Giao thông

Điện tử hóa toàn bộ thủ tục, hàng hải sẵn sàng vươn ra biển lớn

18/01/2020, 06:15

Hàng hải đặt mục tiêu “điện tử hóa” toàn bộ nghiệp vụ quản lý Nhà nước lĩnh vực hàng hải trong thập kỷ tới để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

img
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN

Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN về vấn đề này.

Từng bước vươn mình

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành Hàng hải thời gian qua?

Năm 2019 là năm tiếp tục đánh dấu sự tăng trưởng ấn tượng của ngành Hàng hải khi hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng xuất nhập khẩu (XNK), ước đạt 308,8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam sở hữu hơn 3.200km đường bờ biển, nằm trên tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, lượng hàng hóa XNK thông qua hệ thống cảng biển luôn có tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Đặc biệt, tổng khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2020 sẽ đạt khoảng 250 triệu tấn và cán mốc khoảng 500 triệu tấn giai đoạn đến năm 2030.

Đội tàu Việt Nam sau khi tái cơ cấu đã đảm nhiệm khối lượng hàng thông qua cảng biển, tăng tới 16%, ước đạt 81,2 triệu tấn (2019). Tính đến hiện tại, đội tàu biển Việt Nam có 1.586 tàu với tổng dung tích khoảng 4,8 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.

Nhìn lại 10 năm trước, ngành Hàng hải đã có sự “lột xác” như thế nào, thưa ông?

Trước năm 2007, hệ thống cảng biển của chúng ta vẫn còn yếu kém về chất lượng. Các bến cảng cho tàu trọng tải trên 50.000 tấn rất khiêm tốn chỉ chiếm khoảng 1,4%. Trong hơn 10 năm trở lại đây, lượng hàng thông qua cảng biển luôn tăng ở mức hai con số, bình quân 11,1%/năm. Từ giai đoạn chỉ có bến cảng đón được những con tàu từ trọng tải từ 20.000 - 30.000 DWT, tàu container sức chở 500 teus, hiện cảng biển Việt Nam đã đón được những cỡ tàu lớn nhất thế giới, đến 194.000 tấn, sức chở 18.300 teus kể từ khi đầu tư xây dựng bến cảng Cái Mép - Thị Vải và bến cảng Lạch Huyện.

Bước tiến dài của lĩnh vực cảng biển nói riêng, ngành Hàng hải nói chung phải kể đến là sau gần 20 năm quy hoạch, Việt Nam đã có các bến cảng chuyên dùng hành khách đầu tiên được đầu tư xây dựng tại Hòn Gai - Quảng Ninh và Phú Quốc - Kiên Giang, cho phép tiếp nhận tàu khách “siêu hiện đại” có trọng tải đến 225.000 GT.

Đối với lĩnh vực TTHC, 10 năm trước, quy trình giải quyết thủ tục trong lĩnh vực hàng hải tương đối cồng kềnh. Một con tàu trước khi cập cảng phải cho 3 - 4 nhân viên mang hồ sơ giấy đi hơn 6 bộ phận chức năng: Hải quan, kiểm dịch, y tế, biên phòng… để xin xác nhận vào cảng. Công việc thuận lợi sẽ mất khoảng 6 giờ, nhưng chỉ cần một thông tin bị sai lệch, hồ sơ sẽ bị trả lại, tàu phải nằm chờ thêm nhiều ngày.

Hiểu được khó khăn đó, hàng hải đã tiên phong tham gia giải quyết TTHC trực tuyến trên Cổng thông tin Một cửa Quốc gia. Hiệu quả thấy rõ khi thời gian giải quyết thủ tục ra - vào cảng cho tàu, thuyền hiện chỉ mất từ 20 - 30 phút, năng lực giải quyết TTHC của bộ phận quản lý cũng tăng từ 3 - 5 lần.

Về vận tải biển, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, hơn 11 năm qua, ngành vận tải vẫn bấp bênh. Song, đội tàu Việt Nam đã bắt kịp được xu hướng phát triển “container hóa” trên thế giới. Đội tàu container tăng 20%/năm, từ 19 tàu (2013) lên 41 tàu (2019), góp phần đưa khối lượng hàng thông qua cảng biển do đội tàu Việt Nam vận chuyển luôn tăng trưởng ở mức hai con số.

Điện tử hóa toàn bộ thủ tục

img
Cảng container quốc tế Hải Phòng, gồm 8 cẩu bờ STS lớn nhất Việt Nam, tháng 4/2019 đã đón thành công tàu Nagoya Express có tải trọng trên 100 nghìn tấn, với sức chở 8.600TEU. Ảnh: HICT

Theo đánh giá của Bloomberg, mức chia sẻ lưu lượng container toàn cầu của Việt Nam hiện chỉ khoảng 2,5%, trong khi Trung Quốc đạt 40%. Để giải quyết vấn đề này, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, chúng ta cần làm gì?

Hệ thống cảng biển của Việt Nam đang đảm đương tốt việc XNK hàng hóa. Các cảng biển của Việt Nam chưa rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, với việc Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do FTA, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam trong các năm tiếp theo dự báo sẽ tăng trưởng từ 12 - 15%/năm nên việc đầu tư tăng công suất tại các cảng biển là vấn đề cấp thiết.

Theo quy hoạch phát triển cảng biển đến năm 2030, 3 cảng cửa ngõ chính hiện đại của quốc gia, thúc đẩy các vùng phụ cận theo trục phát triển Bắc - Nam và 3 trục phát triển Đông - Tây sẽ được hình thành, gồm: Cảng của ngõ quốc tế Hải Phòng gắn liền với trục phát triển Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc); Cảng cửa ngõ Quốc tế Đà Nẵng gắn với trục phát triển Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị - Savanakhet (Lào) và Cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu gắn với trục phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - TP HCM - Bình Dương - Tây Ninh - Phnom penh (Campuchia).

Khi chúng ta phát triển đồng bộ hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối và các dịch vụ hỗ trợ, cảng biển sẽ trở thành những cửa ngõ chính để hội nhập quốc tế, mức chia sẻ lưu lượng hàng hóa, nhất là hàng container sẽ tăng lên, vị thế của ngành Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng lên.

Chính phủ đã có chiến lược tập trung ưu tiên phát triển mạnh dịch vụ vận tải biển, khai thác tốt tiềm năng phát triển cảng biển, đẩy mạnh các hoạt động logistics hỗ trợ cho hoạt động hàng hải. Chúng tôi hi vọng sự huy động nguồn lực từ cơ quan nhà nước đến DN và quá trình ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, ngành Hàng hải Việt Nam tiếp tục “khởi sắc” và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong Chiến lược biển của Việt Nam trong 10 năm tới.
Ông Nguyễn Xuân Sang


Để “hiện thực hóa” chiến lược phát triển, Chính phủ luôn xem việc đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, chính sách huy động nguồn lực, nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế là giải pháp đột phá. Vấn đề này đã và sẽ được ngành hàng hải triển khai như thế nào?

Nhu cầu vốn để thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 ước tính từ 80-100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư cho hạng mục kết cấu hạ tầng công cộng (30-40%). Các hạng mục kết cấu hạ tầng bến cảng chủ yếu được đầu tư bằng nguồn huy động hợp pháp của DN.

Những giải pháp huy động nguồn lực sẵn có từ khối DN cũng được Cục Hàng hải VN đề xuất như: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty XNK có vốn nhà nước thực hiện đấu thầu trong nước với tiêu chí phù hợp để tăng khả năng trúng thầu của DN vận tải biển Việt Nam. Đối với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, các Bộ, ngành chỉ đạo chủ hàng giành khoảng 30% sản lượng với giá bằng giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện.

Bước vào thập kỷ mới, việc tận dụng tốt các cơ hội từ cuộc CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính, đăng ký, cấp phép, giảm thiểu “tham nhũng vặt... đã và sẽ được ngành Hàng hải triển khai ra sao?

Những năm qua, hàng hải luôn được Chính phủ và các cấp chức năng đánh giá là một trong những ngành thực hiện cải cách TTHC sớm nhất và tốt nhất.

Với chủ trương chuyển từ quản lý sang phục vụ, lấy người dân, DN làm trung tâm, nhất là sau khi sau khi Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 được Quốc hội thông qua, Cục Hàng hải đã rà soát các TTHC, quy định phương thức thực hiện thủ tục điện tử đối với các TTHC.

Đến nay, Cục Hàng hải đã xây dựng lộ trình và triển khai cung cấp: 51 TTHC trực tuyến mức độ 2; 35 TTHC trực tuyến mức độ 3; 9 TTHC về quản lý thuyền viên trực tuyến mức độ 4.

Mục tiêu đến năm 2020, ngành Hàng hải sẽ thực hiện nâng cấp toàn bộ TTHC thông qua Cổng thông tin Một cửa Quốc gia lên mức độ 4, tạo nền tảng tiến tới “điện tử hóa” toàn bộ nghiệp vụ quản lý Nhà nước lĩnh vực hàng hải trong những thập kỷ tiếp theo.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.