Hồ sơ tài liệu

Điều gì sau đề xuất “Con đường tơ lụa” trên biển của Trung Quốc?

01/03/2015, 16:55

Con đường này xuất phát từ Trung Quốc đi qua Biển Đông, eo biển Malacca, đến Ấn Độ Dương...

img
Tàu vận chuyển container qua eo biển Malacca.

Tháng 10/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đề xuất chủ trương xây dựng “con đường tơ lụa trên biển” trong thế kỷ XXI với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Với mục tiêu “tăng cường hợp tác trên biển với các nước ASEAN”, con đường sẽ xuất phát từ Trung Quốc đi qua Biển Đông, eo biển Malacca, đến Ấn Độ Dương và kết nối với khu vực Trung Đông, châu Phi và châu  Âu, trong đó, ASEAN là cửa ngõ then chốt để thực hiện chủ trương này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc xây dựng “con đường tơ lụa trên biển” có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc đối phó với chiến lược “xoay trục” của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hỗ trợ thực hiện có hiệu quả chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc, mở rộng tầm ảnh hưởng và khả năng kiểm soát của Trung Quốc từ Biển Đông tới vùng biển A rập, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển.

Theo báo Liên hợp Buổi sáng (Singapore), tại Đông Nam Á, một số nước (như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar) đã tỏ ý ủng hộ ý tưởng xây dựng “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc, vì những nước này đang có nhu cầu thu hút vốn đầu tư để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cảng biển. Trong khi đó, một số nước khác (như Philippines, Indonesia…) lại tỏ ra hoài nghi, lo ngại về vấn đề an ninh, nhất là tình hình an ninh ở khu vực Biển Đông sẽ phức tạp hơn khi “con đường tơ lụa trên biển” được hình thành.

Cũng theo Liên hợp Buổi sáng, một số giới học thuật Singapore coi đây là nỗ lực của Trung Quốc trong việc thiết lập khu vực ảnh hưởng, gạt bỏ các nước khác ra khỏi khu vực để chiếm ưu thế tuyệt đối về kinh tế và chính trị, từ đó xây dựng lại “hệ thống triều cống” có từ thời phong kiến.

Học giả Erci Teo giải thích rằng Trung Quốc vẫn còn tư duy “hệ thống triều cống”. Đặc điểm của hệ thống này là Trung Quốc tự cho mình là trung tâm của khu vực, sử dụng “hệ thống triều cống” để đảm bảo môi trường an ninh của mình, đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định nội bộ. Với việc trở thành nước trung tâm, Trung Quốc sẽ nhận được “lễ vật” cũng như sự “kính trọng” của các nước xung quanh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á Trịnh Vĩnh Niên cho rằng cái gọi là “con đường tơ lụa” chính là cách để Trung Quốc “đi ra nước ngoài”, trong khi “hệ thống triều cống” được Trung Quốc sử dụng để xử lí mối quan hệ với các nước. Thông qua “hệ thống triều cống” và “con đường tơ lụa”, Trung Quốc đã hình thành một trật tự khu vực một cách tự nhiên. “Hệ thống triều cống” tất nhiên có những chỗ bất bình đẳng và điều này không được các nước phương Tây vốn có sự bình đẳng về tôn giáo chấp nhận. Tuy nhiên, về cơ bản, “hệ thống triều cống” là một kiểu thể hiện văn hóa “có đi có lại” của người Trung Quốc.

Phân tích mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, học giả chuyên ngành luật của Singapore Michael Ewing Chow nhận thấy rằng trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc vượt xa rất nhiều so với các nước ASEAN và giữ vai trò chi phối. Trong khi đó, các yếu tố chính trị và văn hóa thường được lồng ghép trong các hoạt động kinh tế và luôn lớn hơn yếu tố thương mại.

Vì vậy, các nước ASEAN cần phải thể chế hóa các hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, bảo đảm có các quy định cụ thể và lấy đó làm phương hướng hoạt động. Nếu việc thể chế hóa các hiệp định này thất bại, ưu thế vượt trội về kinh tế của Trung Quốc sẽ trở thành một kiểu “bá quyền”, đưa nước này trở lại địa vị bá chủ, từ đó trao đổi thương mại sẽ trở thành một kiểu “triều cống”. Ông Chow cũng khuyến cáo Trung Quốc tốt nhất là nên thực hiện trao đổi thương mại nhiều hơn và giảm bớt tư tưởng kiểu triều cống.

Có ý kiến cho rằng khi đưa ra đề xuất “con đường tơ lụa trên biển”, ông Tập Cận Bình có thể đã không liên hệ nó với “hệ thống triều cống”. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với những quan điểm cứng rắn của nước này trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông vẫn đang khiến các nước láng giềng lo ngại.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.