Hồ sơ tài liệu

Điều gì đang chờ đợi nước Anh sau khi rời EU?

24/06/2016, 15:04
image

Trang nhất các báo quốc tế hôm nay đều đưa tin: phe Brexit thắng thế trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh.

bẽit

Cử tri Anh chính thức lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Theo kết quả công bố sáng nay, với 17,4 triệu người ủng hộ, ứng với 51,9% số phiếu, phe Brexit đã thắng sát sao phe ủng hộ Anh ở lại EU với 16,1 triệu lượt bình chọn, chiếm 48,1%. Đây là một thông tin… gây sốc với dư luận quốc tế và giới quan sát, khi chỉ vài giờ đồng hồ trước khi kết quả được công bố, người ta vẫn dự đoán khả năng Anh ở lại EU không hề thấp.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được thông báo, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, ông sẽ từ chức vào tháng 10 tới đây: "Tôi không nghĩ mình còn phù hợp để làm thuyền trưởng cầm lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo", Reuters dẫn lời ông Cameron phát biểu với báo giới. "Tôi sẽ làm mọi điều có thể trong thời gian còn đương chức để ổn định con tàu", ông Cameron nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thì quan tâm hơn tới vấn đề: Những hệ lụy nào sẽ xảy ra với Anh sau khi cử tri nước này chọn rời bỏ Liên minh châu Âu EU.

Trước hết, cần hiểu, mặc dù cử tri Anh nhất trí lựa chọn rời EU, Brexit sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Bởi theo điều 50 trong Hiệp ước của Liên minh châu Âu, những thành viên muốn rút khỏi Liên minh này phải trải qua một cuộc đàm phán – nhằm thỏa thuận về các điều khoản rút lui, đồng thời đề ra một khuôn khổ hợp tác với châu Âu trong tương lai. Tiến trình này có thể kéo dài tới 2 năm.

Trước khi đàm phán kết thúc và đưa ra tuyên bố chính thức, Anh vẫn sẽ là một thành viên của EU, vẫn sẽ thực hiện đầy đủ các ràng buộc theo quy định của khối. Chưa kể, vấn đề sẽ được đưa ra xem xét bỏ phiếu tại Hội đồng chung châu Âu (EC), nghị viện Anh và châu Âu. Mặc dù về mặt lý thuyết, Anh có thể đơn phương rút khỏi EU, song nếu kịch bản đó xảy ra, quan hệ giữa London với EU sẽ tồi tệ hơn rất nhiều.

Chưa kể, Brexit khiến London đứng trước những thách thức vô cùng lớn, mà nói như Thủ tướng Anh David Cameron là “bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Trong đó, thương mại là vấn đề số 1: Hiện, khoảng 45% xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh đổ sang các nước thành viên EU, trong khi 53% hàng hóa nhập khẩu vào nước này đến từ các nước EU. Điều này đồng nghĩa với việc London vừa phải duy trì tiếp cận thị trường châu Âu để đảm bảo lợi ích thương mại, vừa phải chuẩn bị hàng loạt tình huống khi không còn là “thành viên của ngôi nhà chung châu Âu”. Phe ủng hộ Anh ở lại EU cho rằng, việc rời bỏ khối liên minh sẽ làm tổn hại tới xuất khẩu của Anh sang EU, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư của nước Anh. Đơn cử như, khi không còn Hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu của Anh sang EU sẽ bắt đầu bị áp thuế, và ngược lại, hàng hóa của EU xuất khẩu sang Anh cũng bị áp thuế.

Thứ hai, khi không còn là thành viên EU, các nhà lập pháp Anh sẽ phải ban hành bổ sung, sửa đổi hoặc xây mới các điều luật hiện hành. Điều này đồng nghĩa với việc sự xa cách giữa Anh và Eu sẽ ngày càng lớn. Chưa kể, lịch sử cho thấy, những hiệp định nhằm đạt được thỏa thuận giữa Anh với châu Âu khi không còn là “người nhà” có thể mất tới hàng năm, thậm chí hàng thập niên mới hoàn tất.

2016-06-24T072609Z-1099364294-8766-2885-1466753560

Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố.

Đúng như dự đoán, về mặt kinh tế, Brexit đã gây ra một “cú sốc lớn” cho thị trường kinh tế toàn cầu, vốn đang “nín thở” chờ đợi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Anh. Trong phiên giao dịch đầu ngày hôm nay, các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh, đồng bảng Anh đã trượt giá mạnh mẽ so với đồng USD, kỷ lục sau 31 năm. Lần đầu tiên kể từ năm 1985, 1 bảng Anh chỉ đổi được chưa đầy 1,35 USD.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã giảm 7%, tương đương 1.100 điểm sau khi kết quả trưng cầu dân ý tại Anh được công bố. Đây là sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ thảm họa hạt nhân 11/3/2011 tại nhà máy điện Fukushima sau thảm họa kép ập vào miền đông nước Nhật. Chứng khoán Thượng Hải, Hongkong cũng ở trong tình trạng tương tự.

Trước đó, những lo ngại trước thềm trưng cầu dân ý diễn ra đã khiến kinh tế Anh tăng trưởng chậm trong quý I/2016. Kinh tế nước này được dự đoán sẽ còn tiếp tục chững lại trong vòng 2 năm tới, sau khi người dân lựa chọn Brexit và các cuộc đàm phán diễn ra.

Thứ ba, vấn đề nhập cư cũng là điều đáng quan ngại đối với nước Anh sau khi Brexit diễn ra. London và Brussels cùng lúc sẽ phải rà soát lại vị thế của các công dân EU đang làm việc tại Anh, và ngược lại.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn ý kiến cho, rằng hậu quả của Brexit sẽ kéo dài hàng thập kỷ và tác động lên sự hội nhập toàn cầu.

>>> Xem thêm video người đứng đầu EU "tát" yêu các nhà lãnh đạo

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.