Văn hóa - Giải Trí

Điều gì khiến chương trình nghệ thuật “cháy vé” thời gian gần đây?

28/12/2019, 08:37

Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm gần đây đã “cháy vé” nhiều tháng trước buổi biểu diễn.

img
Vở ballet Kẹp hạt dẻ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM "cháy vé" 3 đêm diễn

Dù vẫn luôn được đánh giá là loại hình nghệ thuật kén khán giả, nhưng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm gần đây đã “cháy vé” nhiều tháng trước buổi biểu diễn.

Giá vé đắt đỏ vẫn hết chỗ

Ba buổi biểu diễn vở ballet “Kẹp hạt dẻ” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM (HBSO) ngày 6-8/12 tại Nhà hát Thành phố HCM đều công bố “cháy vé” trước ngày công diễn. Đối với các nghệ sĩ nhà hát, lại có thêm một mùa biểu diễn thành công của vở vũ kịch kinh điển khi khán phòng gần 500 ghế ngồi không còn chỗ trống với những tràng vỗ tay cổ vũ nhiệt liệt trong suốt buổi diễn. Trước đó một ngày tại Hà Nội, hai đêm diễn ngày 4-5/12 vở ballet “Hồ Thiên Nga” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNBO) tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã được lấp đầy bởi khán giả.

Không riêng những vở ballet, trong vài năm gần đây, nhiều buổi biểu diễn hay các chương trình hòa nhạc đã được công chúng đón nhận. Minh chứng cho điều ấy là chương trình hòa nhạc của NSND Đặng Thái Sơn tại Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2019, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời bán vé tiền triệu trong buổi hòa nhạc “Concerto Hoàng Đế” mở đầu cho mùa diễn 2019-2020 đã kín khán giả ở Nhà hát Lớn Hà Nội… Mức giá bán vé của các chương trình này cũng ở mức 300.000 - 2,5 triệu đồng.

Để có được những kết quả khả quan ấy là cả một quá trình nỗ lực đổ mồ hôi, nước mắt của các nghệ sĩ. Quá trình làm nên vở ballet “Hồ Thiên Nga”, các nghệ sĩ của VNBO đã phải tập luyện suốt nửa năm trời. Nhiều người đã đổ mồ hôi, thậm chí cả máu trong quá trình tập luyện vì bị chấn thương, bật móng, nghệ sĩ thổi kèn tới bầm môi… Những hy sinh ấy đã có được những thành quả ngọt ngào khi không chỉ hai buổi diễn này mà các buổi diễn trước cũng “cháy vé” dù mức giá bán không hề rẻ, dao dộng từ 500.000 - 1,5 triệu đồng.

Nâng cao trình độ thưởng thức của khán giả

Cùng với những trả giá về sức khỏe, nhiều năm qua, các nghệ sĩ của dòng nghệ thuật hàn lâm cũng luôn nỗ lực đưa môn nghệ thuật bác học này tới với khán giả bằng những buổi hòa nhạc miễn phí, mang tới cho khán giả những đêm diễn đẳng cấp quốc tế bằng cách mời những dàn nhạc giao hưởng thế giới về biểu diễn, hay cải tiến về chuyên môn nghệ thuật để dễ gần với khán giả hơn. Theo nhạc trưởng Trần Nhật Minh - Phó đoàn phụ trách, quyền trưởng đoàn nhạc kịch của HBSO, nhiều kịch mục biểu diễn thời gian qua của nhà hát đã cố gắng mang tới những sự mới mẻ, trẻ trung hơn để phù hợp với thị hiếu của đa số khán giả, kết hợp với các loại hình nghệ thuật như nhạc kịch, nhạc phim, Rock Symphony… để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận.

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh rất hào hứng khi cảm thấy khán phòng của Nhà hát Lớn TP HCM mà anh hay biểu diễn đã quá chật chội so với nhu cầu của khán giả. Anh cho rằng, có được những kết quả ngày hôm nay là bởi các nghệ sĩ, nhà hát đã có cả một quá trình dài làm các chương trình miễn phí, để từ đó xây dựng nên một lớp khán giả có hiểu biết về nghệ thuật, chứ không chỉ đến vì những cảm tính và cảm âm. Điều đặc biệt mà anh nhận thấy là lứa khán giả ngày nay đã có nhiều khán giả trẻ xuất hiện chứ không đơn thuần chỉ là những người lớn tuổi thích nghe nhạc cổ điển. Trước đây, 50% là khán giả nước ngoài, giờ chỉ còn khoảng 30%. Lượng khán giả Việt tăng lên và cũng trẻ hơn. “Khi chúng ta chú trọng đầu tư giáo dục về nghệ thuật hàn lâm, chắc chắn sẽ có lượng khán giả trẻ không nhỏ, bởi họ thường thích thú tìm hiểu và biết thêm loại hình nghệ thuật mới”, nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ.

NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam tin tưởng, đây là tác động từ cả hai hướng là nghệ sĩ - khán giả. Đội ngũ nghệ sĩ đều phải là những người được học tập bài bản, chuyên nghiệp và làm việc với sự nghiêm túc mới cho ra đời được một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, được tôn vinh và coi trọng.

“Khi các tác phẩm thực hiện cẩn thận, có giá trị cao thì xứng đáng được mọi người đón nhận. Khán giả cũng luôn sẵn sàng đón nhận những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đỉnh cao. Nhất là khi kinh tế xã hội phát triển đến một mức độ nhất định, người ta sẽ hướng tới những bộ môn nghệ thuật khó thẩm thấu”, nghệ sĩ Trần Ly Ly nhận định.

Hiệu ứng “cháy vé” có là thật?

Theo NSƯT Bùi Công Duy, âm nhạc nghệ thuật bác học đang có những tín hiệu tích cực, khi có sự tham gia cạnh tranh của các đơn vị tư nhân. Tuy nhiên, tốc độ phát triển khán giả vẫn chậm, nhận thức và cách nhìn nhận về vai trò của văn hóa trong xã hội, cuộc sống chưa được như kỳ vọng. “Nếu dừng 10 người đi đường bất kỳ để hỏi, giỏi lắm chỉ có 1 người chọn đi xem nhạc cổ điển nếu rảnh rỗi, thậm chí có thể không có ai. Điều đó mới thể hiện được nhu cầu có thực. Ở các buổi hòa nhạc tại Hà Nội hiện nay, khán giả đi xem vẫn từng đó mặt người. Người mới thường thuộc diện có vé mời. Lượng khán giả vẫn chưa đồng bộ và đây là bài toán tổng thể, liên quan tới giáo dục đào tạo, tuyên truyền, các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau”, nghệ sĩ chia sẻ.

“Việc “cháy vé” các chương trình cũng không nói rõ nhu cầu đời sống của khán giả. Phải xét ở khía cạnh các chương trình có cùng xuất phát điểm mới so sánh được hiệu ứng thực sự của công chúng như thế nào. Bởi, có chương trình bỏ nhiều tiền làm truyền thông, có đơn vị không có tiền làm. Có chương trình lại hết vé nhờ quen biết nhiều, có sự hỗ trợ. Điều đó không phản ánh thực về nhu cầu đời sống âm nhạc nghệ thuật hàn lâm của khán giả”, NSƯT Bùi Công Duy nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.