Mỗi tháng khi đóng tiền điện, vợ tôi thường càu nhàu, cáu bẳn. Mấy tháng rồi chỉ tăng không giảm, vì nhu cầu có giảm bao giờ, cứ sắm thêm rõ lắm, nào máy xay thịt, máy ép hoa quả, máy sấy quần áo. Tháng vừa rồi, vợ tôi thẽ thọt bàn: “Hay mình lại quay về bếp than tổ ong. Cũng bớt được ối tiền đun nước, ninh xương”.
Là một người yêu thiên nhiên, tôi dẹp ngay. “Cô có biết giờ là thời đại 4.0, mỗi người dân phải hướng đến việc tiêu dùng xanh, sạch, qua đó giữ gìn môi trường, bầu khí quyển. Ai cũng như mình, tốn kém 1 chút lại bàn dùng bếp than tổ ong, trái đất nguy mất”.
Vợ tôi bĩu môi phản ứng, cái điện mặt trời, điện gió là năng lượng sạch chứ gì, thế mà làm ra có bán được đâu, đang vỡ quy hoạch, ế chỏng chơ, sản xuất ra rồi đem bỏ kia kìa.
Tôi ớ người, tivi vừa đưa ông Bộ trưởng Công thương đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ông thừa nhận khi lập quy hoạch điện vào năm 2016 đã “không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời”.
Đại biểu QH thì nêu nhiều doanh nghiệp điện mặt trời khóc ròng vì điện làm ra không bán được. Cách đây vài tháng, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã ép các dự án điện gió phải cùng cắt giảm công suất với các dự án điện mặt trời mới hòa lưới. Tỷ lệ yêu cầu cắt giảm công suất từ 38% đến 64% và ngày nào cũng bị cắt.
Nghe đến điện mặt trời làm ra không bán được, chả khác nào dưa hấu của bà con nông dân trồng ra bị ế, phải đổ cho trâu bò ăn dạo trước, vợ tôi xót xa.
Bả nói: Trước cứ hay chê bà con nông dân không năng động, buôn bán chạy theo thị trường ngắn hạn mới suốt ngày nhờ giải cứu dưa hấu, ớt, hành. Giờ mới thấy cả 1 ngành công nghiệp trọng yếu của đất nước mà cũng chỗ thừa, chỗ thiếu.
Chỗ thừa khóc ròng, chỗ thiếu trả tiền chát đắng. Lẽ nào “trồng điện” cũng giống như trồng dưa hấu thôi sao?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận