Quản lý

Điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn

22/01/2016, 18:40

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn hiện nay đã bộc lộ một số bất cập nên cần có sự điều chỉnh.

cang-can
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý với chủ trương điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo Bộ GTVT, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn hiện nay đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể là tại mỗi khu vực Bắc, Trung, Nam xác định số lượng cảng cạn quá ít, không phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế đầu tư cảng cạn và cơ sở hạ tầng kết nối là do không đáp ứng tiêu chí cảng cạn phải được kết nối cảng biển ít nhất 2 phương thức vận tải để tạo điều kiện vận tải đa phương thức, ưu tiên vị trí cảng cạn gắn với phương thức có năng lực vận tải cao.

Một số địa phương có cảng biển nhưng do địa bàn rộng, khoảng cách từ một số vùng đến cảng biển là khá xa, có nhu cầu phát triển cảng cạn, có tiêu chí cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng chưa được quy hoạch phát triển cảng cạn.

Hiện nay các cảng biển có diện tích kho bãi hẹp, có nhu cầu hình thành cảng cạn ngay tại khu bãi sau cảng, tại khu công nghiệp lân cận cảng biển để hỗ trợ năng lực thông qua hàng hóa nhưng chưa được định hướng phát triển tại Quy hoạch hiện hành.

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị đầu tư cảng cạn tại xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, do vị trí này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hình thành cảng cạn nhưng chưa được quy hoạch.

Vì thế, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như đề nghị của Bộ GTVT, đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ GTVT cũng được giao là đơn vị thực hiện việc thoả thuận đầu tư xây dựng và công bố mở cảng cạn, bao gồm cả dự án đầu tư cảng cạn của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn theo quy định của pháp luật.

Cơ chế tài chính Dự án xây đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai

e29cao-toc-noi-bai-lao-cai2
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Liên quan đến lĩnh vực đường bộ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý tiếp tục giao Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vay lại Khoản vay bổ sung nguồn vốn OCR cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai trên cơ sở ký Hiệp định vay phụ với Bộ Tài chính theo điều kiện cam kết tại Hiệp định vay ký với ADB, đảm bảo hoàn thành điều kiện giải ngân của Dự án.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT cân đối trong tổng số nguồn vốn đối ứng của Bộ để ưu tiên bố trí vốn cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, bao gồm Khoản vay gốc và Khoản vay bổ sung.

Đồng thời chỉ đạo VEC tập trung nguồn lực ưu tiên trả nợ cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đảm bảo không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thanh toán các khoản vay đến hạn của các dự án khác do VEC đang quản lý.

Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 245 km, điểm đầu là nút giao giữa Quốc lộ 2 và đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai). Đường cao tốc này là một phần của đường Xuyên Á AH14, đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc. Con đường này cũng là một hợp phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Dự án đã hoàn thành và thông xe toàn tuyến trong năm 2014.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.