trách nhiệm của Công ty quản lý hệ thống điện để xảy ra sự cố đứt dây điện gây nên tai nạn chết người”.

Sở Công thương Hà Nội cũng đề nghị Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội bố trí nguồn vốn để đầu tư cải tạo hệ thống điện của các địa phương không đảm bảo kỹ thuật, chưa được đầu tư cải tạo, có nguy cơ gây mất an toàn đặc biệt trong mùa mưa bão; chỉ đạo các công ty điện lực cần tăng cường công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp, các thiết bị… bảo đảm an toàn đúng quy định.

Dư luận đặt câu hỏi rằng, giá như động thái này được thực hiện sớm hơn thì có lẽ sẽ không có vụ tai nạn thương tâm trên. Và đến khi mất đi hai mạng người rồi mới thực hiện chuyện này thì không khác gì “mất bò mới lo làm chuồng”.

Để làm rõ hơn việc khắc phục hậu quả vụ tai nạn, chúng tôi đã đến làm việc với Công ty Điện lực Phú Xuyên. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Công Trấn, Phó giám đốc công ty nói rằng, bản thân không được giao phát ngôn, cũng không được Giám đốc ủy quyền cung cấp thông tin cho phóng viên. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ được với Giám đốc công ty là ông Đào Duy Cử, được ông Cử nói lại rằng, đã ủy quyền cho ông Trấn trao đổi thông tin với PV thì một lần nữa, ông Trấn lại lấy lý do thoái thác và ra điều kiện chỉ trả lời bằng văn bản. Chúng tôi yêu cầu một cuộc hẹn làm việc thì cả hai ông này đều thoái thác.

Một sự việc đau lòng xảy ra, chưa nói đến yếu tố pháp luật thì việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả là việc nên làm và cần nhanh chóng thực hiện để làm vơi bớt nỗi đau cho gia đình người xấu số. Tuy nhiên, không hiểu có khuất tất gì trong đó mà lãnh đạo Điện lực Phú Xuyên lại không cung cấp thông tin và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau!?

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Minh Thành - Văn Huế

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.