Hồ sơ tài liệu

Điều gì khiến chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng thành đặc biệt?

02/03/2017, 06:24

Chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu theo lời mời của Chủ tịch nước được đánh giá là đặc biệt.

1

Quang cảnh lễ đón Nhà vua và Hoàng hậu tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

“Quan hệ đặc biệt”

Chuyến thăm diễn ra từ ngày 28/2 đến 5/3, đánh dấu Việt Nam là quốc gia thứ 27 mà Nhật hoàng Akihito chính thức đến thăm trong tổng số 57 quốc gia mà Nhà vua Nhật Bản đã đặt chân đến.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Nhật hoàng Akihito muốn thăm từ sau khi ông tỏ ý mong muốn thoái vị vào tháng 8/2016 vì lý do sức khỏe. Đáng chú ý, chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito diễn ra ngay sau chuyến thăm chính thức tới Hà Nội với mục đích củng cố, tăng cường và phát triển quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào giữa tháng 1/2017.

Nói về chuyến thăm đặc biệt này của Nhật hoàng, các chuyên gia, nhà quan sát đều có nhận định chung cho rằng, chuyến thăm có tính biểu tượng rất cao và hàm chứa ý nghĩa to lớn, bởi thông thường chỉ có những quốc gia hữu hảo thì Nhật hoàng Akihito mới đến thăm.

Cùng chung nhận định này, phát biểu trên đài BBC (Anh), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình cho rằng, “chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito là sự kiện mang tính biểu tượng rất cao về quan hệ hai nước”. Khi ở Nhật, chúng tôi cũng được biết là người dân quan tâm tới các hoạt động của Hoàng gia và Nhật hoàng hơn là hoạt động của Chính phủ. Nhật hoàng và Hoàng hậu đi thăm nước nào thì hẳn là nước đó phải có quan hệ đặc biệt”.

“Ngoại trừ những nước có liên hệ về Hoàng gia tức là việc thăm viếng là thường xuyên, còn đối với những nước như Việt Nam thì chuyến thăm này thể hiện quan hệ mật thiết rất đặc biệt giữa hai nước”, nguyên Đại sứ Nguyễn Phú Bình nói.

Thu hút quan tâm đặc biệt

Sự kiện Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu đến thăm Việt Nam thu hút sự quan tâm, chú ý của truyền thông quốc tế, đặc biệt là báo chí xứ sở mặt trời mọc.

Thông tin về chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản có khoảng 100 phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình lớn của Nhật Bản tháp tùng. Hàng loạt báo lớn, uy tín của Nhật như: Yomiuri, Mainichi, Asahi, Nihon Keizai, Japan News, Japan Times, Japan Today... đều đưa trang trọng hình ảnh Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản được chào đón tại Việt Nam.

Nhật hoàng muốn thăm Việt Nam từ lâu

Nhật hoàng Akihito sinh ngày 23/12/1933, là con trai trưởng của Nhà vua Showa và Hoàng hậu Kojun. Vua Akihito chính thức lên ngôi vào ngày 7/1/1989, là nhà vua thứ 125 của Nhật Bản sau khi Vua Hirohito qua đời. Lễ lên ngôi của Nhà vua được tổ chức vào ngày 12/11/1990 tại Hoàng cung với sự tham dự của đại diện 58 quốc gia.

Theo Hiến pháp Nhật, nhà vua là biểu tượng của Nhà nước và sự đoàn kết của nhân dân, Nhật hoàng có được vị thế này là nhờ vào ý nguyện của nhân dân, người thực sự có quyền lực tối thượng. Vua Akihito khi còn nhỏ học tại trường Gakushuin, sau đó học tại trường Bộ Nội chính Hoàng gia. Trong thời kỳ chiến tranh, ông Akihito được sơ tán khỏi Tokyo đến vùng nông thôn Nikko và ở lại đến khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc năm 1945.

Năm 1952, Nhà vua Akihito vào học Khoa Kinh tế - Chính trị, Đại học Gakushuin. Lễ thành nhân và Lễ tấn phong Hoàng Thái tử của ông được tổ chức cùng năm. Ngay sau đó, Vua Akihito chính thức bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của mình trên cương vị Hoàng Thái tử.

Năm 1953, Nhà vua Akihito bắt đầu thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên nhân sự kiện tham dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II, Vương quốc Anh và đi thăm nhiều nước ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu.

Chia sẻ trên BBC, ông Nguyễn Phú Bình cho biết, ông đã có dịp diện kiến Nhật hoàng Akihito và ông cảm nhận được rằng với các đoàn ngoại giao nước ngoài, Nhật hoàng Akihito luôn thể hiện thái độ trân trọng. Và khi phía Việt Nam bày tỏ mong muốn được đón Nhật hoàng và Hoàng hậu tới thăm thì Nhật hoàng đã thể hiện mong muốn được tới Việt Nam. “Tôi luôn cảm thấy sự nhân từ, khiêm nhường của Nhật hoàng. Và tôi cũng thấy Nhật hoàng rất gần dân khi tham gia canh tác tại các trang trại của Hoàng gia”, ông Bình kể.

Chủ tịch nước hội kiến Nhà vua Nhật Bản

Ngay sau lễ đón chính thức sáng 1/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đã hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tình cảm của Nhà vua, Hoàng hậu, Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho nhân dân Việt Nam trong thời gian qua. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm Việt Nam; Cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phu nhân, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo cùng nhau điểm lại lịch sử giao lưu lâu dài giữa nhân dân hai nước có từ thế kỷ thứ VIII khi Đại sư Phật Triết của Việt Nam sang Nara - Kinh đô đương thời của Nhật Bản để giao lưu Phật giáo, âm nhạc và các thuyền buôn của thương gia Nhật Bản tới phố cảng Hội An để giao thương vào thế kỷ XVI - XVII; Hài lòng và phấn khởi trước những bước phát triển nhanh chóng, tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong hơn 40 năm qua và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong thời gian tới.

Nhà vua Nhật Bản cho rằng, sự giao lưu trong lịch sử là nền tảng quan trọng để hai nước thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển của mỗi nước và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Cũng tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đã giới thiệu với Nhà vua và Hoàng hậu về nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu các tinh hoa của văn hóa thế giới; Bày tỏ mong muốn được đón nhiều thành viên Hoàng gia Nhật Bản thăm Việt Nam vào năm 2018, dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và cùng phía Việt Nam tham dự các sự kiện kỷ niệm.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.