Trong nước

Điền kinh Việt Nam có sóng ngầm trước thềm ASIAD?

13/08/2018, 09:05

Điền kinh Việt Nam sắp bước vào trận đánh lớn ASIAD 2018. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn về việc nội bộ...

16

HLV Vũ Ngọc Lợi chúc mừng học trò Nguyễn Thị Huyền đoạt HCV SEA Games 29

Có hay không việc tranh giành VĐV?

Chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội Thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018) sẽ khởi tranh tại Indonesia. Điền kinh là một trong những bộ môn được giao chỉ tiêu giành HCV cho thể thao Việt Nam. Quá trình chuẩn bị của điền kinh Việt Nam cũng diễn ra thuận lợi, các VĐV đều tự tin tranh tài ở ngày hội thể thao lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, theo một vài nguồn tin, nội bộ bộ môn điền kinh có dấu hiệu “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Cụ thể, trước khi SEA Games 29 diễn ra, HLV Vũ Ngọc Lợi chỉ huấn luyện một VĐV là Nguyễn Thị Huyền, có kèm cặp thêm Trần Thị Yến Hoa trước khi cô vào TP HCM tập luyện cùng tổ 4x400m nữ. Trong khi đó, chuyên gia người Bulgaria Vladimir Simeonov huấn luyện hai VĐV là Quách Thị Lan và Quách Công Lịch. Tuy nhiên, sau khi Nguyễn Thị Huyền xin nghỉ vì lý do gia đình, HLV Vũ Ngọc Lợi đã “ôm” cả ba VĐV Trần Thị Yến Hoa, Quách Thị Lan và Quách Công Lịch. Như vậy, vị chuyên gia tới từ Đông Âu bỗng trở nên “trắng tay” và chỉ còn phụ trách công tác đào tạo trẻ.

Bùi Thị Thu Thảo là hy vọng số 1 của điền kinh Việt Nam

Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) là VĐV nhận nhiều kỳ vọng nhất của bộ môn điền kinh. Cô gái quê Ba Vì đang là nhà vô địch SEA Games, vô địch châu Á với thành tích tốt nhất là 6m58. Trong khi đó, VĐV giành HCV nhảy xa tại ASIAD 2014 là Natalia Londa (Indonesia) chỉ đạt thông số 6m55. Ngoài ra, điền kinh cũng có thể chờ đợi Tú Chinh tỏa sáng ở cự ly chạy ngắn. Cô cùng HLV Thanh Hương hiện vẫn đang tập huấn tại Mỹ và sẽ hội quân cùng tuyển điền kinh trên đất Indonesia.

HLV Vũ Ngọc Lợi nằm trong danh sách trọng điểm nên được hưởng chế độ đặc biệt 900 nghìn đồng/ngày ngoài lương. Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, việc huấn luyện 1 hay nhiều VĐV không hề ảnh hưởng tới chế độ ông Lợi được nhận. Tuy nhiên, HLV có “quân” thì sẽ có “quyền”, được đề xuất các kế hoạch tập huấn và nếu VĐV thi đấu đạt thành tích cao, HLV cũng sẽ hưởng thành quả. Trong tình cảnh như vậy, việc chuyên gia người Bulgaria không hài lòng cũng là chuyện dễ hiểu.

Trả lời Báo Giao thông, ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục TDTT xác nhận, có việc lãnh đạo bộ môn chuyển VĐV của chuyên gia Vladimir Simeonov sang để HLV Vũ Ngọc Lợi huấn luyện. “Tất cả đều theo quy định, dựa trên những căn cứ về mặt chuyên môn, không có gì mờ ám hay phải che đậy ở đây cả. Sự thay đổi này cũng không ảnh hưởng gì tới quá trình chuẩn bị của các VĐV cho ASIAD 2018”, ông Thủy khẳng định. Ông Thủy không trao đổi rõ nhưng dân điền kinh ai cũng hiểu, chuyên gia nước ngoài mất quân là do không có HCV nào tại SEA Games 29, trong khi HLV Vũ Ngọc Lợi giành tới 5 HCV nhờ công của Nguyễn Thị Huyền (3 HCV) và Trần Thị Yến Hoa (2 HCV).

Không nên lãng phí

Trong khi đó, HLV Vũ Ngọc Lợi cho biết, ông hoàn toàn vô tư khi nhận nhiệm vụ cấp trên giao chứ không hề có ý tranh giành VĐV với chuyên gia nước ngoài. “Tôi không dám nhận mình làm tốt, nhưng ít nhất tôi có thành tích ở những giải quốc tế. Gần nhất là SEA Games 29, học trò của tôi có 5 HCV. Thế nên, việc lãnh đạo Tổng cục TDTT và bộ môn điền kinh giao thêm VĐV cho tôi là điều dễ hiểu. Tôi nhận vì trách nhiệm với ngành Thể thao và luôn làm hết sức. Ai nói gì tôi không quan tâm”.

Trên thực tế, việc bộ môn điền kinh giao cho HLV Vũ Ngọc Lợi huấn luyện quân của chuyên gia cũng có dụng ý riêng bởi tổ cự ly trung bình sẽ quy về một mối. Trong khi đó, chuyên gia Vladimir Simeonov tập trung vào cùng bộ môn xây dựng kế hoạch phát triển cũng như đào tạo trẻ. Nói là vậy nhưng theo một chuyên gia (xin giấu tên), việc bộ môn điều chuyển VĐV như vậy có phần chưa hợp lý. “Thuê chuyên gia nước ngoài tốn kém chi phí, trả lương cao hơn chuyên gia trong nước rất nhiều. Anh đã thuê người ta thì nên sử dụng sao cho xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra, tránh để lãng phí. Theo tôi trường hợp của ông Vladimir Simeonov cho thấy, chúng ta đang lãng phí bởi tôi được biết ông ấy nhận lương khoảng 90 triệu đồng/tháng nhưng hiện tại chỉ làm tuyến trẻ và xây dựng kế hoạch”.

Vị chuyên gia trên cũng chia sẻ thêm, không thể dựa vào thành tích ở một giải đấu cụ thể để đánh giá năng lực của một người làm chuyên môn: “Ông chuyên gia nước ngoài được thuê từ trước và có sự đánh giá kỹ càng của tổng cục, của bộ môn. Ông ấy có chất xám, có năng lực, tại sao lại không dùng? Ta không để đánh đồng việc VĐV không có thành tích là thầy kém. Thi đấu thể thao, muốn thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa ngoài quá trình huấn luyện”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.