Quân sự

Điều gì xảy ra nếu Nhật Bản tự tăng cường khả năng tấn công?

21/09/2020, 05:38

Nếu nhìn vào lịch sử có thể thấy rõ hơn sự thay đổi chính sách phòng thủ của Nhật cũng như hệ quả có thể nảy sinh.

img
Nhật từng muốn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ để tăng cường khả năng phòng vệ nhưng bất thành

Mắc kẹt giữa một Trung Quốc quyết đoán, một Triều Tiên bí ẩn và một đồng minh trên đà lỏng lẻo là Mỹ, Nhật Bản được cho là đang đi theo hướng tự tăng cường khả năng tấn công. Điều gì sẽ xảy ra tại khu vực Đông Á nếu Nhật Bản theo đuổi chính sách này?

Tranh cãi chính sách phòng thủ tên lửa

Theo báo National Interest, nếu nhìn vào lịch sử có thể thấy rõ hơn sự thay đổi chính sách phòng thủ của Nhật cũng như hệ quả có thể nảy sinh. Từ năm 1951 và thời điểm Mỹ - Nhật đồng thuận ký Hiệp ước An ninh chung, Nhật Bản luôn dựa vào mối quan hệ liên minh với Mỹ về an ninh. Đến năm 1960 và sau khi hai bên đánh giá lại thỏa thuận, Quốc hội cùng Chính phủ Nhật đã quyết định sẽ tôn trọng nguyên tắc “chính sách định hướng quốc phòng độc nhất”.

Một cấu trúc liên minh khiên - giáo (vừa phòng thủ vừa tấn công) giữa hai quốc gia được hình thành: Mỹ sẽ sử dụng căn cứ tại Nhật để bảo vệ quốc gia đồng minh này, đồng thời tăng cường năng lực quân sự trên toàn cầu. Trong khi đó, Nhật hỗ trợ ở vai trò quốc gia chủ nhà và tập trung vào tự bảo vệ lãnh thổ của mình.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, những mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên và Trung Quốc tăng lên đỉnh điểm, trở thành hiểm họa rất lớn với Nhật. Đó cũng là vấn đề chủ đạo cần giải quyết xuyên suốt các hoạt động của liên minh Washington - Tokyo.

Nhật rốt ráo xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ với nền tảng máy bay đánh chặn cùng căn cứ trên đất liền hoặc trên biển. Trong khi đó, về phía Mỹ, ngoài hỗ trợ Nhật, họ cũng duy trì khả năng phòng thủ cần thiết đủ để trừng phạt bất cứ quốc gia nào có ý định tấn công quốc gia đồng minh. Khả năng phòng vệ của Nhật được đảm bảo nhờ sự kết hợp giữa “khiên của Nhật Bản” và “giáo mác của Mỹ”.

Song, tình hình địa chính trị chiến lược của Nhật đã suy yếu đáng kể trong vài năm qua. Bắc Kinh ngày càng không nhượng bộ, còn Triều Tiên tiếp tục mở rộng kho tên lửa và hạt nhân.

Ban đầu, Nhật tập trung vào tăng cường khả năng phòng thủ chống lại các mối đe dọa tên lửa. Năm 2017 đánh dấu đỉnh điểm căng thẳng Mỹ - Triều, Tokyo quyết định mua tài sản phòng thủ tên lửa mới (hệ thống Aegis Ashore) nhưng sau đó, Chính phủ Nhật quyết định đình chỉ triển khai hệ thống này vì vấn đề chi phí, lo ngại an toàn từ các cộng đồng người dân địa phương.

Sự việc một lần nữa kích hoạt những tranh cãi liên quan tới chính sách phòng thủ tên lửa của Nhật. Đồng thời, các nhà làm luật nước này nhận thấy, hệ thống tên lửa hiện tại của họ không đủ để bảo vệ đất nước. Tuy Chính phủ Tokyo vẫn còn cân nhắc nghiên cứu đề xuất tăng cường hệ thống phòng thủ vững chắc nhưng họ lại đang lấy đà để đẩy mạnh phương án khác, đó là tăng cường năng lực tấn công.

Kích thích các quốc gia láng giềng

Ngay tháng 8 vừa rồi, Đảng Dân chủ tự do cầm quyền của Nhật đề xuất để cân nhắc “sở hữu năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo cùng một số tên lửa khác kể cả ở trong lãnh thổ của đối thủ”.

Vài ngày trước, trong một tuyên bố, dù cựu Thủ tướng Shinzo Abe không đề cập tới năng lực phòng thủ nhưng ông hé lộ thông tin: Cuối năm nay chính sách quốc phòng mới sẽ được tiết lộ. Điều này đồng nghĩa, Tokyo sẽ không thu mình đằng sau chiếc khiên nữa mà muốn tự sở hữu thêm nhiều “giáo mác” hơn.

Nếu Nhật đi theo con đường đó, sự ổn định khu vực Đông Á sẽ trượt ra ngoài tầm kiểm soát. Xét trên tình trạng thù địch về chính trị và lịch sử giữa Nhật Bản cùng các nước láng giềng trong khu vực, việc tăng cường năng lực tấn công sẽ làm gia tăng căng thẳng, thậm chí có thể đẩy lên thành cuộc đua vũ khí, cụ thể là với Trung Quốc.

Trước đây, khi Tokyo hé lộ khả năng ra mắt tàu có năng lực phòng thủ tên lửa, dư luận ở Trung Quốc cho rằng, động thái đó có thể kích hoạt cuộc đua trang bị tên lửa, dẫn đến tổn hại nghiêm trọng an ninh và hòa bình khu vực.

Chính sách mới của Nhật còn tác động tới động lực liên minh của Nhật với Mỹ bởi một khi Tokyo sở hữu năng lực có thể tự động tấn công lãnh thổ của địch thủ, khả năng Washington có thể kiểm soát Tokyo trong những mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật với các nước láng giềng theo đó mà suy giảm.

Mỹ sẽ làm gì?

Để trả lời câu hỏi này, Phó Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Webster, Geneva, ông Lionel P.Fatton cho rằng, trước hết cần phải thừa nhận kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật sẽ rất phức tạp. Vì thực chất, trong khung làm việc liên minh với Mỹ, Washington đã hỗ trợ Nhật Bản những tài sản quân sự như vậy.

Một vấn đề khác là sự bất ổn, thiếu tin cậy ngày càng gia tăng của Mỹ, nhất là sau chính sách ngoại giao theo kiểu giao dịch và khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nước đồng minh. Chưa kể, ngay việc kiểm soát đồng minh còn khó, Washington gần như không cơ hội kiểm soát Trung Quốc và Triều Tiên về những vấn đề liên quan tới an ninh Nhật Bản.

Như vậy, Phó Giáo sư P.Fatton chỉ ra, điều Mỹ có thể và nên làm đó là tái đảm bảo với Tokyo về cam kết an ninh; “Chính quyền Mỹ chỉ còn hơn 1 tháng nữa (trước cuộc bầu cử Tổng thống) để đảm bảo chính sách phòng thủ tên lửa mới của Nhật không đi sai đường. Do đó, Mỹ cần phải có hành động khẩn trương, nếu không, nước Mỹ rất có thể sẽ thức dậy sau một kỳ bầu cử mới với một “cơn đau đầu nữa” tại châu Á”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.